B.Obama hay H.Clinton ?

07/03/2008 00:59 GMT+7

Nước Mỹ vẫn đang tiếp tục chờ đảng Dân chủ chọn lựa người đại diện đảng này ra tranh cử tổng thống với ứng viên đảng Cộng hòa John McCain.

Bất ngờ là một trong những yếu tố hàng đầu khiến cuộc chạy đua vào Nhà Trắng lần này ở Mỹ cực kỳ hấp dẫn. Cách đây khoảng nửa năm, không ai tin Thượng nghị sĩ John McCain có thể được cử làm đại diện đảng Cộng hòa. Thế mà sau ngày 4.3, ông đã đạt đủ số phiếu đại biểu để trở thành ứng viên chính thức của đảng và Tổng thống George W.Bush ngày 5.3 đã mời ông vào Nhà Trắng dùng cơm để vinh danh ông.

Trong khi phe Cộng hòa đang thong dong bàn chuyện ông McCain sẽ chọn ai làm ứng viên Phó tổng thống thì cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton và Thượng nghị sĩ Barack Obama đang tranh chấp từng lá phiếu đại biểu. Cuộc đua hào hứng đang tiếp diễn bên phía đảng Dân chủ, khi cách đây 6 tháng, các thăm dò dư luận cũng như giới bình luận đều tin bà Clinton sẽ đại diện đảng Dân chủ và thậm chí sẽ thắng bất kỳ ứng viên Cộng hòa nào. Còn Thượng nghị sĩ da đen Obama lúc đó chỉ là một "bóng mờ" bên cạnh các tên tuổi lớn khác. Nay thì ứng viên Obama được xem là một hiện tượng nổi bật khi ông tượng trưng cho sự đổi mới và sức bật của tuổi trẻ. Trong mấy tuần qua, ông thắng liên tiếp 11 cuộc bầu cử sơ bộ. Đến ngày "thứ ba 4.3 quyết định", ngày bầu cử sơ bộ ở 4 bang Rhode Island, Vermont, Texas và Ohio, ông Obama giành chiến thắng thứ 12 ở Vermont, một bang nhỏ với chỉ 15 đại biểu ở vùng đông bắc Mỹ, nhưng lại "mất" 3 bang còn lại vào tay bà Clinton.

Theo Foxnews, tính đến ngày 5.3, ông Obama được 1.564 phiếu và bà Clinton được 1.463 phiếu đại biểu, tức còn cách xa số đại biểu cần thiết là 2.025 để được đảng Dân chủ tiến cử, trong khi từ nay đến tháng 6 phía đảng Dân chủ chỉ còn bầu sơ bộ ở 12 bang và lãnh thổ hải ngoại với tổng cộng 611 đại biểu nữa mà thôi.

Với bà Clinton, chiến thắng trên có tính quyết định vì nếu không, có thể bà phải bỏ cuộc theo như các thăm dò trước đó. Giới bình luận và ngay cả chồng bà, cựu Tổng thống Bill Clinton cũng cho rằng bà cần phải thắng lớn ở cả 2 bang Texas và Ohio hay ít nhất là 1 bang, hoặc tệ lắm là không được thua xa ở cả 2 bang này. Tuy nhiên, về mặt số học, chiến thắng đó chỉ có tính chất khích lệ để bà còn tinh thần đi tiếp chặng đường còn lại, vì sau ngày đại thắng 4.3, bà rút ngắn được cách biệt chưa tới 20 phiếu đại biểu.

Hiện bà Clinton còn thua ông Obama 101 phiếu đại biểu và tình trạng "chia phiếu" vẫn sẽ tiếp tục nên khó có ai có thể bứt xa đối thủ của mình. Trong số các bang còn lại thì Pennsylvania, bầu sơ bộ ngày 22.4, là quan trọng nhất vì chiếm đến 158 phiếu đại biểu. Bà Clinton có lợi thế là được Thống đốc bang này, ông Edward Rendell, và cả Thị trưởng Philadelphia Michael Nutter ủng hộ. Cơ cấu dân cư của Pennsylvania cũng tương tự Ohio, nơi bà Clinton vừa thắng áp đảo ông Obama. Theo thăm dò, bà Clinton cũng được hậu thuẫn ở Indiana, Guam, West Virginia, Montana và South Dakota. Ngược lại, ông Obama có lợi thế ở Wyoming, Mississippi, North Carolina và Oregon. Thế nên bà Clinton khó vượt ông Obama trừ phi đại hội đảng Dân chủ chấp thuận tính thêm số đại biểu của 2 bang Florida và Michigan, những nơi bà Clinton giành phần thắng nhưng số phiếu đại biểu không được tính vì 2 bang này vi phạm kỷ luật đảng. "Kết quả chung cuộc" vì thế có thể phải chờ đến đại hội đảng vào cuối tháng 8, căn cứ vào sự ủng hộ của 796 phiếu "siêu đại biểu". Đó là những nghị sĩ, dân biểu, thống đốc, lãnh đạo đảng... có quyền thay đổi ý kiến vào giờ chót. ABCNews hôm 5.3 cho biết gần nửa số "siêu" đại biểu đã có quyết định và bà Clinton tạm dẫn trước ông Obama với 213/143 phiếu.

Có 3 sự việc có thể lý giải sự "tạm thua" của ông Obama sau ngày 4.3:  Báo chí nhắc đến tên lót Hussein của ông Obama; "ai đó" đã tung tấm ảnh ông mặc đồ truyền thống của Kenya lên mạng như nhắc cử tri về "lý lịch" của ứng viên da đen này và việc ông Antoin Rezko, một nhà tài trợ cho ông Obama phải hầu tòa với tội danh rửa tiền và hối lộ khi đòi tiền "lại quả" lên đến bạc tỉ USD của các công ty muốn làm ăn ở Illinois, nơi ông Obama là đại diện bang tại Thượng viện Mỹ. Ông Obama thừa nhận Rezko là bạn và là người ủng hộ ông nhiều năm nay nhưng cho biết những cáo buộc đó chẳng dính đến mình. Liệu những thông tin về "nhân thân" của ông Obama có khiến cho những cử tri bảo thủ nghiêng về phía bà Clinton?

Lê Đình Bì (Viết từ Mỹ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.