Bốn thợ mỏ đã lên mặt đất an toàn

13/10/2010 07:25 GMT+7

(TNO) Đến 13 giờ 11 phút (giờ VN), đã có 4 thợ mỏ Chile được giải cứu lên mặt đất an toàn. Đó là các thợ mỏ Florencio Avalos, Mario Sepulveda, Juan Illanes và Carlos Mamani (quốc tịch Bolivia). Thanh Niên Online đang tường thuật trực tuyến cuộc giải cứu này.

* Sáng nay (giờ Việt Nam), cuộc giải cứu đưa 33 thợ mỏ mắc kẹt ở mỏ San Jose, bắc Chile, lên mặt đất chính thức bắt đầu.

Video clip giải cứu thợ mỏ Chile

Lồng cứu hộ "chạy" suôn sẻ

Diễn tiến vụ sập mỏ lịch sử
Ấn định thời điểm cứu thợ mỏ Chile
Thợ mỏ Chile mong ngóng "giờ G"
Thợ mỏ Chile sắp được cứu
Thợ mỏ Chile có thể được cứu vào cuối tuần này
Một ngày không như mọi ngày 
Ra mắt lồng giải cứu thợ mỏ Chile
Thợ mỏ Chile học cách giết thời gian
Thợ mỏ Chile được phép hút thuốc lá
Kế hoạch C cứu thợ mỏ Chile
Thợ mỏ Chile nhận bữa ăn nóng đầu tiên
Không thể rút ngắn thời gian cứu thợ mỏ Chile
Thợ mỏ Chile trò chuyện với người thân
Chile nghiên cứu kế hoạch B giải cứu thợ mỏ
Một số thợ mỏ Chile bị trầm cảm
Kế hoạch giải cứu các thợ mỏ Chile
Mất 4 tháng để cứu các thợ mỏ Chile

Lồng cứu hộ, với hình dáng như một tên lửa, đã vận hành thử thành công trong tối 12.10  ở Chile (sáng nay theo giờ Việt Nam), được đưa xuống khu mỏ và sau đó lên mặt đất. Cuộc cứu hộ thực sự dự kiến sẽ diễn ra trong chốc lát, hy vọng trước khi đồng hồ kịp chuyển qua ngày 13.10 giờ địa phương, theo như tuyên bố của chính quyền.

CNN đưa tin cuộc thử nghiệm tiếp theo sẽ đi kèm với trọng lượng: đặt vật nặng bên trong lồng tương tự như một thợ mỏ.

Cuối cùng, một chuyên gia cứu hộ sẽ được đưa xuống khu mỏ, bắt đầu thực sự cho một chiến dịch chưa từng có trong ngành công nghiệp khai thác mỏ lắm tai nạn, đưa từng người một lên mặt đất, nơi gia đình, người thân, quan chức chính phủ, nhà báo và có lẽ cả thế giới này đang đợi chờ họ (ít nhất là qua màn hình ti vi).

Chiến dịch giải cứu đã trễ hơn vài giờ so với dự kiến để kiểm tra kỹ càng lại các thiết bị.

Bắt đầu đưa người xuống mỏ

Vào lúc 9 giờ 40 sáng nay (giờ Việt Nam), nhân viên cứu hộ đầu tiên đã bước vào lồng cứu hộ để đi xuống khu mỏ, giúp đưa từng thợ mỏ lên mặt đất sau hơn 2 tháng.

Đó là Manuel Gonzalez, chuyên gia giải cứu trong các vụ tai nạn hầm mỏ, làm việc cho công ty đồng đỏ nhà nước Codelco.

Tổng thống Chile: Hãy mang các thợ mỏ lên mặt đất!

Đích thân Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera đã đến bắt tay Gonzalez, chúc ông may mắn với một thông điệp duy nhất: Hãy mang các thợ mỏ lên mặt đất!


Tổng thống Chile Sebastian Pinera (người mặc áo jacket màu đỏ bên phải) cùng gia đình các thợ mỏ bị nạn

Biết bao ánh mắt dõi theo ông, trong hồi hộp, trong chờ đợi đến ngẹt thở.

Đến 9 giờ 50, lồng cứu hộ bắt đầu “chạy” xuống lồng đất.

