Bóng đá thế giới và cơn... ngán nhà đầu tư Trung Quốc

15/04/2017 11:39 GMT+7

Những nhà đầu tư Trung Quốc không thiếu tiền. Cái họ thiếu là một tham vọng nghiêm túc để tạo ra một thành công bước đầu cho các đội bóng châu Âu.

Trong tuần này, cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã hoàn tất việc bán lại AC Milan cho hai nhà đầu tư Trung Quốc Yonghong Li và Han Li, chấm dứt 3 thập niên sở hữu một trong hai đội bóng giàu tích nhất nước Ý và cả châu Âu.
Đó hẳn là câu chuyện buồn cho những cổ động viên hoài niệm. Làn sóng những ông chủ ngoại quốc đầu tư vào những câu lạc bộ hàng đầu châu Âu vốn đã gây nhiều tranh cãi, nay lại xuất hiện xu hướng mới với sự can thiệp thông qua hàng “núi” tiền của người Trung Quốc. Không đâu xa, ngay người anh em “song sinh” với AC Milan là Inter Milan cũng đã thuộc về Sunning Holdings Group, tập đoàn đến từ đất nước đông dân nhất thế giới.

tin liên quan

AC Milan bị người Trung Quốc 'thôn tính' như thế nào?
Khoảng thời gian hơn 30 năm làm ông chủ CLB AC Milan của cựu Thủ tướng Ý Silvio Berlusconi đã chấm dứt sau khi ông này quyết định bán đội bóng thành Milan cho một tập đoàn có chủ sở hữu là người Trung Quốc.
Có nhiều lý do từ thể thao tới chính trị để giải thích việc những nhà đầu tư Trung Quốc bạo chi mua lại các đội bóng hàng đầu thế giới. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, một người yêu bóng đá, đã khuyến khích doanh nghiệp Trung Quốc và giới chức thể thao đầu tư vào lĩnh vực thể thao này.
Theo kế hoạch 5 năm lần thứ 13 của Trung Quốc đưa ra năm 2016, ngành thể thao Trung Quốc phải có lượng đầu tư đạt hơn 3 ngàn tỉ nhân dân tệ vào năm 2020, và chiếm 1% tổng sản phẩm quốc nội - GDP (tăng lên từ 0,6% như hiện tại). Đây dẫu sao vẫn chưa là gì so với tỉ lệ tương ứng 2% GDP như ở Mỹ, theo nhận xét của ông Yi Jiandong, nhà phân tích ngành công nghiệp thể thao tại trường phát triển thể thao thuộc Đại học Peking, Trung Quốc.
Vì thế từ năm 2015, các công ty Trung Quốc đã lao vào mua cổ phiếu, đầu tư cho 14 đội bóng hàng đầu, trong đó có Manchester City, Aston Villa, Atletico Madrid ở Anh và Tây Ban Nha, cũng như đội Newcastle Jets ở tận Úc, một hợp đồng thương mại rõ ràng. Tổng số tiền đã chi tương ứng được cho vào khoảng 2 tỉ USD, một con số khổng lồ trong thời gian ngắn.
Abramovich là người mở đầu trào lưu đầu tư vào các đội bóng châu Âu AFP
Việc Trung Quốc thâu tóm bóng đá châu Âu, có thể nói như vậy, cũng xuất phát từ những cú “mở đường” của giới chủ giàu sụ từ Nga mà điển hình là Roman Abramovich ở Chelsea. Sau đó, đến thời của các ông chủ người Mỹ đến Premier League. Sự cạnh tranh về tài chính theo kiểu truyền thống bị phá vỡ, dẫn tới việc cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin Shinawatra tiếp quản Manchester City, sau đó nhường sân chơi lại cho các ông chủ Trung Đông. Điên cuồng trong cuộc chiến tài chính, các câu lạc bộ Serie A hoặc những đội bóng không đủ năng lực cạnh tranh khác như West Bromwich Albion ở Anh, hoặc suýt nữa là cả Crystal Palace.
Nhưng các cổ động viên AC Milan có lẽ nên chú ý điều này. Bất chấp được hứa sẽ bơm hàng trăm triệu euro để trả khoản nợ cũ 220 triệu euro và xây dựng đội hình mới, Milan vẫn khó có khả năng sớm trở lại hình ảnh hào hùng sau 2, 3 mùa nữa. Đơn cử, Inter Milan đã từng thuộc về nhà đầu tư Indonesia Erick Thohir (International Sports Capital HK) từ năm 2013, và sau này là Sunning Groups chiếm lượng vốn cao hơn, đến nay vẫn không bao giờ lấy lại được hình ảnh đại thành công của năm 2010.
Inter Milan vẫn chưa khá lên sau khi vào tay Thohir AFP
Nhìn quanh, những đội bóng thuộc về người Trung Quốc hay thậm chí là người châu Á, đều có vẻ không thể thành công như các đội do ông chủ phương Tây tiếp quản. Lấy ví dụ Aston Villa của ông Tony Xia đã xuống hạng, còn người anh em cùng thành phố Birmingham từ lâu đã mất tích khỏi Premier League dù có nhà đầu tư Hồng Kông Carson Yeung. Phía bên kia, Wolverhampton Wanderers, từng chơi tại Premier League, cũng không ngóc đầu lên nổi dù được Fosun International của người Trung Quốc điều hành.
Có thể kể ra thêm rất nhiều đội bóng châu Âu có bóng dáng người Trung Quốc đầu tư, và hầu hết đều không thuộc hàng “lớn”: Espanyol tại La Liga có 56% của hãng xe hơi Rastar, Slavia Praha (CH Czech) có 60% thuộc về công ty năng lượng CEFC, Sochaux của Pháp 100% thuộc về Ledus (Hong Kong), Granada của Tây Ban Nha 100% thuộc về Link International Sports, ADO Den Haag của Hà Lan 100% thuộc về United Vansen Sports, Nice của Pháp 80% thuộc về một nhóm đầu tư Trung Quốc...
Cơn lốc chi tiền của người Trung Quốc giải quyết khá nhiều khó khăn tài chính cho các đội bóng châu Âu. Nhưng như đã thấy, chưa ai trong số các đội do Trung Quốc sở hữu hoặc đầu tư lớn có thể “lớn” được bên trong đường pitch và tên tuổi...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.