(TNO) Chiều nay 25.5, Quốc hội thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế - xã hội. Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng đã trần tình về việc tăng giá xăng, cũng như tình trạng được mùa mất giá của nông sản.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng - Ảnh: Ngọc Thắng
|
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng giải thích, về cơ chế điều hành giá, tiếp tục đưa hàng hóa theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Vừa qua ngành Tài chính và Công thương được giao điều hành giá xăng dầu, phối hợp tương đối tốt. "Thực tế điều hành có nhiều cơ chế mới nhưng chúng tôi từng bước công khai, minh bạch, nguyên tắc bám sát giá thị trường thế giới, cứ 15 ngày biến động thì giá thị trường Việt Nam biến động theo", ông Vũ Huy Hoàng nói.
Cũng theo Bộ trưởng Công thương, ta khác với thế giới là có quỹ bình ổn giá xăng dầu, nếu không có quỹ này thì vừa rồi tăng giá còn cao hơn. Vừa rồi đáng lẽ người dân phải trả 2.000 đồng/lít xăng nhưng thực tế chỉ phải trả thêm 1.000 thôi, 1.000 còn lại trích từ quỹ bình ổn. “Chúng tôi mỗi khi đứng trước việc tăng giá cảm thấy rất khó khăn, nhưng tôi nghĩ chắc chắn với thời gian, với cơ chế điều hành ngày càng nhuần nhuyễn, dư luận sẽ hiểu thấu đáo hơn”, ông Hoàng giãi bày.
Đừng đổ lỗi cho người nông dân khi nông sản mất giáVề tiêu thụ nông sản, cụ thể là "điệp khúc" nông dân được mùa rớt giá, Bộ trưởng Công thương cho rằng: “Đừng đổ lỗi cho người nông dân, trước hết trách nhiệm thuộc về cơ quan quản lý”.
Theo ông Hoàng, đương nhiên người nông dân có một phần trách nhiệm nhưng nếu nói về tiêu thụ, nếu chủ động được về quy hoạch, sẽ không có biến động nhiều về sản lượng và như vậy, nhu cầu tiêu thụ và lượng hàng hóa dư thừa sẽ không quá chênh lệch.
Về gạo đã chủ động được về đầu ra cho sản phẩm, nhưng mặt hàng khác như dưa hấu, cây ngắn ngày, bà con trồng xen vụ thì rất khó trong câu chuyện quy hoạch. Theo Bộ trưởng, "quả dưa hấu đương nhiên thương lái mua của nông dân chứ nông dân không trực tiếp xuất khẩu. Vì ta không thể dự báo được năm nay bao nhiêu người trồng, diện tích bao nhiêu vì chỉ trồng 2, 3 tháng và trồng xen canh nên việc xuất khẩu là rất khó. Dung lượng tiếp nhận của Trung Quốc về bến bãi cũng có hạn, mỗi ngày chỉ 300 - 400 xe nên nhiều khi quá tải, lại không có hợp đồng kí trước, mang sang họ phải phân loại nên có tình trạng ách tắc".
Để khắc phục tình trạng này, Bộ trưởng Công thương cho biết, ngoài việc đề nghị các địa phương chủ động (trong việc quy hoạch cây trồng, tiêu thụ hàng nông sản), Bộ Công thương cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các địa phương và bà con nông dân để tìm đầu ra cho sản phẩm.
Bình luận (0)