Bộ trưởng Tài chính bị "truy" chuyện nợ công

10/06/2010 16:23 GMT+7

(TNO) Phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh sáng nay (10.6) nóng lên bởi các câu hỏi về nợ công và phương án trả nợ, chuyện thu nhập của lãnh đạo SCIC cao ngất ngưởng; trách nhiệm buông lỏng quản lý giá, đặc biệt là giá thuốc…

Thu nhập cao chứ không phải lương cao!

Đại biểu (ĐB) Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) là người khai cuộc phiên chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh bằng vấn đề “nóng” mà thời gian qua dư luận đặc biệt quan tâm: Tôi được biết Bộ trưởng hiện nay đang kiêm nhiệm chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty SCIC, tôi xin hỏi điều đó có đúng không. Trên thế giới này và ngay ở VN ta có Bộ trưởng nào đồng thời kiêm chức chủ tịch hội đồng quản trị của một công ty, kể cả công ty tư nhân không? Trong kết luận của kiểm toán có nói đến trách nhiệm của Bộ Tài chính, vậy thì Bộ Tài chính có trách nhiệm không?

“Đúng là tôi đang kiêm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị của Tổng công ty đầu tư kinh doanh vốn nhà nước (SCIC). Đây là nhiệm vụ Thủ tướng Chính phủ phân công”, Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận. 

Bộ trưởng Tài chính cũng phân trần về các khoản thu nhập với tư cách lãnh đạo SCIC từ 4 khoản khác ngoài lương, như tiền khoán điện thoại 1,3 triệu đồng/tháng, tiền đồng phục 83.000 đồng/tháng, tiền ăn trưa là 450.000 đồng/tháng cũng cộng vào đây, khoản tiền thưởng bình quân 1.050.000 đồng/người/tháng; rồi tiền làm thêm giờ là 4,7 triệu đồng (khoản này làm thêm giờ mới có, không làm thêm giờ thì không có). Bộ trưởng khẳng định, tiền lương và thu nhập của SCIC được thực hiện theo các quy định của pháp luật... 

Câu trả lời của Bộ trưởng không làm thỏa mãn ĐB Nguyễn Minh Thuyết nên ông “truy” tiếp: Vấn đề tôi đặt ra không phải chỉ nhằm vào một Tổng công ty là SCIC mà vấn đề rộng hơn là các Tập đoàn của Nhà nước, lương ở đó như thế nào? quản lý thế nào?

“Chúng tôi không phải là cơ quan duyệt lương cho các tổng công ty và các tập đoàn. Chúng tôi có tham gia với các bộ để phát biểu về các chỉ tiêu, ví dụ chỉ tiêu về kế hoạch của doanh thu, chỉ tiêu về lợi nhuận, chỉ tiêu về nộp ngân sách để làm căn cứ xây dựng tiền lương… Trên cơ sở đó và căn cứ này Thủ tướng Chính phủ đã giao cho Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì cùng với các bộ xem xét tính hợp pháp và tính hợp lý của việc xử lý tiền lương này, sau khi xem xét thấy rằng duyệt lương có căn cứ theo quy định của Nhà nước và không phải riêng Tổng công ty SCIC được hưởng như vậy, mà các tổng công ty khác cũng thực hiện trên nguyên tắc như vậy”, Bộ trưởng Tài chính thanh minh. 

“Tôi đồng tình quan điểm các doanh nghiệp Nhà nước, kể cả SCIC vấn đề thu nhập nếu làm ra lợi nhuận thật sự cho đất nước và hưởng thu nhập tương xứng chúng tôi đồng tình. Nhưng ở SCIC người ta thắc mắc thu nhập gọi là lợi nhuận vì SCIC là đơn vị mới ra, một chủ đầu tư như vậy thì phần nào là lợi nhuận do anh đầu tư tài chính, tức là anh là chủ đầu tư mang lại, phần lợi nhuận nào mang tính chất là những doanh nghiệp người ta mới giao cho anh để anh ngồi anh chia cổ tức, chứ anh chưa làm gì cả. Đề nghị nói rõ hơn cơ cấu vừa rồi lợi nhuận nào do anh tạo ra?”, ĐB Trần Du Lịch hỏi tiếp.