Lần đầu tiên, thợ mỏ gặp "người trên mặt đất"

Sau 69 ngày sống trong khu mỏ tăm tối, 33 thợ mỏ Chile lần đầu tiên được gặp "ngưòi ngoài hành tinh mỏ". Đó là chuyên gia cứu hộ Manuel Gonzalez.

Lồng cứu hộ chở theo ông đã xuống tới mỏ an toàn. Ông đã bước vào khu mỏ để gặp nhóm thợ lúc hơn 10 giờ sáng 13.10 (giờ VN).

Sau Manuel Gonzalez, chuyên gia y tế hải quân Chile, ông Roberto Ros cũng sẽ xuống mỏ, cũng bằng chiếc lồng có hình tên lửa. Hai ông sẽ phối hợp cùng nhau để đưa từng thợ mỏ lên. Toàn bộ quy trình này dự kiến mất chừng 36 phút.

Cầu nguyện trong nước mắt tuôn trào 

Trong lúc Gonzalez xuống mỏ, Tổng thống Chile, các bộ trưởng, người thân thợ mỏ và tất cả những ai có mặt lúc đó cùng hát vang bài quốc ca Chile. Rồi họ hô vang "Chi, Chi, Chi, Le, Le, Le" trong tiếng kèn giục giã.

"Chúng tôi đã hứa là sẽ không bao giờ đầu hàng, và chúng tôi đã  giữ lời hứa", Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera tuyên bố.

Gia đình của Florencio Avalos, người thợ mỏ dự kiến sẽ được đưa lên đầu tiên, có lẽ là hồi hộp nhất. Họ đang cầu nguyện trong nước mắt tuôn trào. Nước mắt của hy vọng, của hồi hộp, của niềm vui và của cả lo lắng.

Mất 17 phút để xuống mỏ

Chiếc lồng cứu hộ chở theo Manuel Gonzalez đã mất 17 phút để "chạy" xuống tới khu mỏ nơi nhóm 33 người bị mắc kẹt 69 ngày nay, ở độ sâu chừng 700 mét.

Điều đầu tiên mà các thợ mỏ hỏi ông xoay quanh một chủ đề duy nhất: tình hình lúc đi xuống ra sao. Mọi thứ đều suôn sẻ!

Nhiệm vụ của ông lúc này, ngoài chuyện động viên tinh thần thợ mỏ là báo cáo mọi chuyện lên mặt đất, nhất là các thông số kỹ thuật.

Trước đó, Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera tuyên bố trong cảm xúc dâng trào: "Tôi biết rằng tối nay nước mắt của hạnh phúc sẽ ngập tràn tất cả các ngôi nhà của Chile".


Người dân Chile nóng lòng chờ đợi

Hãng truyền thông BBC cũng dẫn lời Tổng thống nói: "Tôi chắc chắn các thợ mỏ sẽ không là những người thợ trước khi tai nạn xảy ra. Và người dân Chile cũng không còn là những con người cũ".

Hơn ai hết, ông biết rõ cả thế giới đang hướng về Chile trong suốt thời gian qua và trong những giờ phút quan trọng này. Danh tiếng của Chile sẽ thay đổi qua cuộc giải cứu lịch sử đang diễn ra.

Thợ mỏ đầu tiên đã lên mặt đất an toàn

Florencio Avalos, người thợ mỏ được cứu đầu tiên đã bước vào lồng cứu hộ để chuẩn bị lên mặt đất.

Florencio Avalos, 31 tuổi đeo mặt nạ cùng thắt lưng gắn các thiết bị ghi lại tình trạng cơ thể của anh.

Và Florencio Avalos đã lên đến mặt đất an toàn.

Nước mắt mừng vui

Lần đầu tiên trong 69 ngày, Florencio Avalos, đã gặp được con trai. Cậu bé òa khóc nức nở.

Avalos mỉm cười rạng rỡ trong sự chào đón của cả một rừng nhân viên cứu hộ, Pinera - vợ ông, hai con trai và người cha già.

Cậu con trai út Bairo khóc nức nở.

Cecilia Morel, đệ nhất phu nhân của Chile cũng... khóc.

