Bổ sung gần 28.000 biên chế, đề xuất tuyển giáo viên theo chuẩn cũ

Tuệ Nguyễn
Tuệ Nguyễn
05/01/2024 18:51 GMT+7

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024, các địa phương sẽ được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, đồng thời nêu giải pháp tuyển giáo viên theo chuẩn của luật Giáo dục cũ ở những địa phương thiếu giáo viên, có biên chế mà không có nguồn tuyển.

Bộ GD-ĐT cho biết, năm 2024 tiếp tục thực hiện Quyết định của Bộ Chính trị về giao bổ sung biên chế giáo viên cho các địa phương giai đoạn 2022 - 2026. Theo đó, các địa phương sẽ được giao bổ sung 27.800 biên chế giáo viên, góp phần giải quyết tình trạng thiếu giáo viên ở các trường mầm non, phổ thông.

Hiện, thống kê của Bộ GD-ĐT cho thấy, cả nước còn thiếu tới 118.253 giáo viên các cấp học. Chất lượng đội ngũ chưa đồng đều giữa các vùng, miền, còn có sự chênh lệch giữa vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn với vùng thuận lợi. Trong khi đó, các địa phương phải thực hiện tinh giản biên chế theo lộ trình từ năm 2015 - 2021 giảm 10%.

Năm vừa qua, để từng bước khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên, Bộ GD-ĐT đã hướng dẫn các địa phương tuyển dụng được 17.208 giáo viên.

Sẽ trình Quốc hội cho phép địa phương thiếu giáo viên tuyển theo chuẩn đào tạo cũ?

Đáng chú ý, tại hội nghị tổng kết công tác năm 2023, triển khai nhiệm vụ năm 2024 ngày 4.1, Bộ GD-ĐT cho biết đã phối hợp với các cơ quan, bộ, ngành có liên quan hoàn thiện báo cáo để Chính phủ trình xin ý kiến Quốc hội về việc cho phép các địa phương thiếu giáo viên, còn biên chế được tuyển dụng giáo viên mầm non, tiểu học theo chuẩn trình độ đào tạo quy định tại luật Giáo dục 2005.

Như vậy, nếu Chính phủ trình và Quốc hội đồng ý thì việc tuyển dụng giáo viên mầm non ở những địa phương thiếu nguồn tuyển sẽ là trình độ trung cấp thay vì cao đẳng; tiểu học sẽ là cao đẳng thay vì trình độ đại học như quy định của luật Giáo dục 2019.

Đây cũng là nội dung tại nhiều cuộc họp, hội nghị của ngành GD-ĐT, các địa phương thiếu nguồn tuyển giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học (đặc biệt ở các môn tiếng Anh, tin học) từng đề xuất cho phép tuyển giáo viên theo chuẩn đào tạo của luật Giáo dục cũ.

Tuy nhiên, các ý kiến cũng cho rằng đây chỉ là giải pháp tạm thời và chỉ cho giáo viên "nợ chuẩn" với cam kết sau một thời gian nhất định sẽ phải đào tạo nâng chuẩn theo đúng quy định của luật Giáo dục 2019.

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, đến đầu năm học 2023 - 2024, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo (theo luật Giáo dục 2019) ở cấp tiểu học là thấp nhất. Cụ thể, tỷ lệ giáo viên đạt chuẩn đào tạo cấp mầm non là 91,7%; tiểu học là 74,8%; trung học cơ sở là 86,1%; trung học phổ thông là 99,9%.

Sở dĩ có tình trạng này vì theo luật Giáo dục 2019 có sự thay đổi lớn về chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên. Giáo viên mầm non trước đây yêu cầu chuẩn trình độ đào tạo là trung cấp, nay là cao đẳng; giáo viên tiểu học từ trung cấp nâng lên đại học; giáo viên trung học cơ sở từ cao đẳng lên đại học.

Thống kê của Cục Nhà giáo và Quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) cho thấy, đến cuối năm học 2022 - 2023, vẫn còn hơn 74.000 chỉ tiêu biên chế được giao cho các địa phương từ trước tới nay nhưng chưa tuyển dụng được.

Bộ GD-ĐT cho rằng, việc thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế trong các cơ quan hành chính, sự nghiệp ở nhiều địa phương còn thực hiện một cách cơ học. Thậm chí, một số địa phương không tuyển dụng mới giáo viên để thực hiện chủ trương tinh giản 10% biên chế.

Bộ GD-ĐT đề nghị các địa phương tổ chức tuyển dụng hết số biên chế giáo viên đã được giao, bảo đảm số lượng và chất lượng (ưu tiên tuyển giáo viên mầm non, tiểu học còn thiếu); sắp xếp, điều tiết giáo viên mầm non, phổ thông giữa các cơ sở giáo dục tại địa phương bảo đảm hợp lý, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.