Tỉnh ngộ muộn màng

Nguyễn Tú
Nguyễn Tú
14/06/2021 04:45 GMT+7

Trong 7 bị can bị Công an TP. Đà Nẵng khởi tố tội tổ chức cho người khác nhập cảnh trái phép từ tháng 5 đến nay, có 4 cô gái.

Mới đây nhất, Lê Thị Kim Anh (Giám đốc Công ty TNHH quản lý đầu tư Việt Nam BOVIET) bị bắt giam hôm 11.6.
Cũng như Kim Anh, các nữ bị can còn lại là Tô My Hồng Anh (làm nhân viên cho một người Hàn Quốc), Phan Thị Thảo Ly và Phạm Thị Phúc (cùng nhân viên Hội người Hàn miền Trung) đều có trình độ, kiếm được tiền với các dịch vụ hỗ trợ người Hàn Quốc, Trung Quốc tại Đà Nẵng trong giai đoạn du lịch phát triển.
Nhưng Covid-19 khiến các ngành dịch vụ ngưng trệ, các cô bắt đầu “phù phép” hồ sơ, ký bảo lãnh cho lao động phổ thông, người thất nghiệp tại Hàn Quốc trở thành chuyên gia. Những người này sang Đà Nẵng không làm việc tại các công ty bảo lãnh họ mà hoạt động trái phép. Không chỉ các cô, hai giám đốc cùng bị khởi tố là Nguyễn Trần Anh Tuấn (34 tuổi) và Lê Xuân Thành (37 tuổi) cũng có tri thức, nhưng vẫn chấp nhận tiếp tay người nước ngoài làm điều sai trái.
Làm việc với cơ quan điều tra, các bị can đều biết ký khống, bảo lãnh bừa là sai, nhưng vẫn ký bất chấp, thậm chí ký khi không đọc hồ sơ, không biết lý lịch người bảo lãnh. Khi bị khởi tố, họ mới nhận thức được hậu quả nghiêm trọng của việc “bán” chữ ký lấy 200 USD cho mỗi trường hợp nhập cảnh trái phép. Nhưng những giọt nước mắt lúc này đã quá muộn màng.
Nhận 200 USD/hồ sơ để bây giờ cái giá phải trả là đối diện lao lý thì thật chua xót. Càng chua xót hơn khi nghi can cầm đầu người Hàn Quốc (hiện bỏ trốn), được các bị can tiếp tay, thu của mỗi chuyên gia “dỏm” nhập cảnh trái phép đến 2.500 USD.
Công an TP.Đà Nẵng vẫn đang mở rộng điều tra đường dây nhập cảnh trái phép núp bóng chuyên gia nêu trên. Rồi đây sẽ có thêm nhiều bị can đối diện lệnh khởi tố mới nhận thức được sai trái, nhưng khi đó thì đã “bút sa gà chết”. Đây cũng là bài học nhãn tiền để nhiều người khác thấy mà tỉnh ngộ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.