Bộ lo đổ lỗi, người tiêu dùng thiệt

25/03/2016 05:54 GMT+7

Trong khi người tiêu dùng đang sốt ruột chờ đợi phương án đền bù sau khi bị xăng dầu "móc túi" 3.500 tỉ đồng do chênh lệch thuế đầu vào - đầu ra, thì 2 bộ Tài chính - Công thương lại quay sang... đổ lỗi cho nhau.

Trong khi người tiêu dùng đang sốt ruột chờ đợi phương án đền bù sau khi bị xăng dầu "móc túi" 3.500 tỉ đồng do chênh lệch thuế đầu vào - đầu ra, thì 2 bộ Tài chính - Công thương lại quay sang... đổ lỗi cho nhau.

Bộ Tài chính cho rằng Bộ Công thương được giao chức năng chủ trì. Bộ Công thương lập tức có công văn phản pháo, viện dẫn các quy định pháp luật để khẳng định Bộ Tài chính mới là đơn vị chủ trì. Vị trí "chủ trì" lúc này được đùn đẩy qua lại bởi đi cùng nó là việc phải chịu trách nhiệm lớn hơn trong vụ tính sai thuế, gây thiệt hại hơn 3.500 tỉ đồng của người mua xăng. Có thể nói thẳng, nếu để phân lỗi - phải, cả 2 bộ đều sai và đều phải chịu trách nhiệm. Nhưng vấn đề quan trọng lúc này không phải là đổ lỗi cho nhau. Cách hành xử đàng hoàng và chuyên nghiệp là 2 bộ nên nhận lỗi, xin lỗi và nhanh chóng sửa sai, đưa ra phương án hoàn tiền cho người dân. Nhưng có lẽ vì không ai chịu nhận sai, nên từ khi xảy ra vụ việc đến nay cũng đã khoảng 2 tuần, trong thời gian đó xăng cũng kịp tăng giá 1 lần, mọi chuyện vẫn cứ giậm chân tại chỗ. Chỉ khổ người tiêu dùng, đã bị "móc túi" oan một số tiền lớn, chưa được bồi hoàn đồng nào mà vẫn phải chấp nhận xăng tăng giá, chấp nhận phải chờ đợi không biết đến bao giờ.
Thực ra trong mối quan hệ với ngành xăng dầu, người tiêu dùng trước nay luôn chịu thiệt. Trước đây thì chuyện tăng nhanh - giảm chậm; tăng nhiều - giảm ít. Giờ ký kết các hiệp định thương mại thì lại xảy ra chuyện cơ quan có thẩm quyền "quên" giảm thuế nên người dân phải mua xăng dầu với giá đắt hơn thực tế... Nên nhớ, năm 2015 Petrolimex, doanh nghiệp (DN) chiếm thị phần lớn nhất trên thị trường xăng dầu, đã lãi kỷ lục nhất từ trước tới nay với 3.766 tỉ đồng. Trong đó, riêng lĩnh vực chính kinh doanh xăng dầu đạt 1.989 tỉ đồng, tương đương 52,8% tổng lợi nhuận hợp nhất. Trung bình, mỗi lít xăng dầu mang về cho Petrolimex 222 đồng. Số lãi này chắc chắn một phần không nhỏ là từ khoản chênh lệch thuế nói trên. Vì vậy, phải nhanh chóng truy thu, bồi hoàn cho người dân.
Việc truy thu cũng không phải quá khó khăn. Số lượng DN đầu mối nhập khẩu xăng dầu có, số lượng xăng dầu nhập khẩu có, số lượng bán ra có, số tiền chênh lệch thuế cũng có cụ thể. Cứ "bổ đầu" mà truy thu và theo phương án khả thi nhất mà các chuyên gia đề xuất, nên đưa số tiền này vào quỹ bình ổn xăng dầu để sử dụng khi tăng giá. Nếu các bộ làm sớm, rất có thể đợt tăng giá xăng vừa rồi đã không xảy ra.
Bồi hoàn cho người dân là chuyện phải làm đầu tiên. Nhưng trách nhiệm của từng bộ trong việc này cũng phải được làm rõ. Bởi vụ việc này dù mới được phát hiện nhưng thực tế từ 1.10.2015, Tổng cục Thuế đã có văn bản gửi 12 cục thuế địa phương nói rõ tình trạng DN đầu mối khi nhập khẩu từ ASEAN được hưởng thuế ATIGA nhưng nhà nước lại điều hành giá bán lẻ theo thuế MFN cao hơn nên sẽ phát sinh chênh lệch thuế hình thành tại các DN. Từ đó, Tổng cục Thuế yêu cầu tăng cường giám sát, kiểm tra chặt chẽ chi phí, thu nhập chịu thuế và việc kê khai quyết toán thuế của DN đầu mối nhằm thu thuế thu nhập DN phát sinh. Vậy tại sao vẫn xảy ra tình trạng không điều chỉnh thuế khiến người dân bị thiệt hại 3.500 tỉ đồng?
Đằng sau vụ "quên" điều chỉnh thuế này là gì? Trách nhiệm của ai, đến đâu... phải làm cho rõ chứ không để chuyện ngược đời, người dân chịu thiệt vì hội nhập như thế này.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.