Bộ Y tế điều thêm 'tướng' vào miền Trung, hỗ trợ điều trị bệnh nhân nặng

13/08/2020 17:10 GMT+7

Những giáo sư đầu ngành được Bộ Y tế tiếp tục cử vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng tăng cường năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19 , đặc biệt là bệnh nhân nặng.

Trưa 13.8, Bộ Y tế quyết định cử thêm GS-TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn, điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng; GS-TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch Hội đồng chuyên môn, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư; PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội vào miền Trung phối hợp với “Bộ chỉ huy tiền phương” của Bộ Y tế tại Đà Nẵng cùng các chuyên gia đã có mặt tại khu vực này, tiếp tục nâng cao năng lực điều trị bệnh nhân Covid-19, đặc biệt là bệnh nhân nặng.
GS-TS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Bộ Y tế, cho biết, đến nay Bộ Y tế đã cử đội ngũ chuyên gia đầu ngành, tinh nhuệ nhiều lĩnh vực như hồi sức, truyền nhiễm, cấp cứu, thận nhân tạo, xét nghiệm, dịch tễ, tim mạch, ung bướu... của các bệnh viện và viện lớn như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh, Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư... lên đến hàng trăm người vào hỗ trợ Bệnh viện T.Ư Huế cơ sở 2, Bệnh viện Đa khoa T.Ư Quảng Nam, Bệnh viện Đà Nẵng, Trung tâm y tế Hoà Vang, Bệnh viện Phổi Đà Nẵng và một số cơ sở y tế khác của Đà Nẵng... về điều trị, xét nghiệm, cách ly, khoanh vùng, dập dịch...

12 bệnh nhân Covid-19 ở Đà Nẵng, Quảng Nam được công bố khỏi bệnh

Các chuyên gia giỏi nhất đã vào miền Trung

Chia sẻ với báo chí trước khi rời Bệnh viện Đại học Y nhận nhiệm vụ lúc 15 giờ chiều 13.8, PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu cho biết, những ca tử vong mới trong tuần qua đã làm rất nhiều người lo lắng, đặt dấu hỏi liệu có phải con virus này khác, độc lực mạnh hơn đợt đầu, hay chiến lược, phác đồ điều trị của chúng ta không tốt bằng trước đây. Ngay cả trong ngành y những người không trực tiếp điều trị các ca bệnh nặng cũng đang hoang mang không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

PGS-TS Nguyễn Lân Hiếu tại buổi làm việc chiều nay, trước khi vào Huế

Ảnh Gia Hân

Theo ông Hiếu, đợt dịch lần này đánh đúng vào Bệnh viện Đà Nẵng và lại vào khoa bệnh nhân rất nặng khiến "giọt nước làm tràn ly".
“Theo diễn biến thời điểm này cũng là đỉnh điểm tấn công của virus vào tất cả các hệ thống, từ phổi, thận, tim đến tủy xương. Chính vì vậy những ca tử vong liên tiếp mấy ngày qua không phải là một sự trùng hợp tình cờ”, ông Hiếu phân tích.
Theo Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, hệ thống y tế của chúng ta vẫn đang trụ vững, các nhân viên y tế vẫn tuân thủ những khuyến cáo của WHO cũng như hướng dẫn nghiêm ngặt của Bộ Y tế.
“Họ vẫn ngày đêm lăn xả để giữ lại những ngọn nến leo lắt đang trực tắt với phương châm "còn nước còn tát". Bộ Y tế cũng đã điều hết các chuyên gia giỏi nhất của mình vào miền Trung. Chiều nay, 2 "đại tướng", trong đó có Trưởng tiểu ban chuyên môn Nguyễn Gia Bình sẽ được tung nốt vào tâm dịch”, ông Hiếu thông tin.
“Chúng ta đã làm tất cả để giảm thiểu tổn thất về người, nhưng y học là đại dương bao la, chính vì vậy rất cần tìm hiểu thêm về con virus quái quỷ này cũng như rút ra các kinh nghiệm cho cuộc chiến còn dài kỳ này”, ông Hiếu nhấn mạnh và khẳng định chúng ta sẽ chiến thắng không phải bằng khẩu hiệu mà bằng y học khoa học và sự đồng lòng của cả nước.

Xót xa em bé 8 tháng tuổi mắc Covid-19 ra viện không thể gặp mẹ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.