Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: ‘Lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt’

Lê Hiệp
Lê Hiệp
16/12/2019 17:25 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Lao động -Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, việc lương của chồng chuyển vào tài khoản của vợ là hoàn toàn hợp pháp, nếu có sự thỏa thuận giữa hai bên.

Chiều 16.12, Văn phòng Chủ tịch nước họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các luật đã được thông qua tại kỳ họp 8 Quốc hội khóa XIV.
Trả lời câu hỏi liên quan tới điểm mới trong bộ luật Lao động sửa đổi về việc người được ủy quyền hợp pháp được nhận lương thay người lao động, trong trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp, như vậy tiền lương của chồng có thể được chuyển vào tài khoản của vợ hay không, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội Đào Ngọc Dung cho hay, điều này là hợp pháp nếu có sự thỏa thuận giữa hai bên.
"Kể cả lương của vợ cũng có thể chuyển cho tôi. Cái đó hoàn toàn do hai vợ chồng thỏa thuận để tạo ra thuận lợi. Tránh tình trạng như lương của tôi chỉ chuyển vào tài khoản của tôi, sau tôi lại chuyển cho vợ. Tôi thấy thuận lợi hơn thì lương của tôi chuyển thẳng cho vợ kiểm soát càng tốt có gì đâu", Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội có thể rút xuống 10 năm

Liên quan tới việc tăng tuổi nghỉ hưu trong bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng cho hay, cùng với chính sách tăng tuổi hưu thì phải sửa nhiều luật liên quan đến quyền của người về hưu và người được hưởng chế độ hưu, trước mắt là sửa luật Bảo hiểm xã hội trong năm 2021.

Ông Đào Việt Trung, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước, công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố các đạo luật vừa được thông qua

Ảnh Hải Ninh

Theo Bộ trưởng Dung, Nghị quyết 28 của T.Ư về cải cách bảo hiểm xã hội đã đưa ra 11 nội dung cải cách thì việc sửa đổi bộ luật Lao động vừa qua mới chỉ giải quyết được 1 nội dung là điều chỉnh tuổi nghỉ hưu, còn 10 nội dung nữa liên quan như giảm thời gian đóng hưởng bảo hiểm xã hội…
“Hiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội quy định 20 năm, bình quân ở nước ta là 19 năm 8 tháng. Trong đó, một người khi nghỉ hưu chỉ hưởng đủ 10 năm, còn 9 năm 8 tháng phải ăn nhờ thế hệ sau. Vì vậy, sắp tới phải điều chỉnh 10 nội dung nữa trong luật Bảo hiểm xã hội. Chẳng hạn, có thể điều chỉnh từ 20 năm rút xuống 15 năm, tiến tới có thể 10 năm”, ông Dung cho hay.

Tách lương công chức, viên chức với lương hưu

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, từ 1.1.2021, sẽ tách lương công chức, viên chức, khác hẳn lương hưu.
“Lương hưu là từ Quỹ Bảo hiểm xã hội còn lương công chức, viên chức là nhà nước trả, lương trong doanh nghiệp thì do chủ sử dụng lao động trả. Do đó, lương hưu không ảnh hưởng gì sản xuất kinh doanh hay công chức viên chức”, ông Dung cho hay, và giải thích hiện nay, lương của người nghỉ hưu trước năm 1993 rất thấp, càng về trước càng thấp hơn nên phải điều chỉnh theo cách này.
Bộ trưởng Dung cũng cho hay, mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu cộng với cải cách bảo hiểm xã hội là để nhiều người tham gia bảo hiểm xã hội hơn.
“Bộ luật Lao động không dừng lại ở 20 triệu người đóng bảo hiểm bắt buộc mà sẽ mà mở rộng hơn ở 34,5 triệu người ở khu vực phi chính thức, không có quan hệ lao động để số lượng đóng bảo hiểm tăng lên, kể cả bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi đó, người già khi về hưu có thụ hưởng từ bảo hiểm xã hội. Đây là một trong hai trụ cột quan trọng nhất trong hệ thống an sinh của người lao động”, ông Dung nhấn mạnh.
Giới thiệu một số nội dung lớn của bộ luật Lao động sửa đổi, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, bộ luật thể chế hóa Nghị quyết 28 về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu chung theo lộ trình chậm.

Cụ thể, tuổi nghỉ hưu chung trong điều kiện lao động bình thường, nam nghỉ hưu ở tuổi 62 vào năm 2028, nữ ở tuổi 60 vào năm 2035 theo lộ trình mỗi năm tăng 3 tháng đối với nữ và tăng 4 tháng đối với nam kể từ 2021.
Quyền nghỉ hưu sớm hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động bị suy giảm khả năng lao động; làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.
Bộ Lao đông - Thương binh - Xã hội sẽ ban hành danh mục những nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và đặc biệt nặng nhọc, độc hại, huy hiểm để làm cơ sở xác định những trường hợp người lao động có thể nghỉ hưu ở độ tuổi thấp hơn, khoảng 1.810 nghề, số lượng người lao động đang làm công việc này khoảng 3 triệu người.
Quyền nghỉ hưu muộn hơn không quá 5 tuổi, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác, được áp dụng đối với người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao và một số trường hợp đặc biệt. Việc này sẽ có nghị định chi tiết về tuổi nghỉ hưu và điều kiện hưởng lương hưu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.