Bọ chét hút máu thằn lằn bay

01/07/2013 12:35 GMT+7

(TNO) Hóa thạch 125 triệu năm của một loài bọ chét thời tiền sử đã được khai quật tại Trung Quốc, hé lộ chân dung kẻ ký sinh khổng lồ trên thân khủng long chim.

Theo báo cáo trên chuyên san Current Biology, động vật ký sinh cổ đại trên có tên khoa học là Saurophthyrus exquisitus, với miệng và thân nhỏ hơn các loài bọ chét thời đó, nhưng lại to hơn thế hệ hậu duệ thời nay.

Các chuyên gia cho rằng Saurophthyrus exquisitus có thể là loài chuyển tiếp giúp giới nghiên cứu tìm hiểu tại sao những động vật ký sinh hiện đại đã phát triển theo hướng thu nhỏ kích thước và thực hiện những cú cắn lén lút, khó bị phát hiện hơn.

Hồi năm ngoái, Chungkun Shih, giáo sư thỉnh giảng của Đại học Capital Normal ở Bắc Kinh và đồng sự đã tìm được loài bọ chét cổ nhất, Pseudopulicidae, nằm trong trầm tích 165 triệu năm ở miền đông bắc Trung Quốc.

Pseudopulicidae dài đến 2 cm, với những ống dài để hút máu và răng sắc nhọn. Con đực có bộ sinh dục ngoài hoàn chỉnh. Những động vật ký sinh dạng này phát triển cơ thể theo hướng tấn công khủng long da dày và lông dài sống vào thời Kỷ Jura.

Ngược lại, các loài bọ chét hiện nay có thân hình nhỏ hơn từ 5 đến 10 lần, miệng nhỏ hơn rất nhiều so với tổ tiên, còn bộ phận sinh dục tiến hóa theo hướng ẩn vào bên trong, chân dài hơn để nhảy.

Giáo sư Shih và đồng sự tiếp tục khai quật cùng một khu vực trên, và sau đó phát hiện loài mới là Sauropthyrus exquisitus.

Kích thước cơ thể của loài này khoảng 1 cm, nằm giữa loài Pseudopulicidae và bọ chét hiện đại.

Hạo Nhiên

>> Phát hiện giống thằn lằn bay lớn nhất
>> Thằn lằn hai đầu
>> Thằn lằn có nguy cơ tuyệt chủng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.