Bộ ảnh 'Chuyện của Châu' tiếp tục hành trình ra thế giới

Lucy Nguyễn
Lucy Nguyễn
03/09/2020 10:00 GMT+7

Với hơn 30 bức ảnh về họa sĩ Lê Minh Châu, dự án ảnh chân dung Chuyện của Châu (nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn) đã giành nhiều giải thưởng quốc tế và tiếp tục hành trình ra thế giới .

Dự án nhiếp ảnh Chuyện của Châu được nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn thực hiện ròng rã từ cuối tháng 4.2019 đến nay và vẫn chưa dừng lại. Với hơn 30 bức ảnh đầy ấn tượng xoay quanh cuộc sống và nghị lực của họa sĩ Lê Minh Châu - một nạn nhân chất độc da cam, dự án ảnh này đã liên tiếp đoạt giải thưởng nhiếp ảnh của Nhật Bản, Anh, Tây Ban Nha, Mỹ; từng được triển lãm ở Bengal (Ấn Độ) và xuất bản trên tạp chí Getinspired (Hà Lan)…
Hiện bộ ảnh đang được triển lãm trực tuyến trên website của tạp chí The Fleeting moment (Ấn Độ), được đánh giá là "mạnh mẽ và có tác động lớn", đồng thời sẽ được xuất bản trong tạp chí này. 

Dự án ảnh 'Chuyện của Châu' muốn tôn vinh, ca ngợi nghị lực sống của nhân vật.

ẢNH: TRẦN VIỆT VĂN

Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn đã trao đổi với TNO về dự án Chuyện của Châu
* Với nhiều bức ảnh ấn tượng, hẳn nhân vật chính của dự án Chuyện của Châu đã để lại nhiều ấn tượng mạnh cho anh?
- Nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn: Đúng vậy, đây là một dự án ảnh chân dung tạo cho tôi nhiều cảm xúc nhất với nhân vật, kể từ sau các dự án Đạo và Đời, Tướng trận thời bình Mẹ tôi. Dự án này được tôi thực hiện trong năm 2019 với nhiều chuyến đi vào TP.HCM, Bình Thuận. Tôi đã từng vào một số làng trẻ em chụp ảnh, cũng đã chụp nạn nhân chất độc da cam. Nhưng Lê Minh Châu là một người đặc biệt - một chàng trai ngay từ khi ở làng Hòa Bình (TP.HCM) đã nung nấu ước mơ trở thành họa sĩ. Mặc dù bị nhiều người không tin và đôi khi chế nhạo, anh vẫn không từ bỏ ước mơ của mình. Thân hình gày gò, hai bàn tay nhỏ bé, yếu ớt rất khó cầm nắm vật gì lâu, còn hai chân không co duỗi được. Đầu gối của Châu bầm dập, xây xát đầy những vết thương bởi một thời gian dài Châu không đi xe lăn do muốn tránh những ánh nhìn thương hại.
Nhưng ngay từ lần đầu gặp, nụ cười rạng rỡ làm bừng sáng khuôn mặt cùng đôi mắt thông minh biết nói với nhiều sắc thái biểu cảm của Châu đã gây ấn tượng với tôi.

Tuy tàn tật, Lê Minh Châu vẫn quyết tâm đeo đuổi công việc họa sĩ sáng tác và hiện đang du học nghệ thuật tại Mỹ

ẢNH: TRẦN VIỆT VĂN

* Việc chụp nhân vật đặc biệt này hẳn không dễ dàng? Anh đã gặp những thách thức ra sao?
- Chụp ảnh Châu dễ mà khó. Dễ vì Châu là họa sĩ nên đồng cảm về tính ngẫu hứng và sẵn sàng chiều theo sự khó tính của nhiếp ảnh gia trong nhiều khuôn hình. Không những thế, sự nhạy cảm về cái đẹp còn giúp Châu nhiều khi tranh luận với người chụp về góc máy, thậm chí còn tạo ra hành động để chụp. Khó vì chụp một nạn nhân chất độc da cam, tôi không muốn vào lối mòn, khai thác những khía cạnh gợi thương cảm, lấy nước mắt của người xem mà muốn tôn vinh, ca ngợi nghị lực sống của nhân vật. Châu đã truyền cảm hứng cho nhiều người không chỉ các bạn trẻ.
Tôi đã trò chuyện với Châu nhiều lần, đã “ba cùng” với nhân vật. Chính vì thức với Châu mà tôi có những tấm ảnh chân dung ấn tượng về cậu lúc ngồi chat (trò chuyện trực tuyến) với bạn gái hay khi ngước mắt nhìn lên với hình xăm chim hạc trên ngực. Chim hạc là biểu tượng của sự thanh cao và chí khí của người quân tử.

