Bỏ rơi trẻ có thể bị phạt 15 triệu đồng

21/10/2015 14:48 GMT+7

(TNO) Sau thông tin cháu bé khoảng 7 tháng tuổi bị bỏ rơi được đặt bên vệ đường sáng 20.10, nhiều người cho rằng cần phải xử phạt những bậc làm cha mẹ không có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

(TNO) Sau thông tin cháu bé khoảng 7 tháng tuổi bị bỏ rơi được đặt bên vệ đường sáng 20.10, nhiều người cho rằng cần phải xử phạt những bậc làm cha mẹ không có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng con cái.

Cháu bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi bên lề đường ngày 20.10 - Ảnh: C.T.VCháu bé 7 tháng tuổi bị bỏ rơi bên lề đường ngày 20.10 - Ảnh: C.T.V
Trao đổi với Thanh Niên Online, Luật sư (LS) Nguyễn Thạch Thảo (Đoàn LS TP.HCM) phân tích, quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con cái đã được quy định cụ thể trong một số luật hiện hành.
Trong đó đặc biệt chú trọng đến các đối tượng là trẻ vị thành niên. Vì đây là những đối tượng đặc biệt quan trọng, các em chưa có được khả năng tự bảo vệ chính mình, chưa đủ nhận thức, suy nghĩ để phân biệt đúng, sai, chưa biết no, biết đói mà tất cả đều phải phụ thuộc vào người nuôi dưỡng trực tiếp.
Vì những đặc thù quan trọng trên nên pháp luật đã tạo ra một hành lang pháp lý nhằm bảo vệ các em phát triển một cách lành mạnh, toàn diện và đầy đủ nhất.
Với trường hợp cháu bé 7 tháng tuổi vừa bị bỏ rơi trong thùng xốp là một hành vi gây nên sự bức xúc rất lớn trong toàn xã hội về trách nhiệm của những người trực tiếp nuôi dưỡng cháu.
LS Thảo cho rằng, về góc độ pháp lý, hành vi này đã vi phạm các điều cấm của Luật Chăm sóc và bảo vệ trẻ em như: cấm cha mẹ bỏ rơi con cái và vi phạm quy định về quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con theo Luật Hôn nhân và gia đình như phải trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
Đối với hành vi cha, mẹ hoặc người giám hộ cố ý bỏ rơi trẻ em ở nơi công cộng, bỏ mặc hoặc ép buộc trẻ em không sống cùng gia đình, bỏ mặc trẻ em tự sinh sống, không quan tâm chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ em để trẻ em rơi vào hoàn cảnh đặc biệt, nếu đứa bé không xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì người có hành vi bỏ rơi sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng. Ngoài ra, buộc người có hành vi thực hiện nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em theo quy định của pháp luật đối với cha, mẹ, người giám hộ có hành vi vi phạm, theo Điều 22, Nghị định 144/2013/ NĐ-CP.
Thủ tục nhận con nuôi
Về phía người có ý muốn nhận con nuôi, LS cho rằng cần đáp ứng được các điều kiện như có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có điều kiện về sức khỏe, kinh tế, chỗ ở bảo đảm việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi, có tư cách đạo đức tốt.
Theo định kỳ, 6 tháng một lần trong thời hạn 3 năm, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ nuôi có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi họ thường trú về tình trạng sức khỏe, thể chất, tinh thần, sự hòa nhập của con nuôi với cha mẹ nuôi, gia đình, cộng đồng. UBND cấp xã nơi cha mẹ nuôi thường trú có trách nhiệm kiểm tra, theo dõi tình hình thực hiện việc nuôi con nuôi.
Theo điều 15 Luật Nuôi con nuôi, trường hợp trẻ em bị bỏ rơi thì UBND cấp xã nơi phát hiện trẻ em bị bỏ rơi có trách nhiệm tìm người hoặc tổ chức tạm thời nuôi dưỡng trẻ em. Nếu có người nhận trẻ làm con nuôi thì UBND cấp xã xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật. Nếu không có người nhận trẻ làm con nuôi thì lập hồ sơ đưa trẻ vào cơ sở nuôi dưỡng. Vì vậy, nếu ai đủ điều kiện muốn nhận trẻ bị bỏ rơi làm con nuôi thì đến UBND xã đang tạm thời nuôi dưỡng trẻ bị bỏ rơi để làm thủ tục nhận nuôi.
LS Hoàng Như Vĩnh (Phó chủ nhiệm Đoàn LS Đồng Nai) cho biết, các thủ tục nhận nuôi con nuôi gồm, hồ sơ của người xin nhận con nuôi; đơn xin nhận nuôi con nuôi (theo mẫu); chứng minh nhân dân/hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị thay thế (bản sao chứng thực); phiếu lý lịch tư pháp (bản sao chứng thực hoặc bản photo); văn bản xác nhận tình trạng hôn nhân (bản sao chứng thực hoặc bản photo); giấy khám sức khỏe do Cơ quan y tế cấp huyện trở lên cấp (không quá 6 tháng); văn bản xác nhận hoàn cảnh gia đình, tình trạng chỗ ở, điều kiện kinh tế (UBND cấp xã nơi người nhận con nuôi thường trú cấp) trừ trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng làm con nuôi hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận cháu làm con nuôi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.