Bộ máy thực việc, thực tài

30/10/2017 08:09 GMT+7

“Chưa có nhiều chuyên gia đủ khả năng tham mưu cho Đảng và Nhà nước hoạch định chính sách pháp luật và giải quyết những vấn đề pháp lý đặt ra trong giai đoạn hội nhập quốc tế hiện nay”, không hiểu hơn 4 triệu cán bộ, công chức viên chức hưởng lương ngân sách cảm thấy thế nào về nhận xét này trong báo cáo của đoàn giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước giai đoạn 2011 - 2016, sẽ được báo cáo QH trong hôm nay.
Thực tế thì, chi cho một bộ máy mà năng lực làm việc yếu phải được xem là sự lãng phí to lớn nhất, thậm chí còn nguy hiểm hơn lãng phí trong đầu tư công vốn bị lên án gay gắt, vì nó tạo ra một xã hội chây ì, lười biếng, kéo lùi sự phát triển.
Nghị quyết T.Ư 6 đã xác định 40 nhóm nhiệm vụ giải pháp để cải cách tổ chức bộ máy hành chính nhà nước. Nhưng có một giải pháp của mọi giải pháp, đó là trách nhiệm người đứng đầu. Nhất định người đứng đầu phải có bàn tay sắt, thiết lập kỷ cương phải có ý chí mạnh mẽ và tính quyết đoán đến cùng, nói phải đi đôi với làm. Nếu không, sẽ vẫn là tình trạng “cả cơ quan xuất sắc mà đơn vị vẫn trì trệ”, vẫn sẽ “đúng quy trình, quy định”, nhưng không có lời giải hiệu quả cho vấn đề vô cùng hệ trọng là cải tổ bộ máy hành chính năng động, hiệu quả hơn.
Tại sao lại nói như vậy? Bởi lẽ, kể từ năm 2007 đến nay, hệ thống văn bản pháp luật về tổ chức bộ máy hành chính nhà nước đã được ban hành rất nhiều và khá... phức tạp. Thế nhưng, trên thực tế, bộ máy hành chính vận hành và “phình to” là bởi nó không hoạt động hoàn toàn căn cứ theo các quy định pháp luật này. Rất nhiều các cơ quan, bộ máy được thành lập không căn cứ vào pháp luật chuyên ngành về tổ chức bộ máy, dẫn đến việc tăng biên chế (ví dụ: việc thành lập các tổ chức pháp chế, thống kê, thi đua, khen thưởng, hỗ trợ phát triển nông thôn mới, thành lập các chi cục trong các sở…). Việc lạm phát “sếp” ở các cơ quan cũng là hậu quả đó. Có những bộ có 6 - 7 thứ trưởng, trong khi luật Tổ chức Chính phủ chỉ quy định tối đa là 4. Việc tùy tiện của người đứng đầu các cơ quan, sự bất lực của luật pháp cũng “đẻ” ra các thể loại “hàm” ở cấp bộ, cục, viện chẳng giống ai.
Nguyên tắc “xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hợp lý, dựa trên chế độ công vụ việc làm, thực tài, thực việc”, là một nguyên tắc hoàn toàn chuẩn xác. Nhưng từ thực tế chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức thời gian qua, câu hỏi lớn vẫn lại là: người đứng đầu có đủ tâm để xây dựng bộ máy “thực việc”, có đủ tầm để sử dụng bộ máy “thực tài”.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.