Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định sẽ chấn chỉnh, khắc phục

17/07/2020 06:03 GMT+7

Ngay sau khi Thanh Niên đăng tải loạt bài Lỗ hổng hình thành công ty 'ma ' , Bộ KH-ĐT đã có phản hồi và khẳng định sẽ đưa ra nhiều giải pháp để chấn chỉnh, khắc phục tình trạng này.

Qua vụ việc mà Thanh Niên phản ánh, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Quản lý, đăng ký kinh doanh (Bộ KH-ĐT), thừa nhận những vướng mắc, tồn tại trong khâu cấp phép và công tác hậu kiểm. Đặc biệt, sự phối hợp triển khai và tính sẵn sàng của các cơ quan quản lý trong thực hiện nhiệm vụ “hậu kiểm” thiếu hiệu quả, chưa có cơ chế cảnh báo, phát hiện kịp thời vi phạm của DN. Về chế tài, theo ông Tuấn, các sở KH-ĐT khó xử phạt vì vướng luật xử lý vi phạm hành chính.

Tập trung liên thông, kết nối dữ liệu

Theo đại diện Bộ KH-ĐT, cần tập trung vào việc quản lý dữ liệu, hồ sơ sao cho minh bạch, công khai và có sự liên thông, kết nối giữa các bộ, ngành và địa phương. Hiện Bộ KH-ĐT mới chỉ có hệ thống Cổng thông tin quốc gia về đăng ký DN kết nối Sở KH-ĐT 63 tỉnh, thành và cơ quan thuế, hải quan (dangkykinhdoanh.gov.vn). Trang web này công khai toàn bộ trụ sở kinh doanh, người đại diện pháp luật, ngành nghề kinh doanh… Song, riêng các cấp chính quyền ở thành phố, quận, huyện thì chưa kết nối. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến việc Sở KH-ĐT cấp phép; quận, huyện quản lý trực tiếp, khi phát hiện sai phạm mới thông báo trực tiếp tới Sở

Cần kết nối dữ liệu giữa các ban ngành nhằm giám sát chặt hơn khâu đầu vào, từ hệ thống ngân hàng, thuế và đặc biệt UBND các tỉnh, thành để việc cấp phép DN theo đúng quy định pháp luật và phát hiện ra các DN sai phạm, giả mạo để xử lý nghiêm

TS Bùi Thị An Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng

KH-ĐT. “Đúng là việc chưa liên thông được dữ liệu với nhau giữa tất cả các đơn vị gây khó cho công tác quản lý dữ liệu, phát hiện sai phạm”, lãnh đạo Cục Quản lý, đăng ký kinh doanh nhìn nhận.
Trong khi đó, ông Bùi Anh Tuấn cho hay ngành KH-ĐT đang “sốt ruột” chờ hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi kích hoạt, quản lý thống nhất qua số thẻ căn cước công dân sẽ kết nối được toàn bộ các cơ quan, đơn vị. “Nếu cố tình lập công ty “ma” có thể qua mặt được một cơ quan nhưng sẽ rất khó giả mạo, lừa dối cả một chuỗi như thuế, hải quan, bảo hiểm xã hội, lao động. Chỉ cần gõ số căn cước công dân sẽ ra hết thông tin và các cơ quan có thể kiểm soát chéo lẫn nhau. Tuy nhiên tiến độ của giải pháp này còn phụ thuộc vào Bộ Công an là đơn vị chủ trì”, ông Tuấn khẳng định.
Về vấn đề này, ông Ngô Hải Phan, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính (Văn phòng Chính phủ), xác nhận hiện còn nhiều địa phương chưa có sự liên thông, chia sẻ. “Quan trọng nhất trong xây dựng Chính phủ, chính quyền điện tử là cần triển khai tập trung. Nếu phân chia từng xã làm, khác với làm tập trung trên quận. Vì nếu để mỗi xã làm thì mỗi ông một phần mềm/một nhà thầu, tiêu chuẩn kỹ thuật khác nhau, mỗi ông một nhà thầu, khó mà tương thích, chia sẻ”, ông Phan nói. Dù vậy, theo ông Phan, nếu các phần mềm không tương thích thì cần có lộ trình điều chỉnh, nâng cấp và ngoài quy định của nghị định thì Chính phủ cũng đã có Khung kiến trúc 2.0 để hướng dẫn các bộ, địa phương xây dựng kiến trúc của mình, trong đó gợi ý lớp thông tin nào cần được ưu tiên xây dựng trước.

Phối hợp kiểm soát đầu vào

Nhằm hạn chế công ty “ma” lọt lưới cơ quan cấp phép thì khâu kiểm soát đầu vào đóng vai trò quan trọng; nếu đầu vào sàng lọc chắc chắn thì sai phạm được phát hiện kịp thời và công tác hậu kiểm sẽ đỡ gánh nặng hơn trong lúc chưa bao phủ hết.