Ngay sau đó, Florencio Avalos được đưa đến trung tâm y tế gần đó để kiểm tra tình trạng sức khỏe sau 69 ngày sống tăm tối dưới mặt đất trong điều kiện rất ẩm thấp.

Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera đã ôm chầm lấy Avalos trong xúc động và cả hãnh diện.

Giữa những tràng pháo tay

Florencio Avalos, người thợ mỏ đầu tiên lên mặt đất vào lúc 10 giờ 11 phút sáng nay (giờ VN) trông rất khỏe mạnh dù đeo cặp kính đen (để bảo vệ mắt sau một thời gian dài sống trong bóng tối). Tiếng vỗ tay, tiếng reo hò vang dội giữa những dòng nước mắt tuôn trào - nước mắt của hạnh phúc, hạnh phúc không thể tin.

Tất cả những ai có mặt tại khu mỏ đều không thể che giấu những cảm xúc quá đặc biệt đang xen lẫn vào nhau: tự hào, sung suớng, cảm động, choáng ngợp... Họ vỗ tay vang dội, hô vang "Chi....Le", có người bật khóc thật to, người khác cười giữa dòng nước mắt không thể ngăn.


Những người công nhân cứu hộ tập trung xung quanh chiếc lồng đưa Florencio Avalos lên trên mặt đất

 
Florencio Avalos, người thợ mỏ đầu tiên được giải cứu thành công

 

 
Florencio Avalos giữa sự chào đón của người thân và Tổng thống Chile Sebastian Pinera khi vừa được kéo lên trên mặt đất

 
Niềm hạnh phúc vỡ òa trên gương mặt những người thân và bạn bè của Florencio Avalos khi anh được cứu lên

 
Florencio Avalos (trái) ôm chặt người công nhân trong đội cứu hộ đã kéo mình lên khỏi mặt đất


Người thân của những người thợ mỏ và các phóng viên theo dõi quá trình giải cứu qua truyền hình trực tiếp


Alfonso Avalos (trái), cha của Florencio Avalos hồi hộp theo dõi diễn biến cuộc giải cứu con trai mình qua ti vi trực tiếp


Monica (áo xanh dương), vợ của Florencio Avalos ôm chằm lấy chồng trong niềm hạnh phúc khi anh được giải cứu

Sau chừng 20 phút gặp gỡ người thân, quan chức, Avalos ra xe cứu thương. Trông anh rất khỏe khoắn, mập mạp, dù đã sống dưới lòng đất 69 ngày. Anh tự đi lại mà khôgn cần trợ giúp.

Avalos có lẽ là người thợ mỏ e thẹn nhất, e thẹn đến độ anh xung phong làm người quay phim trong những ngày sống dưới mỏ để khỏi phải xuất hiện trong các đoạn phim gởi lên mặt đất. Và anh cũng là người can đảm nhất, đủ can đảm để "chạy" chuyến thử nghiệm đầu tiên trong nhóm để lên mặt đất.

Người thứ 2 lên mặt đất an toàn

Mario Sepulveda trở thành thợ mỏ thứ 2 được cứu, đã lên tới mặt đất trong tiếng reo hò vang dội của mọi người.

Sepulveda cũng đón nhận sự nồng nhiệt của đám đông đang mừng rỡ, la reo hò, đang khóc. Anh vung tay đấm vào không khí, tận hưởng những thời khắc đầu tiên trên mặt đất sau 69 ngày dưới mỏ.

Mặc dù đầy năng lượng, nhưng theo quy định, Sepulveda vẫn được đưa đi để kiểm tra sức khỏe.

Tặng "đá 700 mét" cho "người mặt đất"

Người thợ mỏ thứ 2 vừa trở về mặt đất đã có sẵn món "quà độc" cho "người mặt đất": những viên đá mà anh đã sống cùng suốt 69 ngày qua.

Sau những vòng tay xiết chặt với vợ, với tổng thống và với những người đã cứu mình, Mario Sepulveda Espina tặng họ thứ không mấy người có: những mảnh đất đá anh mang theo từ "nhà tù" nằm ở độ sâu 700 mét đã nhốt anh cùng 32 đồng nghiệp hơn 2 tháng qua. Món quà làm những người nhận cười vang.

Trông anh rất bình tĩnh, rất khỏe mạnh.

