Những điểm đến trong chuyến đi vận động lần này của bà Lagarde lần lượt là Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc cùng một số nước Trung Đông và châu Phi. Từ đó, có thể dễ dàng nhận thấy mục tiêu của nữ bộ trưởng này là thuyết phục các nền kinh tế đang phát triển và đang trỗi dậy. Sau khi ông Dominique Strauss-Kahn từ chức vì nghi án xâm phạm tình dục, bà Lagarde, 55 tuổi, trở thành ứng viên sáng giá nhất để tiếp nhiệm vị trí Tổng giám đốc IMF. Bà chắc chắn giành được sự ủng hộ của EU, Mỹ, Nhật, và gần đây Thủ tướng Nga Vladimir Putin cũng tỏ ý ủng hộ nữ Bộ trưởng Pháp, theo tờ Le Monde.
|
Việc nhiều nước quan tâm ai sẽ là tổng giám đốc mới của IMF là do tổ chức này đang ngày càng nâng cao vị thế. Tờ Marianne 2 dẫn lời Giám đốc Hợp tác kỹ thuật của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là Hakim Ben Hammouda phân tích: “Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008 đã làm tăng tầm ảnh hưởng của IMF và đưa tổ chức này giữ vai trò trọng yếu trong việc giải cứu các hệ thống tài chính có nguy cơ sụp đổ”. Các thỏa thuận giải cứu Hy Lạp, Ireland và Bồ Đào Nha khỏi nguy cơ vỡ nợ đều có sự tham gia mang tính quyết định của IMF. |
Brazil là điểm đến quan trọng đầu tiên để Bộ trưởng Lagarde thể hiện quyết tâm “không chỉ là Tổng giám đốc IMF của riêng châu u”. Tại thủ đô Brasilia hôm 30.5, bà khẳng định một trong những trọng tâm sắp tới của IMF là tiếp tục cải cách bộ máy lãnh đạo để tăng cường tầm ảnh hưởng cho các nền kinh tế mới nổi. Quá trình này đã được bắt đầu dưới thời ông Strauss-Kahn nhưng vẫn bị đánh giá là chưa đủ. Theo Le Monde, 79,5% số vốn cho vay của IMF vào tháng 4.2011 là cho các nước châu u. Cũng trong ngày 30.5, Bộ trưởng Kinh tế Brazil Guido Mantega tuyên bố nước này sẽ bỏ phiếu chọn người theo năng lực chứ không theo quốc tịch của các ứng viên.
Nếu “xoa dịu” được các nền kinh tế đang phát triển và mới nổi qua chuyến công du lần này, cản trở duy nhất của bà Christine Lagarde sẽ nằm ở… quê nhà. Hôm 30.5, doanh nhân Jean-Marie Kuhn cáo buộc bà Lagarde lạm quyền trong vụ Tập đoàn năng lượng GDF Suez bán 25% cổ phần của một công ty con. Ngoài ra, nữ bộ trưởng này cũng đang bị điều tra do dính líu vào một vụ bê bối liên quan đến Tập đoàn Adidas hồi năm 1993.
Lan Chi
Bình luận (0)