“Bò rừng” Cimaron sẽ “chết” trên biển Đông?

02/11/2006 16:43 GMT+7

Sau nhiều giờ được dự báo hướng lên Hồng Kông rồi Đài Loan, đến rạng sáng 2/11, hầu hết các mạng dự báo, kể cả VN (ngoại trừ Macau và Nhật bản), bão Cimaron đã bẻ ngoặc mũi tên bão hướng về phía Nam đảo Hải Nam - Trung Quốc.

Sáng nay (2/11), bão số 7 (Cimaron) đã suy yếu đi một ít, còn cấp 13, cấp 14. Mạng JTWC (Mỹ) dự báo bão Cimaron sẽ suy yếu dần trong các ngày tới: Ngày 3/11 sẽ còn cấp 12 (118 - 133km/giờ); ngày 4/11 sẽ còn cấp 9 (75 - 88km/giờ); ngày 5/11 còn cấp 8 (62 - 74 km/giờ) và ngày 6/11 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, với sức gió cấp 6 (39 - 49 km/giờ). Vị trí lúc bão suy yếu theo dự báo của JTWC là ở vào khoảng 19,5 độ vĩ bắc, 116,6 độ kinh đông, trên vùng biển phía bắc biển Đông.

Trong khi đó, Hồng Kông dự báo đến trưa 3/11 bão sẽ còn mạnh với sức gió 139 km/giờ (cấp 13); trưa 4/11 còn 130 km/giờ (cấp 12) và đến trưa 5/11 còn 121 km/giờ (cũng cấp 12). Hồng Kông dự báo bão sẽ đánh 1 vòng thắt nút rồi di chuyển theo hướng tây, tây nam. Nhật Bản thì dự báo đến ngày 3/11 bão còn mạnh cấp 12; ngày 4/11 cũng cấp 12 và ngày 5/11 sẽ còn cấp 11. Hồng Kông và Nhật Bản đều chưa có dự báo sau ngày 5/11 bão sẽ đi đâu, cường độ ra sao. Trung Quốc trưa nay dự báo bão sẽ suy yếu còn cấp 12 trong 24 giờ tới; tiếp tục suy yếu xuống cấp 9 trong 48 giờ tới và còn cấp 8 trong 72 giờ tới, ở vị trí 19,5 độ vĩ bắc, 115,6 độ kinh đông (phía bắc biển Đông). Hàn Quốc dự báo từ ngày 3 đến 5/11 bão di chuyển theo hướng từ tây bắc đến tây và đến ngày 5/11 suy yếu còn cấp 11.

Trước sự thay đổi này, chúng tôi đã liên lạc với Tiến sĩ Peter Yuen, giáo sư toán Đại học Cambridge, chuyên gia dự báo bão nhiệt đới của Tropical Storm Risk (TSR - Khoa Vật lý Khí hậu và Không gian Đại học London, Anh), ông nói: “Cimaron là cơn bão rất không ổn định, thật khó đoán bởi nó đi theo lối đi riêng của nó”.

Trong khi đó Tiến sĩ Trần Tiễn Khanh, chuyên gia khí tượng và môi trường (Mỹ) cho biết: “Đây là cơn bão lạ lùng. Theo tôi nếu đi về phía đảo Hải Nam thì bão sẽ gặp một áp cao với khí lạnh và gió khô từ gió mùa Đông bắc. Có thể nó lại sẽ loay hoay ở đó và suy yếu dần. Mặt khác, hiện nay, nước biển đã lạnh hơn nên sẽ không tiếp tục cung cấp nhiều năng lượng cho Cimaron được”. Ông hy vọng khi đó bão Cimaron chỉ có thể gây các trận mưa lớn ở vùng duyên hải nước ta.

Nhưng sau bão Cimaron còn có bão? Trong cuộc trao đổi qua e-mail với chúng tôi, Tiến sĩ Peter Yuen cho biết: “Theo hồ sơ lưu trữ qua các mùa dự báo bão của TSR, ở lòng chảo Tây bắc Thái Bình Dương, hằng năm chỉ có 5% đến 10% số cơn bão hoạt động trên mức bình thường. Mùa bão năm nay ở vùng biển này có tổng cộng 29 cơn bão nhiệt đới nhưng lại có đến 9 cơn đạt mức cuồng phong (typhoon) mà Cimaron là một ví dụ. Hiện, mùa bão chưa chấm dứt nên còn vài cơn có thể hướng đến VN”.

Diễn biến của Cimaron rất phức tạp, khó tiên đoán một cách chính xác vì vậy cần theo dõi thường xuyên các dự báo mới nhất để đề phòng.

Mai Vọng - Đặng Ngọc Khoa

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.