Theo giải trình của Bộ trưởng Tài chính, hiện nay SCIC có 2 khoản không “được sờ mó một đồng nào ở đây cả”, đó là cổ tức từ doanh nghiệp bàn giao về cho SCIC và vốn mà SCIC đang giữ hộ Nhà nước là quỹ từ cổ phần hóa doanh nghiệp, bán doanh nghiệp ở các nơi nộp về. Còn khoản thứ 3 là khoản kinh doanh bằng vốn của SCIC, vốn điều lệ mà Chính phủ giao cho SCIC, hiện nay SCIC đang đầu tư vào một số doanh nghiệp, đầu tư vào một số nơi. Thậm chí các doanh nghiệp hiện hành cũng có những doanh nghiệp đầu tư vào, hoặc cơ cấu lại nó, giải quyết khó khăn cho nó, nó phát sinh ra lãi thì cái đó được hạch toán là lãi của SCIC. 

Chúng tôi không giấu nợ

Lo lắng về khoản nợ quốc gia, ĐB Phạm Xuân Thường (Thái Bình) chất vấn: Các chuyên gia kinh tế cho rằng, nợ công của VN hiện rất cao và chúng ta chưa tính đủ, trong đó có nợ của các doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp được Nhà nước bảo lãnh nên không xác định chính xác được số nợ công hiện nay là bao nhiêu, vì vậy mà không biết được ngưỡng nguy hiểm của nền tài chính quốc gia ở mức độ nào. Đề nghị Bộ trưởng cho biết vấn đề này cụ thể như thế nào? 

Vấn đề nợ công cũng chính là mối quan tâm của ĐB Ngô Văn Minh (Quảng Nam). ĐB này hỏi Bộ trưởng Tài chính: “Đề nghị Bộ trưởng cho biết thêm con số thực về nợ công này, quan trọng hơn là nợ công không chỉ là con số mà cần phải làm rõ vấn đề quản lý sử dụng như thế nào? Vừa qua sử dụng nợ này thành công cũng nhiều mà kém hiệu quả thì cũng không ít. Cách trả nợ ra sao để chúng ta tăng hiệu quả vay nợ đầu tư phát triển, giảm nhẹ gánh nợ của nhân dân, của đất nước và đừng để nhân dân quá lo lắng việc vay thêm để đầu tư đường sắt cao tốc như chúng ta đang bàn hiện nay?”.

Theo Bộ trưởng Vũ Văn Ninh: Chúng tôi khẳng định việc chúng tôi đưa ra con số nợ công, chúng tôi nói khái niệm nợ quốc gia, nợ Chính phủ là hoàn toàn chính xác, đã bao gồm cả nợ của doanh nghiệp Nhà nước tự vay, tự trả, đã bao gồm nợ bảo lãnh của Chính phủ cho các doanh nghiệp, hôm trước chúng tôi đã báo cáo, chúng tôi xin báo cáo lại như sau: Nợ Chính phủ hiện nay là 41,9% GDP, trong đó nợ nước ngoài chiếm 58,8%. Trong nợ nước ngoài này thì 86,5% là vay dài hạn, vay dài hạn là vay ODA, vay của Ngân hàng Thế giới, của Quỹ Tiền tệ quốc tế, vay của Ngân hàng Phát triển châu Á, vay của Nhật Bản.

“Tôi - với tư cách là Bộ trưởng Bộ Tài chính, chúng tôi không giấu chuyện này bởi vì sau này nếu vỡ nợ tôi là người phải chịu trách nhiệm đầu tiên, cho nên phải báo cáo đầy đủ”, Bộ trưởng quả quyết.

Trước giả thiết nếu vay thêm để làm đường sắt cao tốc, Bộ trưởng Ninh cho biết, vì thời gian vay khá dài nên bình quân mỗi một năm chúng ta tăng khoản vay nếu có dự án đầu tư đường cao tốc vào từ 1,6 đến 2 tỉ USD. Cộng với việc tiếp tục phát hành trái phiếu Chính phủ, vay ODA… để thực hiện những dự án mà Quốc hội đã quyết định, ví dụ: giao thông, thủy lợi, bệnh viện, trường học thì dư nợ tăng thêm khoảng 3%. Còn nếu chúng ta bảo thôi, dừng lại các dự án, không vay nữa, không đầu tư nữa, không phát hành trái phiếu nữa thì dư nợ lại xuống ngay. 

Chưa thỏa đáng với giải trình của Bộ trưởng về nợ công, ĐB Ngô Văn Minh đề nghị Bộ trưởng Tài chính có văn bản trả lời kỹ hơn về chuyện nợ công, giải pháp trả nợ để đỡ mất thời gian chất vấn của nhiều ĐB khác.

Nguyệt Minh

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.