Bỏ quên dinh dưỡng tuổi học đường

22/11/2012 03:10 GMT+7

Bữa ăn cho lứa tuổi học đường chưa cân đối, trong khi các món quà vặt trong căng tin nhà trường có thể tác hại đến sự phát triển của trẻ.

Thay thế rau xanh bằng củ quả !

PGS-TS Nguyễn Thị Lâm, Phó viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (VDD), cho biết chưa có điều tra riêng nào về khẩu phần ăn học sinh tiểu học trong nhà trường. Tuy nhiên nghiên cứu riêng lẻ tại một số trường học cho thấy, các suất ăn hiện mới chú trọng đến an toàn, không ngộ độc chứ chưa đảm bảo được tính cân đối hợp lý trong khẩu phần ăn. Nhìn chung năng lượng từ chất béo còn chiếm tỷ lệ cao. Đa số các món ăn ở trường học là xào rán đậm độ năng lượng, còn lượng rau xanh lại rất thấp.

TS Kim Thanh, Giám đốc Trung tâm thông tin truyền thông giáo dục của VDD, phản ánh do ám ảnh về rau phun tẩm hóa chất bảo vệ thực vật dư lượng thuốc trừ sâu có thể  gây ngộ độc thực phẩm nên một số trường học đã “ra quyết định” thay thế hoàn toàn các loại rau xanh bằng các loại củ, quả có vỏ an toàn hơn. Rau muống, rau cải, rau ngót hay mùng tơi được thay bằng su su, su hào, bí xanh, cà rốt. “Điều này không đúng về nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý, vì củ quả không thể thay thế rau xanh”, TS Kim Thanh lưu ý.

 
Hạn chế các quà vặt rỗng năng lượng, thiếu vi chất cho trẻ  - Ảnh: Ngọc Thắng

Theo chuyên gia, các củ quả đáp ứng rất ít nhu cầu sinh tố cho trẻ. Chế độ ăn thiếu vitamin B, C làm giảm sức đề kháng của trẻ, trẻ dễ ốm bệnh, khiến trẻ ăn không ngon miệng. Các củ quả này lượng chất xơ cũng rất thấp, trong khi chất xơ giúp tiêu hóa thức ăn. Nếu thiếu chất xơ sẽ gây táo bón.

TS Nguyễn Thị Lâm cho biết thêm, chất xơ còn có tác dụng làm tăng khả năng miễn dịch hệ tiêu hóa vì làm tăng hệ vi khuẩn có ích trong lòng ruột, giảm nguy cơ nhiễm trùng đường tiêu hóa, nhất là giảm tiêu chảy ở trẻ em. Tiếc là lượng rau xanh trẻ tiêu thụ hiện mới đạt khoảng 160 gr/ngày trong khi tuổi tiểu học nên đạt mức từ 200 - 300 gr.

Theo bà Lâm, với quả chín, các trẻ  cũng cần đạt tối thiểu từ 100 gr/ngày nhưng nhiều nơi chưa đạt. Thậm chí, việc lựa chọn các loại quả cho trẻ đang thiên về  chín ngọt, nhiều đường, cung cấp nhiều năng lượng như: xoài, chuối, nhãn, do đó cần xen kẽ các loại quả ít năng lượng hơn như: bưởi, dưa hấu, thanh long. Đặc biệt, với trẻ thừa cân béo phì thì càng cần tránh các loại quả nhiều năng lượng.

Quà vặt cũng nguy hại

Theo nghiên cứu của Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM về đặc điểm tiêu thụ thực phẩm tại căng tin của học sinh tiểu học, thực phẩm cung cấp cho học sinh mới chỉ dừng ở mức kiểm soát an toàn, vấn đề dinh dưỡng hợp lý vẫn chưa được quan tâm đúng mức.

Nghiên cứu tại 16 trường tiểu học cho thấy, bánh là nhóm được bán nhiều nhất (chiếm 42%) trong các sản phẩm tại căng tin. Tiếp theo là kẹo (26,9%), trái cây chỉ chiếm 1,1% nhưng không phải trái cây tươi mà là trái cây sấy. Ngoài ra có nước giải khát (14%), các món mặn (16,8%).

Theo đánh giá của BS Đỗ Thị Ngọc Diệp (Trung tâm dinh dưỡng TP.HCM) và nhóm nghiên cứu, mặc dù học sinh và giáo viên đều biết trái cây là nguồn thực phẩm giàu dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe nhưng gần như không có mặt trong căng tin nhà trường tiểu học.

Đáng lưu ý, trong nhóm nước giải khát, sữa chỉ chiếm 30% trong khi nước ngọt là loại thực phẩm “rỗng” năng lượng, làm tăng nguy cơ rối loạn dinh dưỡng nhưng lại bày bán phổ biến nhất và được bán với số lượng nhiều nhất.

Trong các món mặn được bày bán ở căng tin, mì gói là thực phẩm phổ biến nhất dù các chuyên gia khuyến cáo tiêu thụ mì gói vốn nhiều muối và nhiều chất béo không tốt cho sức khỏe. Bên cạnh đó, các món mặn phổ biến khác như: cơm tấm, nui thường không kèm theo rau củ càng làm tăng nguy cơ thiếu vi chất và thừa cân béo phì ở trẻ em tuổi tiểu  học.

“Cần tiến đến quy định các thực phẩm cung cấp tại trường học, tăng cường tiêu thụ trái cây, sữa và chế phẩm từ sữa, tìm các món thay thế cho các quà vặt ít có lợi cho sức khỏe như nước ngọt, mì gói, bánh tráng tôm, bánh snack”, nhóm các chuyên gia thuộc Trung tâm dinh dưỡng TP. HCM đề xuất.

Bỏ những thói quen không tốt                 

Những thực phẩm chế biến sẵn thường độ có độ đậm (muối) cao, ăn thường xuyên sẽ tạo thành thói quen ăn mặn gây thừa muối, là tác nhân gây tăng huyết áp, đặc biệt lưu ý ở trẻ thừa cân béo phì.

gay với trẻ cân nặng bình thường nhưng có thói quen ăn mặn về lâu dài có nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp khi trưởng thành. Cần kiểm soát thức ăn nhiều chất béo vì các đồ chiên rán thường dùng dầu, mỡ chiên đi chiên lại nhiều lần, gây biến chất tạo thành a xít béo dạng xấu (trans fat) gây đầy bụng, khó tiêu.

PGS-TS Phan Thị Sửu
Hội Khoa học kỹ thuật an toàn thực phẩm Việt Nam

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.