Họa sĩ Lê Minh Châu đã xăm tên bộ phim 'Châu beyond the lines' của nữ đạo diễn Courtney Marsh (Mỹ) làm về anh. Bộ phim từng lọt vào đề cử giải Oscar danh giá mấy năm trước.

ẢNH: TRẦN VIỆT VĂN

Trong chuyến đi thiện nguyện cùng Châu ở Bình Thuận, tôi ở cùng phòng với Châu. Và bức ảnh chụp từ một góc cao vừa phải cho thấy một Lê Minh Châu từ phía sau gai góc và dữ dội. Dòng chữ “Châu beyond the lines” mà Châu xăm sau gáy chính là tên bộ phim của nữ đạo diễn Courtney Marsh (Mỹ) làm về Châu, nổi tiếng thế giới, đã lọt vào đề cử giải Oscar danh giá mấy năm trước. Có lẽ khó tìm được cái tên phim nào hay hơn “Châu beyond the lines” (Châu vượt qua giới hạn).
Chính vì ở cùng Châu mà tôi có những bức ảnh rất đời thường lúc Châu đánh răng rửa mặt, lúc ăn sáng và cả lúc Châu tắm. Chụp ảnh tắm - chính là ảnh nude và đây cũng là một thách thức với tôi. Dĩ nhiên góc máy phải từ phía sau hoặc bên hông nhân vật, tuyệt đối không lộ những điểm nhạy cảm. Châu đã nhiệt tình hợp tác với tôi, dĩ nhiên là tôi đủ tỉnh táo để rút lui khi thấy thêm một vài cú chụp nữa có thể làm phá vỡ một điều gì đó hay chí ít tạo ra những vết xước nhỏ.

Họa sĩ Lê Minh Châu đã truyền cảm hứng cho nhiều người không chỉ các bạn trẻ

ẢNH: TRẦN VIỆT VĂN

Bất cứ làm việc gì Châu cũng phải nỗ lực cố gắng gấp hai ba lần người khác, nhưng Châu không bao giờ nản.
Tôi chụp Châu khá nhiều ảnh, tất cả đều chụp màu, nhưng rồi quyết định chuyển nó sang đen trắng, bởi sự trừu tượng và biểu cảm của sắc độ giản dị gây ấn tượng hơn nhiều.

Bất cứ làm việc gì Châu cũng phải nỗ lực cố gắng gấp hai ba lần người khác, nhưng không bao giờ nản

ẢNH: TRẦN VIỆT VĂN

* Với dự án ảnh này, anh muốn gửi gắm điều gì?
Tôi được Châu truyền cảm hứng rất nhiều và đã nhiều lần đến thăm anh ấy tại thành phố Hồ Chí Minh, chụp ảnh anh ấy và mong muốn thực hiện dự án này xa hơn sau khi Châu trở về Việt Nam, hoàn thành chương trình học nghệ thuật tại Mỹ. Qua dự án ảnh chân dùng này, tôi đã rút ra được bài học là: Khi chụp ảnh nhân vật, đừng bao giờ đứng cao hơn nhân vật, mà hãy làm bạn với chính họ. Bởi tác phẩm dù đẹp đến đâu không bao giờ quan trọng bằng nhân vật. Đồng thời tôi cũng muốn gửi gắm tới người xem về nghị lực sống, nỗ lực vượt lên hoàn cảnh và sự đam mê đối với công việc của Châu.
* Cám ơn nhiếp ảnh gia Trần Việt Văn đã chia sẻ về Chuyện của Châu. Mong chờ thêm nhiều tác phẩm mới đầy ấn tượng của anh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.