Mùa mưa lũ: Đi giữa nước mắt và nụ cười...

03/11/2016 09:27 GMT+7

Giọt nước mắt thường đồng hành với mưa lũ. Bởi đâu có mưa lũ ở đó có tang thương, mất mát, đớn đau...Nhưng, nếu biết sẻ chia, biết đùm bọc, nụ cười vẫn sẽ nở, dẫu giữa bộn bề khó khăn!

1. Chuyện buồn ư, ở vùng lũ nhiều vô kể. Là chuyện cô gái trẻ tình nguyện đi dọn vệ sinh vùng lũ chết tức tưởi dưới gầm xe tải khi đi mua cơm trưa cho bè bạn ở Quảng Tiên (TX.Ba Đồn, Quảng Bình). Là chuyện một người cha cụt tay ở H.Cam Lộ (Quảng Trị) lặn hụp trong nước lũ để tìm thi thể con. Là nữ sinh ở H.Lệ Thuỷ (Quảng Bình) trên đường đến trường đã bị dòng nước cuốn trôi mất... Là những ngôi nhà chỉ còn thấy mái, là những mảnh vườn ngập ngụa trong bùn, là những con gia súc, gia cầm chết sình bụng giữa đồng. Là những gương mặt người hằn lên sự vất vả, bùn đất vương cả lên mắt, lên tóc.
Một cụ già ở H.Cam Lộ (Quảng Trị) được lực lượng chức năng cứu ra khỏi vùng ngập lũ ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Chỉ có những con người vô cảm, khi vào vùng lũ mới không xúc động trước hoàn cảnh tréo ngoe mà người dân nơi đây gặp phải. Nhưng vậy là chưa đủ, hãy xem cộng đồng mạng đã nguyện cầu cho cô gái trẻ có nickname trên Facebook là “Giấu Hương” nhiều đến thế nào. Hãy nhìn hàng đoàn người phụ giúp người cha tội nghiệp cụt tay và thân nhân nữ sinh lặn tìm người thân của họ.
Những câu chuyện đớn đau được chuyền tai nhau trong vùng lũ, trong cộng đồng không chỉ để nghe cho biết mà để cùng sẻ chia, cùng tìm cách giúp đỡ những người cần giúp đỡ, bằng cách này hoặc cách khác.
2. Có rất nhiều người dân vùng lũ tâm sự với tôi rằng, mưa lũ không chỉ mang đế khổ đau mà còn mang đến...tình người. Trong cơn bĩ cực, tình đồng loại được nhen nhóm và bùng lên một cách tự nhiên, không hề gượng gạo. Đặc biệt là tình làng nghĩa xóm. Trước, có thể nhà nào biết nhà đó, “đèn nhà ai nấy rạng”, thậm chí có mâu thuẫn nhưng giữa mưa gió trập trùng, mênh mông biển nước, câu “bán anh em xa, mua láng giềng gần” của các cụ xưa quả đúng.
Người dân cùng phụ nhau đưa gạo cứu trợ về nhà ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Ông Trương Xuân Cung (53 tuổi, trú thôn Phú Xuân, xã Phú Thuỷ, H.Lệ Thuỷ, Quảng Bình - người vừa bị tốc mái hoàn toàn ngôi nhà sau trận lốc rạng sáng 1.11) kể rằng khi vừa tỉnh giấc, ông như khóc ròng bởi lâm cảnh màn trời chiếu đất. “Gia đình vừa gượng dậy sau cơn lũ thì đến lốc. Nhưng những lúc như thế này mới thấy nghĩa tình xóm giềng. Không ai bảo ai nhưng dân làng đã kéo về nhà tôi rất đông. Người trèo lên mái nhà, người lợp lại ngói, người dọn dẹp vệ sinh... Lúc đó, nhà cửa trống hoác, gió lùa tứ phía nhưng tôi đã không hề thấy “lạnh”, ông Cung nói.
