Về từ chiến trường K

04/01/2019 12:20 GMT+7

Có những vết thương - hậu quả của những dư chấn sau chiến tranh, đã đi theo người lính đến hết đời nhưng họ không được hưởng chế độ như những thương binh...

Cách đây không lâu, qua một đồng nghiệp, tôi được tiếp cận với một hoàn cảnh thương tâm: một cựu binh từng tham gia giải phóng Campuchia, nay mắc bệnh tâm thần, lang thang khắp TP.Nha Trang (Khánh Hòa) xin ăn.
Anh như người bị hất bên lề của cuộc sống xô bồ ở thành phố biển này.
Không mấy ai biết anh đã từng gửi cả tuổi trẻ của mình cho cuộc chiến tranh giải phóng Campuchia thoát khỏi thảm họa diệt chủng. Bài báo viết về anh, lập tức được hàng trăm đồng đội từng sống chết với anh chia sẻ trên trang Facebook của họ. Hàng ngàn comment bày tỏ sự cảm thông với người lính bất hạnh này.
Ông Đinh Văn Báng (thứ hai, từ trái sang), một cựu binh chiến trường K - người được đồng đội tìm thấy và giúp đỡ sau nhiều năm lang thang khắp đường phố ở Nha Trang do di chứng bệnh tâm thần Ảnh: Công Thi
Những cựu binh của Trung đoàn 93, Sư đoàn 2, đơn vị cũ của anh ấy, sau khi đọc bài báo đã rất nhiệt tình ủng hộ cả tinh thần lẫn vật chất, với mong muốn người đồng đội của họ sớm thoát khỏi bệnh để “làm một người bình thường”.
Cách đây hơn chục năm, tôi có gặp một trường hợp tương tự ở huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi. Anh này cũng tham gia chiến trường K, giờ điên rất nặng. Suốt ngày anh ấy cứ “đùng đoàng” trong miệng và hô “xung phong” liên tục, khiến vợ con không dám đến gần. Đi khám bệnh, bác sĩ bảo đấy là di chứng của những trận sốt rét “nghiêng rừng” từ thời còn ở Campuchia.
Tôi thì nghĩ, ngoài di chứng của sốt rét, anh ấy còn một “di chứng” khác: đó là nỗi ám ảnh về cuộc chiến với những hy sinh gian khổ kinh hoàng mà anh đã nếm trải, bây giờ không cách gì xua đuổi nó ra khỏi người mình.
Trên đây chỉ là hai trong vô vàn các trường hợp trở về từ chiến trường K đã không thể làm một người bình thường được nữa. Nếu là thương binh, những người lính tham gia chiến trường K sẽ được nhận sổ và có chế độ theo quy định của nhà nước. Nhưng với những trường hợp bị bệnh tâm thần đề cập trên đây, họ hoàn toàn không có một chế độ “ưu tiên ưu đãi” nào. Đó là những “vết thương không xếp hạng” nên thường bị rơi vào quên lãng.
Vâng, có những vết thương - hậu quả của những dư chấn sau chiến tranh, đã đi theo người lính đến hết đời nhưng họ không được hưởng chế độ như những thương binh bị cụt chân hoặc tay chẳng hạn.
Cuộc chiến đã tắt lửa ngót 40 năm. Những hố bom và bãi mìn ngày nào trên đất Campuchia giờ đã xanh cây trái. Nhưng “vết thương không xếp hạng” của những người trở về từ chiến trường K ấy vẫn đang rớm máu! Nên biết điều đó để trả lại cho họ những gì họ đã mất. Đó mới là đạo lý cần làm bên cạnh các cuộc tri ân rầm rộ trên các phương tiện truyền thông.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.