Thương lắm Cồn Cỏ ơi!

13/10/2016 08:39 GMT+7

Một buổi sáng bình yên bỗng tan biến khi trên trang nhất các mặt báo đều là vụ chìm tàu gần đảo Cồn Cỏ, Quảng Trị. Tôi kéo xuống dưới, tim thắt lại, nữ nạn nhân duy nhất qua đời là người phụ nữ mình từng gặp.

Tháng 7.2015, tôi theo con tàu CSB-2012 của Hải đội 202, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam ra Cồn Cỏ. Ai đã từng ra hòn đảo tiền tiêu này mới biết là rất gian truân.
Biển tháng 7 bỗng động dữ dội khi tàu sắp vào tới Cồn Cỏ. Con tàu suốt 2 giờ đồng hồ nhào lên rồi sụp xuống, những trai tráng chưa lần nào biết say xe, cả say bia rượu cũng phải ói ra mật xanh mật vàng. Nhưng Cồn Cỏ đến rồi, mới thấy nhớ, thấy thương.
Cồn Cỏ xanh mướt và êm đềm, bốn bề là sóng biển. Từ đài tưởng niệm liệt sĩ trên đảo nhìn xuống, có thể thấy rõ những giàn mướp, luống thuốc nam, vườn đu đủ chín của bà con chăm sóc.
Tàu CSB-2012 của Hải đội 202, Bộ tư lệnh Vùng cảnh sát biển 2, Bộ tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đưa chúng tôi ra Cồn Cỏ Ảnh Kiều Dương
Chúng tôi được thăm những em bé trên đảo
Và những ngư dân đánh cá bao đời đỗ thuyền ven đảo... Ảnh Kiều Dương
Cồn Cỏ nhiều mùa khan nước ngọt, nước ăn vẫn phải hứng nước mưa, khí hậu khắc nghiệt, nhưng, như một sự thách thức với thời tiết, phong ba, Cồn Cỏ vẫn luôn xanh. Một cán bộ của huyện đoàn Cồn Cỏ giới thiệu, trên đảo có 4.000 cây dừa đã cho trái từ nhiều năm trước, đây là số dừa tỉnh đoàn Quảng Trị trồng trên đảo từ năm 1989, năm tái thành lập tỉnh Quảng Trị, tượng trưng cho 4.000 năm dựng nước và giữ nước.
Bữa cơm đầu tiên trên đảo, chúng tôi được mời toàn hải sản tươi roi rói: mực ống, cá biển, tôm. Theo thói quen, tôi đặt chiếc balo xuống cạnh bàn ăn, một anh lính trẻ đồn biên phòng Cồn Cỏ cười: “Sao em không để ngoài cửa, ở đây chẳng bao giờ mất gì. Có khi để cái xe máy ngoài đường, ai đi qua nhìn thấy còn dắt cho vào chỗ nào râm mát”.
Huyện đảo Cồn Cỏ mới thành lập từ năm 2004 đến nay. Dân số trên hòn đảo này chưa đầy 400 người.
Tôi vẫn nhớ như in một buổi chiều tháng 7, tôi tha thẩn đi bộ ra bãi Móng Con Hổ trên đảo. Một phụ nữ đang lúi húi rửa rau, trông ra thấy có khách, bà vẫy lại trò chuyện, giọng mừng rỡ, như gặp người thân.
Bà Nguyễn Thị Huệ đang rửa rau, hồi tháng 7.2015. Người phụ nữ này đã vĩnh viễn không bao giờ trở lại được với Cồn Cỏ nữa... Ảnh Kiều Dương
Bà là Nguyễn Thị Huệ, 54 tuổi. Nhà bà Huệ ở thành phố Đông Hà, Quảng Trị. Các con đã lớn khôn, con đầu lòng của bà đã 32 tuổi sống trong thành phố, bà Huệ ở một mình trong căn nhà nhỏ ven biển trên đảo, hằng ngày nấu cơm cho Binh đoàn 11, Bộ Quốc phòng.
6 tháng bà Huệ mới về thăm nhà một lần. Năm 2014, cơn bão số 13 bê luôn căn nhà bà đang ở hất ra ngoài đường. Điện thoại đứt đường dây, các con trong đất liền không biết mẹ sống chết ra sao, đợt ấy cả tuần bà ăn cơm với mắm, muối, cá khô đợi biển lặng sóng.
Gian nan là thế, nhưng tôi hỏi bà có ý định về đất liền không, người đàn bà 54 tuổi một mực bảo không, không khí trong lành và tình quân dân trên đảo vẫn níu giữ bà ở lại.
Những màu xanh trên Cồn Cỏ Ảnh Kiều Dương
Bãi Móng Con Hổ, đó là tên gọi người dân địa phương gọi ở nơi này Ảnh Kiều Dương
Và sáng nay, hơn một năm trôi qua, tôi đọc tin tức từ người đồng nghiệp, người phụ nữ giản dị, dễ thương, dễ mến ấy đã qua đời, khi là 1 trong 45 người có mặt trên con tàu hàng ra Cồn Cỏ. Sáng 11.10, con tàu bất ngờ chìm, 44 người được cứu sống, riêng bà Huệ đã vĩnh viễn không thể quay trở lại Cồn Cỏ, nơi hằng ngày bà vẫn rửa rau, chăm sóc đàn ngan và trò chuyện với những công nhân trên đảo.
Tôi cứ ân hận mãi, tháng 8.2015, điện thoại tôi đổ chuông, bà Huệ gọi điện, hỏi thăm tôi về đến Hà Nội ra sao, khi nào khỏe lại ra Cồn Cỏ chơi, ghé bà ăn cơm. Tôi mải chạy đi làm, cuộc điện thoại mau chóng ngắt. Có những người ta cứ tưởng sẽ gặp họ nhiều lần trong đời, nhưng rồi chỉ một lần và vĩnh viễn không bao giờ nữa.
Những chiếc nồi, cháo treo trong gian bếp của bà Huệ năm nào. Giờ chẳng còn ai trong căn bếp ấy nữa...
Tôi cũng như nhiều người ngồi trong nhà yên, đệm ấm trong đất liền đang hỏi nhau: Tại sao chưa có tàu khách ra Cồn Cỏ? Giá như có tàu khách an toàn, những phận người như bà Huệ sẽ không mong manh?
Vâng, nhân dân và chiến sĩ sống trên hòn đảo tiền tiêu này từ xưa đến nay vẫn kiên cường trong gian truân như thế. Không có tàu khách đưa khách từ đất liền ra Cồn Cỏ, chỉ có tàu quân đội, công vụ, tàu chở hàng, tàu cá…, bà con có việc di chuyển ra đảo chỉ có thể xin đi nhờ. Có những trường hợp cần cấp cứu nghiêm trọng, hay tai nạn trên đảo, phải cầu cứu xuồng cứu hộ của quân đội, cảnh sát biển khẩn cấp, nếu không nhân dân có thể gặp nguy.
Cồn Cỏ xanh, Cồn Cỏ khi có điện lưới thừa sức trở thành một hòn đảo đón khách du lịch như mong đợi của chính những người đang làm chủ hòn đảo này. Nhưng có những hạ tầng, chỉ là con tàu thôi, khi được quan tâm sẽ là sự sống, của không chỉ một người mà còn rất nhiều người. Thương lắm Cồn Cỏ ơi!.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.