Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường: Không để giới đầu cơ hưởng lợi đất ‘đặc khu’

Anh Vũ
Anh Vũ
04/06/2018 16:58 GMT+7

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà khẳng định không để giới đầu cơ hưởng lợi từ đất "đặc khu" khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội chiều nay, 4.6.

Phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà “nóng” với câu chuyện về ô nhiễm môi trường, quản lý, sử dụng, khiếu kiện đất đai… Đặc biệt là vấn đề quản lý đất đai tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc, 3 địa bàn dự kiến sẽ thành lập đặc khu.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) cho rằng, việc quản lý đất đai luôn luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm và khó khăn, đòi hỏi phải có chiến lược, tầm nhìn, trách nhiệm. “Đất tại Vân Đồn, Vân Phong, Phú Quốc vừa qua hết sức sôi động, phức tạp, khiến người dân bức xúc sau khi có tin được thành lập được khu. Bộ trưởng có biết chuyện đó không, giải pháp xử lý như thế nào để người dân có thể yên tâm?”, đại biểu Trí chất vấn.

Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, tình trạng “sốt” đất tại các đặc khu sắp hình thành là xu hướng chung của tất cả các quốc gia. Theo quy luật, khi có đầu tư hạ tầng, giao thông, công trình tại đặc khu trong tương lai, nhà đầu tư sẽ đổ về. Dù có những biện pháp để quản lý tại các địa phương, bộ, ngành nhưng người dân và các nhà đầu tư vẫn tiến hành các giao dịch ngầm, uỷ quyền cho người mua…

Tại các “đặc khu tương lai” Vân Đồn, Phú Quốc…, theo Bộ trưởng Hà, chính quyền đang dừng các giao dịch chuyển nhượng mục đích sử dụng đất. Một số địa phương ban hành các chỉ thị để quản lý, siết chặt. Tuy nhiên, để quản lý chặt chẽ hơn, ông Hà kiến nghị Quốc hội cần có nghị quyết có tính đặc thù làm hành lang pháp lý. Xa hơn, cần phải sửa luật Đất đai để chấn chỉnh tình trạng sốt đất, giao dịch ngầm… “Thời gian vừa qua, sai phạm chủ yếu việc chuyển đổi đất rừng, đất nông nghiệp trái phép, hoạt động giao dịch ngầm. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý, kiểm soát còn tỏ ra yếu kém, chưa kịp thời xử lý các diễn biến về đất đai”, ông Hà nêu thực trạng.

Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường cũng đề nghị, tới đây các địa phương phải rà soát lại toàn bộ thực trạng đất đai, quy hoạch và đền bù cho dân như thế nào để đảm bảo sự công bằng. “Khâu tiến hành thanh tra, kiểm tra cần phải làm để xem lại hồ sơ, thực trạng đất đai. Khi đền bù thì đảm bảo cho người dân đã khai hoang được hưởng quyền lợi xứng đáng, không để đầu giới có cơ hội”, ông Hà khẳng định.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.