Bộ Y tế gửi công văn mật cho tòa trước phiên phúc thẩm vụ Hoàng Công Lương

12/06/2019 11:10 GMT+7

Bị cáo Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác xuất hiện khá sớm tại phiên tòa phúc thẩm vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình hồi tháng 5.

Ngày 12.6, Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình mở phiên tòa phúc thẩm xét đơn kháng cáo của Hoàng Công Lương (nguyên bác sĩ Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, nay là viên chức phòng Công nghệ thông tin của bệnh viện) và 4 bị cáo khác trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Bốn bị cáo khác gồm: Trần Văn Thắng, nguyên Trưởng phòng Vật tư - Thiết bị y tế; Đỗ Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn; Hoàng Đình Khiếu, Phó giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình, và Trương Quý Dương, nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình.
Theo ghi nhận của phóng viên, các bị cáo và những người tham gia tố tụng khác đã đến tòa từ rất sớm. Chú ruột của Hoàng Công Lương là ông Hoàng Công Tình (Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) cũng đã có mặt tại tòa trong vai trò là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đúng 8 giờ, Tòa án nhân dân Tỉnh Hòa Bình bắt đầu khai mạc phiên tòa. Hội đồng xét xử phúc thẩm gồm 3 thẩm phán, do ông Nguyễn Văn Vận, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình, làm chủ tọa phiên tòa. Giữ quyền công tố tại phiên tòa là hai kiểm sát viên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Theo báo cáo của thư ký trong phần thủ tục, bị cáo Hoàng Công Lương cung cấp thêm một số tài liệu, chứng cứ là các tình tiết xin giảm nhẹ cho bị cáo.

Mời Bộ Y tế làm rõ nội dung công văn mật gửi tới tòa

Sau phần thủ tục ban đầu, luật sư Hoàng Văn Hướng, luật sư bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương đề nghị mời Bộ Y tế. Luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, luật sư bào chữa cho bị cáo Đỗ Anh Tuấn, cho rằng cần thiết triệu tập cơ quan điều tra để làm rõ con số 8 hay 9 người chết trong quá trình chạy thận (8 người tử vong ngay sau sự việc, 1 người tử vong vào tháng 2.2018 - phóng viên).
Chủ tọa Nguyễn Văn Vận cho biết, trước khi phiên tòa diễn ra, Bộ Y tế đã gửi công văn số 41, đóng dấu mật cho Tòa án nhân dân tỉnh Hòa Bình và các cơ quan khác. Do đó, cần thiết mời Bộ Y tế lên để làm rõ những nội dung Bộ Y tế đã nêu trong công văn số 41.
“Chúng tôi dự định sẽ mời Bộ Y tế vào ngày 13.6 vì hôm nay mới chỉ làm thủ tục. Để làm rõ công văn 41 của Bộ Y tế, chúng tôi có mời Viện Khoa học hình sự (Bộ Công an) lên để làm rõ tại sao Bộ Y tế lại có quan điểm như thế”, Chủ tọa Nguyễn Văn Vận nói.
Về công văn số 41, đây là công văn đóng dấu mật do Bộ Y tế gửi các cơ quan tố tụng xem xét, lưu ý, chứ không được xem là nội dung hồ sơ vụ án. “Nếu mời Bộ Y tế lên chúng tôi sẽ mời Bộ Y tế làm rõ tại tòa và các giám định viên cũng sẽ làm rõ. Còn về yêu cầu của luật sư Đinh Hương làm rõ 8 hay 9 người chết, nếu cần thiết chúng tôi sẽ triệu tập các điều tra viên để làm rõ”, ông Vận nói.
Trước đó, ngày 10.5, 3 ngày trước phiên tòa phúc thẩm (ngày 13.5), Bộ Y tế cũng đã có công văn số 2569 gửi tới Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hòa Bình.
Bộ Y tế cho rằng phạt bác sĩ Lương về tội vô ý làm chết người là chưa phù hợp, không đủ yếu tố cấu thành tội phạm. Trường hợp tòa phúc thẩm vẫn xác định tội danh này với bác sĩ Hoàng Công Lương thì sẽ là "tiền lệ vô cùng nguy hiểm, rất xấu" và tạo ra tâm lý bất an cho các nhân viên y tế trong nước.
Trước đó, phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của bị cáo Hoàng Công Lương và 4 bị cáo khác cũng như bị đơn dân sự và đại diện bị hại khai mạc ngày 13.5 đã bị hoãn và dời tới sáng nay do luật sư duy nhất bào chữa cho bị cáo Hoàng Công Lương vắng mặt và đề nghị hoãn phiên tòa.
Trước đó, chiều 30.1, trong phiên tòa sơ thẩm, Tòa án nhân dân thành phố Hòa Bình đã tuyên án đối với 7 bị cáo trong vụ án tai biến chạy thận khiến 9 người tử vong tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình ngày 29.5.2017.
Theo đó, bị cáo Hoàng Công Lương bị tuyên phạt 42 tháng tù vì tội vô ý làm chết người. Cùng tội danh vô ý làm chết người, bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị tuyên phạt 54 tháng tù.
Các bị cáo Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện) và Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty cổ phần dược phẩm Thiên Sơn) cùng bị tuyên phạt 30 tháng tù, Hoàng Đình Khiếu (nguyên Phó giám đốc bệnh viện) và Trần Văn Thắng (nguyên Trưởng phòng vật tư) cùng bị tuyên 36 tháng tù và Trần Văn Sơn (nhân viên Phòng Vật tư thiết bị y tế Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình) lĩnh án 42 tháng tù, cùng về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Sau đó, 5 trong số 7 bị cáo đã gửi đơn kháng cáo, bao gồm: Hoàng Đình Khiếu, Trương Quý Dương, Trần Văn Thắng, Hoàng Công Lương, Đỗ Anh Tuấn. Riêng 2 bị cáo Bùi Mạnh Quốc và Trần Văn Sơn không kháng cáo.
Trước phiên tòa phúc thẩm khai mạc ngày 13.5, bị cáo Hoàng Công Lương đã có đơn từ chối 9 luật sư bào chữa cho mình. Tại phiên phúc thẩm, Hoàng Công Lương chỉ có duy nhất một luật sư bào chữa thay vì 10 luật sư bào chữa như tại phiên tòa sơ thẩm. Luật sư Hoàng Văn Hướng cũng là người lần đầu tiên tham dự phiên tòa.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.