Thợ mỏ thứ 3 lên tới mặt đất

Juan Illanes, 51 tuổi, thợ mỏ thứ 3 đã bước ra khỏi lồng cứu hộ để đặt chân lên mặt đất vào lúc 12 giờ 8 phút trưa nay 13.10 (giờ VN). Ông là một cựu chiến binh.

Tên của ông được công bố trước giờ được cứu. Tuy nhiên, vợ của Juan Illanes, có mặt tại cửa khu mỏ, trong những giây phút chờ đợi căng thẳng nhất vẫn tỏ ra rất bình tĩnh. Bà vẫn nói chuyện, cười đùa với mọi người.

Đã có hai người được cứu an toàn. Bà có nhiều lý do để bình tĩnh và tin tưởng. Và cuối cùng, bà đã được ôm người chồng của mình, bằng xương bằng thịt.

Thợ mỏ Bolivia được tổng thống tặng đất

"Cảm ơn tất cả mọi người" là câu nói đầu tiên mà Carlos Mamani, thợ mỏ thứ 4 vừa đặt chân lên mặt đất (lúc 13 giờ 11 phút, giờ VN), thốt ra. Phản ứng tiếp theo của anh là một vòng tay không thể chặt hơn dành cho vợ - cô Veronica.

Không chỉ có người Chile mà cả nhân dân Bolivia cũng hồi hộp cực kỳ trong đợt giải cứu thứ 4 này, bởi Carlos Mamani là người duy nhất mang quốc tịch Bolivia trong nhóm 33 thợ mỏ gặp nạn. Còn lại đều là người Chile. 

 
 "Gia đình anh đang đợi anh" là dòng chữ trên chiếc lá cờ Bolivia mà vợ của Carlos Mamani cầm trong lúc chờ chồng -Ảnh: Reuters

Lá cờ Chile nổi rõ trên chiếc áo thun Mamani mặc. Anh hô vang "Chile, Chile" trong khi Tổng thống Chile cùng phu nhân mỉm cười vẫy lá cờ Bolivia trong tay.

Trước đó, đích thân Tổng thống Bolivia, ông Evo Morales đã hứa là sẽ cấp cho gia đình Mamani một mảnh đất ở thành phố Cochabamba, miền trung Colombia để họ bắt đầu cuộc sống mới. Được biết vợ chồng Mamani có một đứa con gái.

 


Người dân trên khắp đất nước Chile sung sướng mừng vui khi từng người thợ mỏ được cứu lên


Đông đảo phóng viên của các hãng thông tấn trên thế giới tập trung tại khu vực hầm mỏ


Mario Sepulveda (giữa) - người thợ mỏ thứ hai -được kéo lên mặt đất thành công 

 
Trông anh vẫn khỏe mạnh và phấn chấn tinh thần

Thợ mỏ đầu tiên và cuối cùng lên mặt đất 
  
Theo hãng tin AP, thợ mỏ đầu tiên được đưa lên mặt đất là Florencio Avalos, 31 tuổi.
 
Avalos quá e thẹn đến nỗi anh tình nguyện cầm giữ camera mà các nhân viên cứu hộ gởi xuống hầm để anh không phải xuất hiện trên các đoạn phim cùng các đồng nghiệp khác.

Như vậy, Avalos tạm thời để lại người em trai của mình, Renan, dưới hầm.

Avalos sẽ mang một dây đai sinh trắc học được dùng để đo nhịp tim, hơi thở, nhiệt độ và lượng khí ô-xy đã tiêu thụ.

Thợ mỏ cuối cùng được đưa ra khỏi hầm mỏ cũng đã được quyết định.

Đó là Luis Urzua.

Chính thợ mỏ Urzua đã đứng ra hướng dẫn, động viên một nhóm thợ mỏ bình tĩnh trải qua 17 ngày trong lòng đất trước khi nhận được thông tin liên lạc từ mặt đất.

BBC cho hay, 33 thợ mỏ bị mắc kẹt trong lòng đất có tuổi tác, kinh nghiệm khác nhau.

Tất cả đều là công dân Chile, ngoại trừ một thợ mỏ đến từ Bolivia.

