Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân trả lời chất vấn

12/06/2009 11:33 GMT+7

(TNO) Sáng nay 12.6, phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Nguyễn Thiện Nhân tập trung vào ba nội dung chính: Giáo dục mầm non, việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài chủ yếu là quản lý chương trình giáo dục và việc tổ chức kỳ thi THPT theo cụm.

Trong đó, vấn đề giáo dục mầm non đã được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đặt câu hỏi cho Bộ trưởng khi đăng đàn trả lời chất vấn tại kỳ họp trước.

Với 15 phút “mào đầu”, Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân đã trở thành thành viên Chính phủ có thời gian đọc báo cáo lâu nhất trong số các thành viên trả lời trước đó. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng đã phải nhắc nhở, đề nghị Bộ trưởng nói tóm tắt.

Ám ảnh trước hiện tượng một số cô giáo mẫu giáo cho các cháu học sinh mầm non uống thuốc ngủ để khỏi phải chăm sóc, cho ăn thức ăn kém chất lượng…, Phó trưởng đoàn ĐBQH Bình Định Hồ Quốc Dũng cho rằng, chất lượng giáo dục của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập đang bị thả nổi, và đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có biện pháp gì để chấn chỉnh hiện tượng này?”.

Người đứng đầu ngành giáo dục thừa nhận là có tình trạng này, và nói: “Bộ đã chỉ đạo kiểm tra trực tiếp, đó là những cơ sở chưa đạt tiêu chuẩn, chưa được cấp phép”. Bộ GD-ĐT cũng đã yêu cầu các địa phương rà soát lại, bồi dưỡng kiến thức cho giáo viên của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập.

Truyền đạt tâm tư của các cử tri gửi gắm, ĐB Nguyễn Đình Liêu (Ninh Thuận) lên tiếng: “Kỳ thi tốt nghiệp THPT theo cụm vừa qua gây tốn kém và phiền hà cho học sinh, Bộ trưởng đánh giá như thế nào?”. Bộ trưởng cho biết, thi theo cụm không phải là hình thức gì mới, trước đó có địa phương đã làm, chỉ có điều năm nay tổ chức thi theo cụm trên phạm vi rộng là quốc gia. “Mục tiêu là để giảm tiêu cực, có kết quả tin cậy” - Bộ trưởng nhấn mạnh.

Theo Bộ trưởng, tổ chức thi tốt nghiệp theo cụm là việc làm để chuẩn bị cho năm sau thực hiện kỳ thi hai trong một (lấy kết quả của thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để xét vào các trường ĐH - PV). Bộ trưởng giải thích, tổ chức thi theo cụm có mấy cái lợi là học sinh sẽ tự giám sát lẫn nhau, hạn chế được việc “quay cóp”, nhắc bài. Bộ trưởng khẳng định: “Thi theo cụm không gây khó khăn cho việc đi lại”. Bộ trưởng làm rõ, khi chưa tổ chức theo cụm thì có 8.700 học sinh không đến dự thi, nhưng năm nay tổ chức kỳ thi theo cụm thì số này giảm, còn 5.600 học sinh không đến dự thi.

Bộ trưởng cũng cho hay, chấm chéo không phải là anh chấm trường tôi, tôi chấm trường anh mà là chấm đan xen nhau, như vậy sẽ khắc phục được tình trạng nâng điểm khi sang năm lấy kết quả của thi tốt nghiệp THPT để xét vào các trường ĐH.

ĐB Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) bức xúc: “Thi theo cụm đã làm hàng trăm em mất cơ hội vào các trường ĐH vì không đến được điểm thi”. Bộ trưởng nói: “Chúng ta không làm mất cơ hội của các em, tỷ lệ bỏ thi năm nay giảm 3.000 em, tức là có thêm 3.000 em nữa có cơ hội”.

