Bộ Công an vừa đăng tải dự thảo luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, để lấy ý kiến rộng rãi trong nhân dân.
Theo Bộ Công an, từ 15.3.2022, sau khi Chính phủ khôi phục các chính sách xuất, nhập cảnh, cho phép mở cửa du lịch, lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam trong năm 2022 tăng gấp 6,6 lần so với năm 2021, nhưng vẫn còn rất thấp so với thời điểm trước dịch, chỉ bằng 32,6% so với năm 2019.
Đến nay, dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, nhiều nước đã gỡ bỏ các biện pháp phòng, chống dịch nhằm phục hồi nền kinh tế. Tuy nhiên, hậu quả của đại dịch đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động cơ bản trên tất cả các lĩnh vực, nhất là ngành du lịch.
Nhiều cơ quan kiến nghị cần thông thoáng hơn trong chính sách thị thực của Việt Nam nhằm góp phần nâng cao tính cạnh tranh, thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới.
Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, Bộ Công an đề xuất thị thực điện tử có giá trị một lần hoặc nhiều lần (thay vì một lần như hiện hành); có thời hạn không quá 90 ngày (thay vì không quá 30 ngày như hiện hành).
Chính phủ sẽ quyết định danh sách các nước, vùng lãnh thổ có công dân được cấp thị thực điện tử; danh sách các cửa khẩu quốc tế cho phép người nước ngoài nhập cảnh, xuất cảnh bằng thị thực điện tử trên cơ sở không làm phương hại đến quốc phòng, an ninh và trật tự, an toàn xã hội của Việt Nam.
Ngoài ra, Bộ Công an còn đề xuất với công dân của nước được Việt Nam đơn phương miễn thị thực thì cấp tạm trú 30 ngày (thay vì 15 ngày như hiện hành) và được xem xét giải quyết cấp thị thực, gia hạn tạm trú theo quy định.
Lý giải về các đề xuất trên, Bộ Công an cho hay, qua thời gian thực hiện thí điểm và triển khai chính thức chính sách thị thực điện tử cho thấy thị thực điện tử với thủ tục hành chính công ở mức độ cao nhất, có tính cạnh tranh vượt trội so với chính sách thị thực của các nước trong khu vực và thế giới về sự thuận tiện, thông thoáng, công khai và minh bạch.
Việc tiếp tục nghiên cứu mở rộng chính sách thị thực điện tử cả về đối tượng áp dụng và giá trị, thời hạn sẽ phát huy những kết quả tích cực đã đạt được, góp phần thu hút ngày càng nhiều người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh, tạo động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng.
Cùng với đó, Bộ VH-TT-DL, các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF), Hội đồng Tư vấn du lịch (TAB), Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV)… đã nhiều lần kiến nghị nâng thời hạn miễn thị thực từ 15 lên 30 ngày để tương đồng với thời gian miễn thị thực của các nước, nâng cao tính cạnh tranh nhằm thu hút khách du lịch.
Bình luận (0)