Bóng đá “sạch” bắt đầu từ đâu?

19/09/2011 00:18 GMT+7

Có những lý do rất chính đáng để lãnh đạo một số đội bóng ở V-League bức xúc với VFF. Điều bức xúc lớn nhất, không chỉ của nhiều đội bóng, mà của tất cả người hâm mộ bóng đá VN, là làm sao bóng đá VN dù là ở giải V-League hay ở đội tuyển quốc gia, đội U.23 và ở các giải đấu hạng nhất, hạng nhì hay bóng đá trẻ phải là bóng đá “sạch”. Vậy bóng đá “sạch” bắt đầu từ đâu?

Có những lý do rất chính đáng để lãnh đạo một số đội bóng ở V-League bức xúc với VFF. Điều bức xúc lớn nhất, không chỉ của nhiều đội bóng, mà của tất cả người hâm mộ bóng đá VN, là làm sao bóng đá VN dù là ở giải V-League hay ở đội tuyển quốc gia, đội U.23 và ở các giải đấu hạng nhất, hạng nhì hay bóng đá trẻ phải là bóng đá “sạch”. Vậy bóng đá “sạch” bắt đầu từ đâu?

Bóng đá “sạch” phải bắt đầu từ những trận bóng “sạch”. Hằng năm đều có rất nhiều trận bóng, không phải hiện nay tất cả các trận đấu đều “có mùi” hay đều “không sạch”. Có nhiều trận bóng “sạch” thực sự, và người hâm mộ nhận ra lập tức những trận bóng đó. Không ai lại đi phản đối hay bức xúc với những trận bóng “sạch” cả. Vậy thì số lượng những trận bóng “có mùi” và “không sạch” có nhiều không, ở mùa giải năm nay chẳng hạn? Có thể không nhiều, nhưng chỉ cần suốt mùa giải khán giả phải chứng kiến chừng dăm ba trận đấu “có mùi”, nhất là ở những trận đấu quan trọng, mà tập trung vào những trận “chung kết ngược” hay chống xuống hạng, nơi kết quả thắng thua dù mỏng manh như sợi tơ nhưng có thể quyết định số phận một đội bóng, là khán giả nhận ra ngay và cảm thấy bị xúc phạm sâu sắc.

Một trận đấu “không sạch” thường bắt đầu từ đâu? Trước nay thì hầu như đều bắt đầu từ một số cầu thủ đang chơi trên sân. Họ dùng những chiêu thức khác nhau để lừa người xem là họ đang “đá thật”. Kỳ thực, họ đang đá giả. Nhưng mấy năm trở lại đây, dường như những kẻ bên ngoài sân cỏ cố tình lái những trận đấu theo ý mình đã chuyển hướng. Họ không “mặn mua” cầu thủ nữa, vì khó và… tốn, mà chủ yếu tập trung “mua” trọng tài. Mùa giải này đã có hai trọng tài bị treo còi vĩnh viễn, nhưng chắc chắn là chưa hết. Một khi trọng tài thổi còi “méo” thì không phải dễ dàng để phát hiện, dù “những người trong cuộc” luôn có những cảm tưởng khác nhau về tiếng còi trọng tài. Có khi những cảm nhận ấy là đúng, mà có khi cũng không đúng. Vì thế quả là khó để đưa một trọng tài thổi còi “có vấn đề” lên bàn cân, xem anh ta thổi như thế là vô tình hay cố ý. Hội đồng trọng tài thì thường bênh vực trọng tài, “người cùng hội… trọng tài” bênh nhau cũng là chuyện thường tình. Nhưng như thế thì lại càng khó để “bắt” những trọng tài thổi còi “có vấn đề” đưa ra xử. Mặt khác, và rất quan trọng, là chế độ đãi ngộ đối với trọng tài ở V-League và các giải quốc gia khác quá “hẻo”, trong khi VFF không phải là thiếu tiền. Một khi trọng tài vất vả trên sân cỏ, chịu vô vàn áp lực lại nhận được số tiền bồi dưỡng quá thấp, đơn cử như tiền di chuyển từ sân bay Nội Bài về Hà Nội chỉ có 60.000 đồng/người, thì thông thường họ sẽ có hai cách nhìn. Nhìn xuống, tức là nhìn xuống cầu thủ. Và nhìn lên, tức là nhìn lên ban tổ chức giải. Nếu hai thành phần này có thu nhập quá cao và chênh lệch lớn so với thu nhập của trọng tài, thì những kẽ hở cho tiêu cực bắt đầu nảy nòi. Muốn tiếng còi của trọng tài “sạch” và “thẳng” thì đầu tiên, thu nhập của họ phải tương xứng với lao động của họ. Khi đó, mọi hình thức kỷ luật dành cho trọng tài thổi còi “méo”, dù khắt khe nhất, sẽ được giới trọng tài “tâm phục khẩu phục”.

Chuyện cá độ hay “mafia” can thiệp vào những trận bóng đá để thay đổi kết quả là chuyện có thật, và không chỉ ở Việt Nam. Nhưng một khi VFF kiểm soát được những trận bóng, từ trọng tài tới cầu thủ, thì những tiêu cực sẽ khó xảy ra hơn. Muốn kiểm soát có hiệu quả, thì phải có cơ chế, có hoạt động đồng bộ, có những biện pháp hữu hiệu, và phải “xắn tay áo vào cuộc” chứ không thể chỉ ngồi đó mà “nói không” chung chung với tiêu cực được.

Không chỉ các ông bầu mới bức xúc về bóng đá “sạch”, mà quan trọng nhất, là tất cả những người hâm mộ VN đều bức xúc với chuyện này. Đó mới là chuyện lớn. Một vài đội bóng bỏ giải không nguy bằng tất cả khán giả bỏ giải, hoặc ngoảnh mặt với giải.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.