Vẫn ở nội dung trên, không thỏa mãn với văn bản trả lời mà Bộ trưởng đã gửi, ĐB Thái Thị An Chung (Nghệ An) nêu vấn đề: “Cử tri cho rằng, thi như vậy thì thuận tiện cho ngành nhưng khổ cho dân. Bộ trưởng thì cho biết đây là kỳ thi được tổ chức tốt nhất trong những năm gần đây. Dựa vào đâu để đánh giá như vậy?”.

Bộ trưởng: “Về mặt tổ chức có phức tạp hơn nhưng chúng ta đã làm chủ được công đoạn này”. Bộ trưởng khẳng định: “Trên tất cả các tiêu chí thì việc tổ chức thi năm nay là tốt nhất trong các năm”, và chứng minh: Số học sinh vi phạm giảm, năm 2008 có 882 học sinh, năm 2009 có 299 học sinh; năm 2007 có 32 giám thị vi phạm, năm 2008 có 15 trường vi phạm, năm 2009 chỉ có 3 giám thị vi phạm.

ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) tha thiết: “Mong Bộ trưởng xem xét lại để giảm áp lực trong thi cử”. Bộ trưởng giải thích: “Nếu duy trì hai kỳ thi, mỗi kỳ thi cách nhau một tháng, mỗi kỳ thi có hơn 1 triệu em thì áp lực vô cùng lớn. Còn duy trì thi ĐH thì các lò luyện thi tiếp tục phát triển”. Trước thông tin, có học sinh phải đi 200 km để đến điểm thi, Bộ trưởng phủ nhận: “Không có học sinh nào phải đi 200 km để đi thi cả”.

Cùng chung với nỗi lo của ĐB Phạm Thị Loan (Hà Nội) về giáo trình, chương trình đào tạo quá nặng mang tính nhồi nhét, học không đi đôi với hành, ĐB Phạm Phương Thảo (TP.HCM) bày tỏ: “Phải có lộ trình để khắc phục cái cặp nặng của học sinh chứ để đến năm 2015 thì hơi muộn”. Bộ trưởng hứa: “Năm 2010 sẽ có báo cụ thể cử tri cả nước về việc này”.

Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Trần Hoàng Thám đứng dậy, “đòi nợ” Bộ trưởng về nội dung câu hỏi “Bộ trưởng có biện pháp gì để nâng cao hiệu quả việc quản lý các cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài ?” mà ĐB này đã đặt ra tại kỳ họp trước. ĐB Thám muốn biết, đến nay đề nghị của ĐB đã được Bộ trưởng giải quyết đến đâu? Bộ trưởng cho biết, tháng 12.2008, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ trì kiểm tra toàn bộ các dự án đào tạo có yếu tố nước ngoài.

Bộ trưởng nhận xét: “Đa số các trường đều thực hiện cam kết trong hoạt động và góp phần tạo nên chất lượng cao cho chúng ta, tuy nhiên cũng có những trường vừa đăng ký xin tuyển sinh nhưng vừa tổ chức tuyển sinh. Việc giám sát tài chính đối với những trường này là chưa tốt”. Để quản lý tốt các trường có yếu tố nước ngoài, Bộ GD-ĐT đang hoàn thành dự thảo Nghị định về việc quản lý lĩnh vực này, cuối tháng 6 đầu tháng 7 sẽ trình Chính phủ.

Dù không muốn nhắc đến nhưng quá lo lắng trước vụ việc cơ quan chức năng vừa bắt 6 giáo sư và phó giáo sư vì tội đánh bạc, ĐB Trần Hoàng Thám đặt câu hỏi: “Bộ trưởng có giải pháp gì để ngăn chặn hiện tượng này”. Bộ trưởng: “Đây là đau xót cho ngành, chúng tôi sẽ kiểm tra lại để khắc phục”.

Trước thực trạng có nhiều học sinh phải bỏ học, ĐB Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) lên tiếng: “Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục được thông qua, tình trạng học sinh bỏ học có giảm?”. Bộ trưởng cam kết: “Đề án này sẽ làm giảm số người bỏ học”.

Xuân Toàn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.