Bộ Xây dựng trái luật khi cho phép thành lập Ban Quản trị Hapulico không cần họp

Thái Sơn
Thái Sơn
20/10/2018 17:07 GMT+7

Việc thành lập Ban Quản trị chung cư Hapulico (Hà Nội) từng được coi là một điển hình cho sự vận dụng sáng tạo với sự cho phép của Bộ Xây dựng, song ý kiến từ Bộ Tư pháp cho thấy cách làm này là không hợp pháp.

Trong vòng 2 tháng trở lại đây, chung cư cao cấp Hapulico (phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) trở thành điểm nóng về tranh chấp giữa cư dân và Ban Quản trị tòa nhà bởi hàng loạt bất đồng trong quản lý, điều hành khu chung cư.
Một trong những vấn đề nổi cộm tại đây là việc thành lập Ban Quản trị thông qua lấy ý kiến bằng văn bản, thay vì tổ chức cuộc họp theo quy định của luật Nhà ở và các văn bản hướng dẫn.
Làm việc với Thanh Niên, ông Ngô Quốc Doanh, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần đầu tư bất động sản Hapulico (Công ty Hapulico), cho rằng Ban Quản trị chung cư Hapulico được thành lập một cách hợp pháp, đúng trình tự, quy định của pháp luật, đã được các cơ quan quản lý Nhà nước cho phép, hướng dẫn và công nhận.
Cụ thể, ông Doanh cho biết dự án Khu trung tâm thương mại, văn phòng và nhà ở cao cấp Hapuilco do Công ty Hapulico làm chủ đầu tư, có 8 tòa nhà (trong đó có 1 tòa văn phòng và 7 tòa chung cư) với 802 căn hộ.
Thực hiện theo quy chế quản lý, sử dụng chung cư, cuối 2016, Công ty Hapulico đã tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu cử Ban Quản trị chung cư và quyết định các vấn đề quan trong liên quan đến việc quản lý, sử dụng nhà chung cư. Do số lượng các chủ sở hữu căn hộ tham dự chỉ chiếm 14,5% tổng số 802 căn hộ, nên ngày 16.1.2017, Công ty Hapulico có văn bản số 12 gửi Bộ Xây dựng “xin ý kiến về hình thức thông qua quyết định của hội nghị nhà chung cư”.
Trong văn bản này cho rằng: “Việc triệu tập các chủ sở hữu căn hộ để tiến hành họp hội nghị nhà chung cư sẽ không có khả năng thành công nếu chỉ do nguyên nhân số lượng đại diện chủ sở hữu căn hộ tới dự không được 50%, và như vậy sẽ gây ra nhiều phức tạp, mất ổn định cho cả khu vực”.
Từ đó, Công ty Hapulico đề nghị Bộ Xây dựng chấp thuận thay việc tổ chức họp thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư từ hình thức biểu quyết trực tiếp tại các cuộc họp, bằng việc lấy kiến các chủ sở hữu căn hộ bằng văn bản để thông qua các quyết định của hội nghị nhà chung cư.
Ngày 8.2.2017, Bộ Xây dựng có Công văn số 26/BXD-QLN, do Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản Vũ Trọng Ninh ký, cho rằng đề xuất của Công ty Hapulico là “phù hợp” theo quy định pháp luật. Từ đó, Ban Quản trị chung cư Hapulico được thành lập theo hình thức “lấy phiếu ý kiến chủ sở hữu căn hộ” và được UBND quận Thanh Xuân ban hành quyết định công nhận vào ngày 17.7.2017, với 18 thành viên, nhiệm kỳ hoạt động 3 năm. Trưởng Ban Quản trị là ông Hoàng Tuấn Việt, nhân viên Công ty Hapulico.
Tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban quản trị là yêu cầu bắt buộc
Ngày 19.10, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật có văn bản trả lời đơn của công dân Hapulico, cho biết, theo quy định tại khoản 2, điều 102, luật Nhà ở, thì hội nghị nhà chung cư được tổ chức họp để quyết định đề cử, bầu, bãi miễn các thành viên Ban Quản trị nhà chung cư; thông qua, bổ sung, sửa đổi Bản Nội quy quản lý sử dụng nhà chung cư…
Tại khoản 3, điều 12 về Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư, ban hành kèm Thông tư số 02/2016 do Bộ Xây dựng ban hành ngày 15.2.2016 cũng nêu rõ điều kiện về số lượng người tham dự cuộc họp tối thiếu là 75% khi triệu tập nghị lần đầu và 50% khi triệu tập lần 2. Nếu không đủ số lượng người thì UBND phường nơi có nhà chung cư tổ chức hội nghị lần đầu.
Từ các quy định nêu trên, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật cho rằng, việc tổ chức hội nghị nhà chung cư để bầu Ban Quản trị là yêu cầu bắt buộc.
Mặt khác, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định Văn bản số 26/BXD-QLN của Bộ Xây dựng là văn bản hành chính cá biệt, không phải là văn bản quy phạm pháp luật hoặc có chứa quy phạm pháp luật.
Theo tìm hiểu của Thanh Niên, tại thời điểm được công nhận, mô hình thành lập Ban Quản trị Hapulico được coi là một thành công với cách làm được coi là “sáng kiến”. Nhưng thực tế, chỉ sau hơn 1 năm đã bộc lộ nhiều hệ lụy, hàng loạt tranh chấp căng thẳng giữa cư dân và Ban Quản trị đã diễn ra. Cư dân cho rằng Ban Quản trị là người của chủ đầu tư nên không quan tâm đến giải quyết quyền lợi chính đáng của dân, các vấn đề thu chi quỹ bảo trì không minh bạch…
Đáng chú ý, từ hướng dẫn và cho phép của Bộ Xây dựng, Quy chế hoạt động chung cư Hapulico lại tiếp tục cho phép quyết định nhiều vấn đề liên quan đến quản lý sử dụng khu chưng cư không cần phải họp, mà bằng cách lấy ý kiến cư dân. Đây cũng là nguyên nhân đã và đang dẫn đến những bất đồng của cư dân Hapulico hiện nay.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.