Bỗng dưng thành ‘cha mẹ nuôi’ của hai bé 3 tháng tuổi bị nhiễm Covid-19

Nguyễn Loan
Nguyễn Loan
11/09/2021 14:38 GMT+7

Nhận hai bé 3 tháng tuổi cả tổ tình nguyện viên ở Bệnh viện dã chiến số 4 đều bối rối vì chưa ai trong số họ từng làm cha, làm mẹ. Họ luống cuống thay tả, pha sữa, dỗ dành giấc ngủ… cho trẻ.

Lần đầu chăm sóc F0 là trẻ nhỏ

Nhìn cảnh Trần Lê Quang Trường (21 tuổi, ngụ tại Vĩnh Lộc A, huyện Bình Chánh, TP.HCM) lúi húi cho trẻ uống sữa nhiều người trêu “có tướng làm cha lắm rồi”. Trường lúc đó chỉ biết bẽn lẽn cười, bởi từ trước đến nay cậu chưa bao giờ bế một em bé nhỏ xíu như vậy trên tay.
Chưa ai trong nhóm có gia đình, nên khi nhận được thông tin bệnh viện sẽ chuyển hai bệnh nhi xuống nhờ nhóm hỗ trợ chăm sóc ai cũng lo lắng vì không ai có kinh nghiệm, lại sợ đêm hôm các em khó chịu thì không biết xử lý thế nào.
“Nhưng khi nhìn thấy hai bé nhỏ ai cũng thích liền, các em nhỏ xíu thương lắm. Hơn nữa, khi được các bác sĩ hướng dẫn cách chăm sóc, cả nhóm tự tin hẳn nên cả nhóm liền trở thành cha nuôi, mẹ nuôi của hai đứa nhỏ. Hai em hình như cũng biết được tình hình nên ngoan lắm, chỉ lâu lâu đói hoặc đòi bế mới khóc chút chút, còn lại là nằm chơi, ăn ngoan, ngủ ngoan. Còn lúc nào thấy hai đứa cựa quậy nhiều, khó chịu là biết lúc đó các em đã đi vệ sinh nên phải thay bỉm ngay”, Trường tỏ ra có kinh nghiệm sau hơn một ngày phụ chăm hai đứa trẻ đặc biệt.
Không có nhiều kinh nghiệm nên Trường cho biết bản thân chỉ hỗ trợ trông nom, ngồi chơi cùng và cho các em uống sữa. Trường là một trong số những F0 đã khỏi bệnh và đăng ký ở lại làm tình nguyện viên ở bệnh viện này sau khi điều trị xong.
Trong khi đó, là người chịu trách nhiệm chính trong việc hỗ trợ chăm sóc hai F0 3 và 5 tháng tuổi này, bạn Trần Thị Liên (28 tuổi, Vĩnh Lộc, Bình Chánh) cho biết đây là “nhiệm vụ đặc biệt”.
Từ trưa hôm qua, khi nhận thêm hai trẻ nhỏ khu vực của tình nguyện viên bỗng tất bật hẳn lên. “Việc thăm khám, theo dõi tình hình sức khoẻ của trẻ sẽ do các bác sĩ phụ trách, còn các bạn tình nguyện viên sẽ thay nhau chăm sóc cho các em”, Liên chia sẻ.
Liên cũng chưa lập gia đình, nhưng cô cho biết từng phụ chăm cháu trong gia đình nên ít nhiều có kinh nghiệm hơn những bạn khác nhưng cũng khá luống cuống. Để làm tốt được những việc này cô cũng phải học hỏi thêm từ các bác sĩ và hỏi thêm những người đã từng làm mẹ, chăm sóc trẻ nhỏ. Liên học từ cách thay bỉm, pha sữa sao cho vừa đủ ấm vừa đủ lượng nước, vệ sinh như thế nào…
“May mắn là hai đứa trẻ rất ngoan, cứ mỗi lần bú no sữa là lăn ra ngủ. Chỉ vào buổi tối thì hơi cực, cứ khoảng 2-3 giờ khi nghe tiếng ọ ẹ là mình lại bật dậy pha sửa, kiểm tra bỉm nên không thể ngủ thẳng giấc như trước đây. Đúng như cảnh nuôi con mọn của các bà mẹ, cực nhưng nhìn các con rất thương nên mình sẽ cố gắng”, Liên nói.
Liên cũng là một trong những F0 đã khỏi bệnh và đăng ký ở lại làm tình nguyện viên để hỗ trợ nhân viên y tế, bác sĩ ở đây chăm sóc người bệnh. Trước khi nhận nhiệm vụ chăm hai đứa nhỏ Liên cho biết, công việc chính mỗi ngày ở Bệnh viện dã chiến số 4 (huyện Bình Chánh) là hỗ trợ người bệnh ăn uống, vệ sinh, vận chuyển bình oxy…

Hai trẻ nhỏ chỉ mới 3 và 5 tháng không may bị nhiễm Covid-19 trong khi không có người nhà, mọi người ở bệnh viện thay nhau chăm sóc các em

NVCC

TP.HCM: Thêm 3.700 ca Covid-19 xuất viện, tổng cộng 144.024 bệnh nhân hồi phục

Hai đứa trẻ bị bỏ rơi trở thành F0 ‘mồ côi’ được bao bọc ở bệnh viện

Chia sẻ thông tin về trường hợp hai bé này, bác sĩ CKI. Nguyễn Cát Phương Vũ (Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM) cho biết hai đứa trẻ chỉ mới 3 tháng và 5 tháng. Các em đồng cảnh ngộ vì bị bỏ rơi khi vừa chào đời tại một bệnh viện lớn tại quận Bình Thạnh. Khi các em không may bị mắc Covid-19 thì được các bác sĩ chuyển tới khu cách ly điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 4 và được hỗ trợ chăm sóc bởi các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng TP.HCM.
Các nhân viên y tế tiếp nhận con ai cũng xót, tranh nhau ẵm bồng, đút sữa, rồi ru ngủ. Có tình nguyện viên F0 đã đủ ngày xuất viện, nay xin nán lại thêm ít ngày phụ việc chăm hai bé. Mà các cô lại là ‘vú em đời đầu’, chưa từng có kinh nghiệm chăm bé, cả đêm qua đúng là lần đầu hai người luống cuống trải nghiệm cảm giác làm mẹ. Thay nhau chăm, thay nhau ngủ, ăn cũng lùa nhanh vài đũa cơm để được ra với hai em, thương như con em trong nhà.
Vì các bé không có cha mẹ nên khi chuyển tới bệnh viện cũng không có gì. Ở vòng ngoài nhiều nhân viên khác của bệnh viện phải chạy quanh để lo mua sữa, quần áo, bỉm tả, bình sữa, núm vú, thau tắm…
“Hai bà chị chăm lo đời sống F0 của Bệnh viện dã chiến số 4 luôn chăm chút để mỗi gói quà được gửi đến cho các bé cơ nhỡ được trọn vẹn: từng hộp sữa, bịch tả xếp ngay ngắn, một ít cháo gói dinh dưỡng, vài chai dầu tắm thơm tho… có thể không nhiều nhưng đủ sự ấm áp. Cùng khu đó, có bác sĩ Cẩm Xuyên, miệt mài nhận bệnh nhưng cũng tranh thủ ghé vào thăm hai con, là bác sĩ nhi nên bác Xuyên sẵn lòng thị phạm và truyền nhiều chiêu thức chăm em cho các tình nguyện viên”, bác sĩ CKI. Nguyễn Cát Phương Vũ chia sẻ về tình thương của mọi người với hai bé 3 tháng tuổi.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.