Bộ trưởng muốn 'né' chất vấn cũng không được

Vũ Hân
Vũ Hân
04/06/2018 07:00 GMT+7

Theo Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải, cử tri mong chất lượng trả lời chất vấn là căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp tới.

Trước phiên chất vấn  diễn ra sáng nay, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đã dành cho Thanh Niên cuộc trao đổi về vấn đề này.
Bà có đánh giá thế nào về lựa chọn các bộ trưởng được chất vấn trong kỳ họp này?
Bà Nguyễn Thanh Hải: Thứ nhất, tôi nhấn mạnh rằng quy trình lựa chọn các vấn đề chất vấn là hết sức rõ ràng, chính xác và khoa học, đã được thực hiện dựa trên luật Hoạt động giám sát của Quốc hội, của đại biểu Quốc hội và đặc biệt là có hướng dẫn về lựa chọn này.
Ban Dân nguyện đã tập hợp được 120 nội dung, nhóm nội dung các vấn đề gửi tới kỳ họp thứ 5 này qua các đợt tiếp xúc cử tri trước kỳ họp; khoảng 60 phiếu chất vấn của các đại biểu Quốc hội gửi và căn cứ vào các phiên thảo luận kinh tế - xã hội; Tổng thư ký đã tập hợp và xin ý kiến các cơ quan chuyên môn, Hội đồng Dân tộc và các uỷ ban, rồi sau đó xin ý kiến Thường vụ Quốc hội rồi sau đó xin ý kiến Quốc hội bằng lấy phiếu. Số lượng phiếu được công bố công khai.
Việc lựa chọn là hoàn toàn công khai, minh bạch và dựa trên rất nhiều cơ sở; vì vậy, không hề có sự né tránh với các vấn đề nóng. Thậm chí, những vấn đề liên quan đến BOT, từ mức thu phí, rồi chất lượng đường, công tác quản lý… đã được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội giám sát gần đây, nhưng vì đại biểu Quốc hội và cử tri vẫn rất quan tâm, nên kỳ này vẫn được đưa ra chất vấn.
Mặc dù quy trình lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn đã được thực hiện từ rất lâu, nhưng dư luận vẫn cho rằng có việc để “lọt” các vấn đề nóng, như vấn đề tham nhũng chẳng hạn?
Tham nhũng và các vấn đề khác cũng đã được cử tri nêu ra. Tuy nhiên, vấn đề này cũng đã được thảo luận nhiều trong phiên thảo luận về luật Phòng chống tham nhũng, và luật này dự kiến sẽ được thông qua trong 3 kỳ họp, nên tôi nghĩ vấn đề này đã được nhắc tới rất nhiều ở các phiên thảo luận. Tôi muốn nhấn mạnh là việc lựa chọn vấn đề chất vấn dựa trên cơ sở ý kiến cử tri, nhưng cũng rất công khai, minh bạch.
Theo dự kiến, Chủ tịch UBND các tỉnh đang "nóng" chuyện quản lý đất đai như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đồng Nai được mời tham gia phiên chất vấn, nhưng sau đó lại thôi?
Ở đây có vấn đề liên quan đến thủ tục. Tại các phiên chất vấn tại Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã từng mời các chức danh này và đây cũng là một cách làm thí điểm. Quốc hội chỉ mời những người do Quốc hội bầu hoặc bổ nhiệm, Chủ tịch UBND tỉnh không thuộc diện này, vì vậy, Thường vụ Quốc hội mời đến là để phối hợp để cùng cung cấp thông tin cho các đại biểu Quốc hội, thì ở các phiên này, tôi nghĩ rằng họ không phải là đối tượng để chất vấn, nhưng có thể mời họ đến để phối hợp, chia sẻ thông tin khi cần thiết.
Tôi cũng không nắm được danh sách khách mời trên thực tế, nhưng tôi nghĩ sẽ có lãnh đạo Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh tham dự các phiên chất vấn.
Việc họ có giải trình thêm hay không sẽ do người điều hành?
Đúng như vậy.
Cử tri mong đại biểu xem xét kết quả chất vấn như một căn cứ để bỏ phiếu tín nhiệm
Là nơi tiếp xúc gần gũi với nguyện vọng của cử tri nhất, bà thấy cử tri đánh giá thế nào về trả lời chất vấn của các bộ trưởng, trưởng ngành thời gian gần đây?
 Trả lời chất vấn hiện nay được truyền hình trực tiếp, qua việc trả lời sẽ định hình chân dung của các vị bộ trưởng, trưởng ngành được chất vấn. Có những cử tri rất tâm huyết, gửi cho tôi bản đánh giá viết tay 30 trang, đánh giá từng bộ trưởng một, từ phong thái, nội dung trả lời... Nhìn chung, cử tri đánh giá cao sự nỗ lực của các bộ trưởng trong thời gian qua, cả trong nỗ lực trả lời các câu hỏi đặt ra, cả trong việc thực hiện lời hứa.