Người lớn tuổi nhất là Mario Gomez, 63 tuổi. Thợ mỏ Gomez đã làm nghề khai thác mỏ này từ năm 12 tuổi và ông đang nghĩ đến việc sẽ về hưu vào tháng 11 tới.

Thợ mỏ trẻ tuổi nhất là Jimmy Sanchez, 19 tuổi và chỉ mới vào nghề thợ mỏ khoảng 5 tháng.

Các thợ mỏ này được chia làm 3 nhóm và mỗi nhóm đều có nhóm trưởng.

Trình tự các nhóm thợ mỏ được giải cứu

Nhóm đầu tiên gồm 10 người: Florencio Avalos, Mario Sepulveda, Juan Illanes, Carlos Mamani, Jimmy Sanchez, Osman Araya, Jose Ojeda, Claudio Yanez, Mario Gomez, Alex Vega.

Nhóm tiếp theo gồm 9 người: Jorge Galleguillos, Edison Pena, Carlos Barrios, Victor Zamora, Victor Segovia, Daniel Herrera, Omar Reygadas, Esteban Rojas, Pablo Rojas.

Nhóm còn lại gồm 14 người: Dario Segovia, Yonni Barrios, Samuel Avalos, Carlos Bugueno, Jose Henriquez, Renan Avalos, Claudio Acuna, Franklin Lobos, Richard Villarroel, Juan Aguilar, Raul Bustos, Pedro Cortez, Ariel Ticona, Luis Urzua.

(BBC dẫn nguồn tin từ thân nhân thợ mỏ)

Một số hình ảnh chuẩn bị cho đợt giải cứu thợ mỏ đầu tiên (Ảnh: Reuters):







Người dân Chile nóng lòng chờ đợi giây phút thợ mỏ đầu tiên được giải cứu sau hơn 2 tháng kẹt dưới hầm mỏ (Ảnh: Reuters):


Tổng thống Chile Sebastian Pinera (người mặc áo jacket màu đỏ bên phải) cùng gia đình các thợ mỏ bị nạn







Các thợ mỏ sẽ làm gì khi vừa lên mặt đất?

Nếu việc cứu hộ diễn ra suôn sẻ, 33 thợ mỏ Chile sẽ làm gì sau khi vừa được đưa lên mặt đất? Dưới đây là những thông tin cụ thể về những gì sẽ diễn ra sau khi các thợ mỏ được nhìn thấy ánh sáng mặt trời sau hơn hai tháng mắc kẹt trong lòng đất.

Quang cảnh toàn khu vực mỏ San Jose - Ảnh: Reuters

1. Chuẩn bị

Theo hãng tin BBC, lực lượng cứu hộ gồm có 10 nhân viên của Tập đoàn đồng quốc gia Chile, hai chuyên gia cứu hộ mỏ địa phương và ba chuyên viên y tế thuộc Hải quân Chile.

Các công đoạn cuối của chiến dịch cứu hộ vẫn đang tiếp diễn và lồng cứu hộ Phoenix sẽ được thử nghiệm nhiều lần trước khi chính thức được đưa vào công tác cứu hộ.

Đầu tiên, lồng Phoenix sẽ đi không xuống đường hầm mới được đào, sau đó sẽ chở theo một số vật nặng và cuối cùng là có người bên trong lồng.

Một chuyên gia y tế sẽ được đưa xuống để kiểm tra sức khỏe các thợ mỏ, đồng thời chia các thợ mỏ thành ba nhóm: nhóm một sẽ là những người khỏe mạnh và rành về kỹ thuật máy móc; nhóm hai là những người yếu nhất và nhóm còn lại những thợ mỏ khỏe mạnh nhất.

Chính các nhân viên cứu hộ muốn được đưa các thợ mỏ lên mặt đất theo trình tự như trên.

Lực lượng cứu hộ là những chuyên gia dày dặn kinh nghiệm trong công tác cứu hộ - Ảnh: AFP

2. Giải cứu

Các thợ mỏ sẽ được trang bị những bộ trang phục được may đo theo từng người và rất nhẹ, đồng thời có đặc tính chống thấm.

Mỗi thợ mỏ cũng được cấp một cặp kính mát để chống tia nắng mặt trời rọi vào mắt.