Các mẹ, các chị ở xã Quảng Thuỷ (TX.Ba Đồn, Quảng Bình) chờ đến lượt nhận gạo ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Mấy ngày nay, cư dân mạng đang sốt “xình xịch” với clip “đám cưới lụt” quay ở thôn Quy Hậu (xã Liên Thủy, H.Lệ Thủy, Quảng Bình). Có ai tự hỏi rằng, những người trong clip đó có “rảnh” quá không khi nhảy múa hát hò tưng bừng khi nước lũ ngập gần đầu gối? Nếu không vì chữ tình, chữ nghĩa sao người ta làm được vậy? Để cho đôi trẻ có được một đám cưới trọn vẹn, người ta đã cố quên cả lũ, quên cả việc nhà mình cũng đang bị ngập để chúc phúc bằng cách ca hát, nhảy múa. Nói thật, khi xem hết đoạn clip, tôi cười thì ít mà thương thì nhiều. Thương quá người dân vùng lũ chất phác, nghị lực, biết gạn bớt hoàn cảnh sống trớ trêu để lạc quan, yêu đời.
3. Cho đến thời điểm này, tôi chưa bao giờ thấy một đợt cứu trợ nào được đồng bào cả nước thực hiện một cách quy mô, sâu rộng như những ngày này. Trên mạng xã hội, hầu như ai cũng nói về chuyện cứu trợ, bằng kiểu này hoặc kiểu khác. Ra ngoài đời thực, người ta gặp nhau cũng thông tin về việc cứu trợ. Và khi đi cứu trợ, đến hiện trường mới thấy, nói thì hơi quá nhưng bà con đi như hội, nườm nượp người xe. Tưởng như ai cũng làm cứu trợ, từ giới nghệ sĩ đến doanh nghiệp đến báo chí, tăng ni phật tự hoặc các tổ chức...
Niềm vui của người dân khi nhận quà cứu trợ ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Những ngày 24,25.10, khi tổ chức các đoàn cứu trợ qua các xã vùng nam của TX.Ba Đồn (Quảng Bình), tưởng như những con đường ở vùng này là quá chật chội để các đoàn cứu trợ di chuyển. Khắp các nẻo đường đều thấy xe cứu trợ với rất nhiều loại biển số xe các tỉnh từ nam chí bắc. Tôi biết, ngoài hàng quà, họ còn mang đến cho người dân vùng lũ hơi ấm đồng loại, hơi ấm về sự sẻ chia.
4. Nhưng đừng nghĩ người dân vùng lũ chỉ biết nhận, họ cũng biết ...cho, tất nhiên cách cho cũng rất...vùng lũ. Sáng 25.10, tôi cùng đoàn của ni sư Thích Nữ Tâm Nguyệt, Đạo tràng Diệu Phước cùng quý Phật tử chùa Phổ Hiền (Bà Rịa - Vũng Tàu) đến thăm, tặng quà cho người dân vùng lũ tại H.Vĩnh Linh. Gặp bà con đến nhận quà khắc khổ, “da bụng đụng da lưng”, sư cô đã bật khóc và ôm chầm lấy họ.
Ni sư Thích Nư Tâm Nguyệt ôm chầm người dân vùng lũ H.Vĩnh Linh ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Cảm nhận được tấm lòng của vị ni sư, sau khi nhận quà, ngoài nói tiếng cảm ơn, rất nhiều bà con còn rất ý tứ đến... động viên ngược trở lại vị ni sư đang đứng một góc riêng, mắt ngấn lệ. Có người còn pha trò, lạc quan tếu với ni sư rằng: “Mưa lũ năm nay chúng tôi khổ nhưng năm sau lại được mùa lúa vì phù sa đắp bồi. Khi nào sư quay lại, sẽ biếu sư ít gạo ăn”.
5. Hôm nay, ngày 3.11, là trọn nữa tháng, chúng tôi, những người làm báo Thanh Niên, ngược xuôi cứu trợ bão lũ. Trong một khoảng khắc nào đó, đứng trên vai trò của một người làm báo, giữa bão lũ dập dồn, tôi tự hỏi mình nên chọn việc viết những bản tin hay hoặc làm một người cứu trợ giỏi.
PV Thanh Niên (áo đỏ) phát quà cho người dân xã Cao Quảng (H.Tuyên Hoá, Quảng Bình) ẢNH: NGUYỄN PHÚC

Nhiều người tháo vát, năng nổ có thể sắp xếp để hoàn thành xuất sắc cả hai công việc trên. Còn tôi, nếu chọn lại tôi vẫn muốn mình là người cứu trợ giỏi. Luôn luôn là như thế...Hãy nhìn nụ cười như những lời cảm ơn của người dân vùng lũ, bạn sẽ tin tôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.