Quốc hội cũng muốn tăng cường hậu kiểm

Trước đó, tại kỳ họp thứ 9, QH khóa 14 cũng đã thông qua luật Doanh nghiệp sửa đổi năm 2020 (có hiệu lực từ 1.1.2021). Về trình tự, thủ tục đăng ký DN (điều 26), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về hồ sơ đăng ký DN phải có đầy đủ giấy tờ chứng minh trụ sở DN thuộc sở hữu của DN hoặc có hợp đồng thuê mướn địa điểm làm trụ sở hợp pháp. Đồng thời, bổ sung quy định về trách nhiệm của các ngành chức năng trong việc kiểm chứng thông tin đăng ký DN và chế tài xử lý đối với các đối tượng liên quan khi để xảy ra sai phạm như việc kê khai giả... Ủy ban Thường vụ QH cho rằng việc bổ sung quy định như trên sẽ làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, tạo gánh nặng hành chính trong gia nhập thị trường, đi ngược với xu hướng về cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh, thủ tục hành chính và định hướng thay đổi phương thức quản lý từ tiền kiểm sang hậu kiểm. Do đó, việc kiểm soát các hiện tượng nêu trên chỉ có thể được thực hiện một cách có hiệu quả thông qua hậu kiểm.   
Anh Vũ
Để chấn chỉnh, TS Bùi Thị An, Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và phát triển cộng đồng (đại biểu Quốc hội (QH) khóa 13), cho rằng các công ty “ma”, buôn lậu, lừa đảo, trốn thuế, rửa tiền… thông qua lập hồ sơ, thông tin giả, cần phải xử lý nghiêm. “Chính phủ cần chỉ đạo các cơ quan, ban ngành từ T.Ư đến địa phương chấn chỉnh lại việc đăng ký DN tràn lan, dùng giấy tờ giả, địa chỉ không có thật, vốn điều lệ ảo. Cần kết nối dữ liệu giữa các ban ngành nhằm giám sát chặt hơn khâu đầu vào, từ hệ thống ngân hàng, thuế và đặc biệt UBND các tỉnh, thành để việc cấp phép DN theo đúng quy định pháp luật và phát hiện ra các DN sai phạm, giả mạo để xử lý nghiêm. Sau khi phát hiện ra công ty “ma”, cần xem xét trách nhiệm đến cùng người nào cố tình cấp phép, buông lỏng kiểm tra, giám sát”, bà An đề xuất.
Theo đại biểu QH Lê Thanh Vân, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính - Ngân sách QH, với hàng chục ngàn DN được thành lập mới mỗi năm, và hiện cả nước có khoảng 700.000 DN, chúng ta không thể đủ người để kiểm soát hết. Nhưng khâu hậu kiểm cần tập trung vào đối tượng có dấu hiệu bất thường, địa chỉ đáng ngờ, số vốn điều lệ khổng lồ. “Hơn hết, để ngăn chặn tình trạng này, cần có chế tài thật nặng. Với cá nhân cố tình lập công ty “ma” với động cơ xấu, cần phải xử lý nghiêm. Đối với địa phương, nếu buông lỏng kiểm tra, giám sát, cũng cần phải quy trách nhiệm đến từng địa chỉ rõ ràng”, ông Vân đề nghị.

Siết lại cơ chế hậu kiểm

Nói thêm về giải pháp, Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Trần Quốc Phương khẳng định, cần siết lại cơ chế hậu kiểm. Về phía Bộ, chắc chắn sẽ phải hậu kiểm việc thực hiện chặt chẽ quy định pháp luật hơn nữa, tránh trường hợp các DN đăng ký có thể do vô tình hoặc cố ý đăng ký chưa đúng quy định, làm ảnh hưởng đến việc theo dõi đăng ký kinh doanh. Mặt khác, Bộ sẽ tăng cường tuyên truyền pháp luật, nâng cao ý thức của người dân và DN khi đăng ký kinh doanh; tăng cường hướng dẫn của đơn vị đăng ký kinh doanh…
Cụ thể hơn, theo ông Bùi Anh Tuấn, sắp tới để đảm bảo hậu kiểm được thực hiện có hiệu quả, các cơ quan quản lý nhà nước cần nhận thức rõ trách nhiệm trong công tác hậu kiểm của mình, phối hợp tốt với cơ quan khác như: cơ quan đăng ký kinh doanh, thuế, UBND các cấp, đặc biệt là cấp huyện… Theo đó, các cơ quan quản lý chuyên ngành chức năng có nhiệm vụ hướng dẫn DN thực hiện quy định pháp luật trong từng lĩnh vực cụ thể; kiểm tra, thanh tra và xử lý vi phạm của DN thuộc lĩnh vực mình quản lý, tăng cường chế tài để đảm bảo tính răn đe. Bên cạnh đó, cơ quan nhà nước có trách nhiệm công khai hóa thông tin về DN (trừ những thông tin thuộc bí mật) để xã hội giám sát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.