Những thợ mỏ này còn phải mang dây đai sinh trắc học để đo hiện trạng sức khỏe của họ khi được đưa lên mặt đất.

Mặt nạ nhỏ cung cấp khí ô-xy, tai nghe và micrô để liên lạc thường xuyên với các chuyên gia trên mặt đất là những vật dụng không thể thiếu của các thợ mỏ.

Theo bác sĩ, các thợ mỏ sẽ dễ lo sợ, bất an, mất bình tĩnh trong thời gian được giải cứu nên họ có thể trò chuyện thoải mái với lực lượng cứu hộ.

3. Khu vực tiếp nhận thợ mỏ

Sau khi được đưa lên mặt đất, các thợ mỏ sẽ được đưa đến khu vực chuyển tiếp.

Đây thực chất là một container nhỏ được đặt gần đường hầm mới được đào.

Tại khu vực chuyển tiếp này, bác sĩ sẽ kiểm tra sức khỏe từng thợ mỏ.

Trong trường hợp khẩn cấp, thợ mỏ sẽ được đưa đến bệnh viện gần nhất tại thành phố Copiapo. Ba trực thăng luôn túc trực tại khu vực này.

Từ khu vực chuyển tiếp, các thợ mỏ sẽ đi qua dãy hành lang dài 50m để đến bệnh viện dã chiến hoặc khu vực ổn định tinh thần.

Tại khu vực “trấn an tinh thần” này, họ sẽ có 2 phút gặp gỡ một hoặc hai thành viên trong gia đình.

4. Bệnh viện dã chiến

Các thợ mỏ sẽ trải qua khoảng 2 giờ đồng hồ tại bệnh viện dã chiến. Rắc rối sức khỏe phổ biến ở những người thợ mỏ này hiện là các bệnh về da.

Bác sĩ sẽ cấp vitamin D để thợ mỏ kịp thời bổ sung chất này. Do nhiều ngày ở trong lòng đất và không tiếp xúc được ánh nắng mặt trời, các thợ mỏ sẽ thiếu vitamin D trầm trọng.

Bác sĩ cũng sẽ tiến hành kiểm tra răng miệng của thợ mỏ. Nếu cần thiết, các thợ mỏ sẽ được bác sĩ tư vấn tâm lý.

Ít nhất 34 container đã được huy động để tạo thành khu vực chuyển tiếp, bệnh viện dã chiến và khu vực nghỉ ngơi để 33 thợ mỏ gặp gỡ người thân.

Người thân thợ mỏ không giấu được cảm giác hồi hộp xen lẫn lo lắng - Ảnh: AFP

5. Đoàn tụ gia đình

Sau khi trải qua một quá trình kiểm tra sức khỏe kỹ lưỡng, các thợ mỏ sẽ được đưa đến khu vực nghỉ ngơi gồm có bàn, ghế để họ gặp gỡ người thân.

Tuy nhiên, mỗi thợ mỏ chỉ được phép gặp gỡ với hai thành viên trong gia đình.

BBC dẫn lời chuyên gia tâm lý, bác sĩ James Thompson tại Đại học London (Anh) cho biết, các gia đình có thể yêu cầu hỗ trợ tư vấn tâm lý và nên hiểu rõ rằng, những ai bị biệt giam trong một thời gian dài thường có tâm lý thích gặp ít người hơn là nhiều người cùng một lúc.

6. Bệnh viện

Từ khu vực gia đình, các thợ mỏ sẽ được trực thăng đưa đến khu vực quân sự tại Copiapo, cách đó khoảng 40km.

Trực thăng luôn trong tư thế sẵn sàng ứng cứu - Ảnh: Getty Images

Khu vực quân sự này nằm gần bệnh viện trong vùng và tại bệnh viện, bác sĩ sẽ theo dõi tình trạng sức khỏe của các thợ mỏ trong ít nhất 48 giờ.

Nếu những anh chàng thợ mỏ dũng cảm này vẫn khỏe mạnh sau 48 giờ, họ sẽ được phép trở về đoàn tụ với gia đình. Trong trường hợp cần thiết, họ có thể yêu cầu sự hỗ trợ từ các chuyên gia tư vấn tâm lý.

Huỳnh Thiềm

Nhóm phóng viên TNO
Ảnh: Reuters - AFP

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.