Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, ai quản lý ai ?

26/05/2006 23:34 GMT+7

Hôm qua 26/5, thảo luận về dự án Luật Chứng khoán, nhiều đại biểu (ĐB) Quốc hội tham gia ý kiến đã có những tranh luận sôi nổi về việc có nên để Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) vẫn trực thuộc Bộ Tài chính như hiện nay hay là một cơ quan độc lập thuộc Chính phủ; việc quản lý, cấp phép kinh doanh chứng khoán như thế nào để vẫn đảm bảo sự thông thoáng, tránh sự ngăn cản bất hợp lý với những nhà đầu tư muốn tham gia thị trường nhạy cảm này.

Bộ Tài chính sẽ “vừa đá bóng vừa thổi còi” ?

Ủy ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội, cơ quan thẩm tra dự án luật, ủng hộ để UBCKNN là cơ quan trong Bộ Tài chính. Ông Nguyễn Đức Kiên, Chủ nhiệm Ủy ban nói: "Luật cần giao cho UBCKNN một số chức năng và thẩm quyền để đảm bảo tính độc lập cần thiết và thực quyền của ủy ban này trong việc xử lý các vấn đề nghiệp vụ".

Không đồng ý, ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) tranh luận: "Báo cáo của Chính phủ mà đồng chí Sinh Hùng (Nguyễn Sinh Hùng, Bộ trưởng Bộ Tài chính - PV) trình bày không thuyết phục được tôi. Nếu bảo UBCKNN từ khi được giao về cho Bộ Tài chính (3/2004) thì phát triển toàn diện thì hơi vội vàng". Ông Trân cho rằng "có một số yếu tố khách quan làm cho thị trường chứng khoán sôi động lên", như việc ký kết Hiệp định Thương mại Việt Nam-Hoa Kỳ và triển vọng Việt Nam gia nhập WTO. Cũng theo ông Trân, việc đưa UBCKNN về Bộ Tài chính không hẳn là "gọn đầu mối mà ngược lại phình Bộ Tài chính ra. Hiện nay, trong Bộ Tài chính đã có Tổng cục Thuế, Tổng cục Hải quan, Cục Quản lý giá, nếu đưa UBCK về nữa thì nay đã là siêu bộ càng trở thành siêu bộ hơn nữa".

ĐB Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cũng nói: "Cần phải xem UBCK như một cơ quan thuộc Chính phủ. Sự độc lập hoàn toàn trong chỉ đạo điều hành hoạt động chứng khoán và thị trường chứng khoán sẽ tạo sự nhanh nhạy và hiệu quả hơn". ĐB này nhấn mạnh: "Bộ Tài chính là cơ quan phát hành trái phiếu ra công chúng thì phải chịu sự quản lý của UBCKNN, đằng này, lại nằm trong Bộ Tài chính thì tréo ngoe về cơ cấu, như vậy có tình trạng vừa đá bóng vừa thổi còi hay không ?".

Bộ trưởng Nguyễn Sinh Hùng nói: "Phương án đưa UBCK về Bộ Tài chính đúng là cũng không giống nước nào nhưng phù hợp với đặc điểm của Việt Nam. Khi nào ta chuẩn bị đủ điều kiện, để UBCK có vị thế độc lập thì có cách phân công lại nhưng ít nhất cũng phải đến năm 2010, thậm chí có thể tới năm 2012 hoặc 2015... Nói là Bộ Tài chính vừa đá bóng vừa thổi còi nghe ra có vẻ đúng nhưng thực tế là trong việc phát hành trái phiếu thì theo Luật Ngân sách, kế hoạch vay bao nhiêu, Quốc hội quyết thế nào mới làm. Và khi trái phiếu phát hành ra công chúng thì nó theo quy luật của thị trường, Bộ Tài chính cũng đâu có can thiệp được. Trái phiếu được bán sang Mỹ hay Trung Quốc, Bộ Tài chính đâu có thổi còi được ?".

Chưa chịu, ĐB Nguyễn Ngọc Trân nói: "Như vừa rồi, trái phiếu của Vinashin phát hành sang Mỹ nhưng với những điều kiện ấy, hoàn toàn có thể bán tại Việt Nam, vay vốn trong nước. Nói vừa đá bóng vừa thổi còi là có sự cân nhắc".

Nhiều giấy phép quá!

ĐB Trần Hữu Hậu (Tây Ninh) đưa ra nhận xét: "Dự thảo đưa ra khá nhiều giấy phép. Khá nhiều hoạt động bình thường của các đối tượng tham gia thị trường chứng khoán cũng phải được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản. Việc này sẽ tạo ra những thủ tục không cần thiết và sẽ là mảnh đất màu mỡ cho tiêu cực và tham nhũng". Ông Hậu dẫn chứng: "Tại điều 67, các công ty chứng khoán, các công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán khi thành lập, đóng cửa, thay đổi địa điểm chi nhánh, văn phòng đại diện, giao dịch đều phải được UBCKNN chấp thuận bằng văn bản. Những hoạt động trên là việc bình thường của công ty chứng khoán và công ty quản lý quỹ, do đại hội cổ đông hoặc hội đồng quản trị quyết định, không nên bắt buộc phải quy định rõ những thay đổi này phải báo cáo, chấp thuận". ĐB này cũng lấy thêm ví dụ về khoản 2, điều 62 về hồ sơ đề nghị cấp phép thành lập và hoạt động của công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ đầu tư chứng khoán phải có thuyết minh cơ sở vật chất, kỹ thuật. Theo ông, đây là những điều không cần thiết và gây khó khăn cho phần lớn những tổ chức, cá nhân đi xin thành lập.

Góp ý thêm, ĐB Nguyễn Thị Anh Nhân (Hà Nội) đề nghị: "Không nên trao quyền  cấp phép niêm yết cho Sở Giao dịch chứng khoán do cơ quan này sẽ trở thành một doanh nghiệp mà doanh nghiệp này cũng sẽ hoạt động vì mục tiêu lợi nhuận, có lợi ích riêng nên tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho công chúng đầu tư".

Mạnh Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.