Thứ hai, việc không thực hiện được lời hứa do nguyên nhân chủ quan, sự thiếu trách nhiệm, thiếu năng lực của bộ trưởng, trưởng ngành ít đi; mà chủ yếu do nguyên nhân khách quan, do sự phối hợp thiếu liền mạch hay thiếu nguồn lực... Đấy là điều mà tôi thấy rất đáng mừng.
Tuy nhiên, cử tri cũng mong muốn có một cơ chế mạnh hơn nữa, xử lý mạnh hơn nữa đối với những vấn đề đã nêu trong chất vấn mà các bộ trưởng, trưởng ngành chưa thực hiện. Nghĩa là vấn đề giám sát, từ trước đến nay vẫn được nêu nhiều, nhưng xử lý trách nhiệm chưa rõ, do cơ chế nhiệm kỳ của người được chất vấn, rồi bản thân đại biểu chất vấn cũng hết nhiệm kỳ...
Cử tri nhấn mạnh rất mong muốn có một cơ chế minh bạch để xử lý trách nhiệm của các cá nhân, tập thể khi không thực hiện đầy đủ các kiến nghị nêu trong các nghị quyết giám sát cũng như các nghị quyết chung của Quốc hội. Hiện nay, Quốc hội là cơ quan dân cử cao nhất, nhưng cũng chỉ có thẩm quyền kiến nghị thôi. Vì vậy, kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền cần có cơ chế để xử lý mạnh tay hơn.
Bên cạnh đó, cử tri cũng mong muốn đại biểu Quốc hội đánh giá chất lượng trả lời, trách nhiệm thực hiện các vấn đề cử tri chất vấn, kiến nghị như một căn cứ để đánh giá mức độ tín nhiệm của các vị bộ trưởng, các cá nhân do Quốc hội bầu ra trong kỳ họp tới.
Đây là kỳ chất vấn liền kề kỳ Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm, bà có thấy biểu hiện nào của việc các bộ trưởng né tránh hay e ngại việc mình được chọn chất vấn không?
Làm sao mà né được vì bây giờ có quy trình, thủ tục lựa chọn rất rõ ràng. Cách thức tổ chức chất vấn cũng được cải tiến rất nhiều. Không phải chỉ 4 bộ trưởng được lựa chọn mới phải “đối mặt” với các câu hỏi mà đại biểu nêu, mà có rất nhiều vị bộ trưởng khác phải phối hợp cùng trả lời. Đặc biệt, còn có sự tham gia của các Phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực. Vì vậy, dù không phải là người trực tiếp trả lời chất vấn, các bộ trưởng khác cũng là những đối tượng để cử tri đánh giá và qua đó cử tri sẽ lại gửi gắm đến đại biểu Quốc hội để đại biểu đánh giá mức độ tín nhiệm trong kỳ họp sau.
Không thể nói “chúng tôi sẽ tiếp thu”... và để đấy
Ngoài chất vấn, chất lượng trả lời kiến nghị cử tri của các vị bộ trưởng hiện nay ra sao, thưa bà?
Có thể nói việc trả lời kiến nghị cử tri đã có chuyển biến rất tích cực cả về chất lượng và thời hạn giải quyết. Những câu trả lời “chúng tôi sẽ tiếp thu”, “sẽ nghiên cứu và giải quyết trong thời gian tới”... hiện nay không còn nữa. Nó đã được thay đổi bằng “chúng tôi xin tiếp thu, xin thông tin đến các đại biểu là” và dự kiến thời hạn giải quyết, dù có những sự việc có thời hạn đến tận… 2026. Dù có thể còn lâu, nhưng việc nêu lên được lộ trình giải quyết cũng làm cho cử tri yên tâm, cho thấy vấn đề được đặt ra đã được các bộ, ngành quan tâm. Về tỷ lệ, có đến hơn 90% các câu hỏi đã được trả lời, tức là đều có lộ trình giải quyết.
Sự chuyển động đó có nguyên nhân do đâu?
Theo tôi, là do sự vận hành rất năng động của Thủ tướng, các Phó thủ tướng, các bộ, ngành. Mọi chủ trương, chính sách, tổ chức thực hiện thì người đánh giá, người thụ hưởng cuối cùng đều là người dân. Và vì vậy, việc lấy phản hồi, lắng nghe, việc trả lời kiến nghị cử tri là tiêu chí quan trọng số 1 để ban hành chính sách. Người dân chính là vị giám khảo quan trọng nhất.
Tức là đó là sự vận động tự thân Chính phủ nhiều hơn là những đòi hỏi, yêu cầu từ cử tri, từ Quốc hội?
Tôi nghĩ rằng việc đổi mới phương thức hoạt động của Quốc hội cũng tạo ra chuyển biến này. Rồi sự thay đổi trong cách giám sát. Hiện nay, đánh giá từ các đại biểu Quốc hội, đoàn đại biểu Quốc hội đối với trả lời của các vị bộ trưởng là một căn cứ rất quan trọng. Việc đánh giá đã không còn định tính mà chúng tôi phát phiếu đánh giá đến từng đoàn, có địa chỉ rõ ràng bộ nào, ngành nào trả lời ra sao, cả về số lượng và chất lượng. Các kết quả này cũng được chuyển đến các đại biểu để họ có thêm căn cứ khi bỏ phiếu tín nhiệm cho các bộ trưởng, trưởng ngành.
Xin cảm ơn bà!
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.