Bỗng dưng trở thành… con nợ

11/07/2011 14:52 GMT+7

(TNO) Hiện nay, rất nhiều người dân ở các vùng ven TP.HCM bị sa vào bẫy lừa mua hàng trả góp của một nhóm tội phạm. Hậu quả là bà con vướng một khoản nợ khổng lồ.

Nạn nhân Nguyễn Thị Mỹ Phượng (P.Bình Trị Đông, Q.Bình Tân) kể: Cuối tháng 1.2011, chị được người quen đưa tới một quán nước đối diện cửa hàng điện máy Xuân Quang (893 B, đường tỉnh lộ 10, P.Bình Trị Đông B, Q.Bình Tân, TP.HCM) để… kiếm tiền. Chỉ cần mang chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu đến quán nước, ngồi học cách khai báo thông tin cá nhân rồi khai với nhân viên cửa hàng điện máy, ký vài chữ ký là có tiền triệu mang về.

Tại quán nước, chị Phượng gặp bà N.T.K.H (tên thường gọi là Nạ). Sau khi dạy chị Phượng cách khai báo thông tin và đưa cho chị Phượng số tiền 5 triệu đồng, bà Nạ dắt chị Phượng vào cửa hàng điện máy. Khai thông tin với nhân viên cửa hàng, ký vài chữ ký tại cửa hàng, chị Phượng được bà Nạ đưa trở ra quán nước đợi lãnh tiền “thưởng”. Sau đó, bà Nạ đưa chị Phượng số tiền 5.100.000 đồng.

Một tháng sau, chị Phượng tá hỏa biết mình đã bị lừa khi nhân viên công ty tài chính gọi điện báo đã đến kỳ chị trả tiền lãi và nợ gốc số tiền chị đã vay để mua ti vi trả góp tại cửa hàng Xuân Quang. Giờ đây, mỗi tháng chị Phượng phải trả cho công ty tài chính số tiền 1.238.000 đồng trong vòng 15 tháng, trong khi thu nhập từ việc bán bánh tráng trộn của chị chẳng bao nhiêu.

Tương tự, anh Ngô Quang, sinh năm 1973, ngụ tại P.15, Q.8 cũng đã bị bà Nạ lừa đảo. Anh Quang được bà Nạ “thưởng” 4.700.000 đồng nhưng anh phải nhận khoản nợ 18.900.000 đồng.

Bằng chiêu này, nhóm của bà Nạ không chỉ lừa chị Phượng, anh Quang mà còn rất nhiều người dân khác đã trở thành nạn nhân.

Đại diện một công ty tài chính tại TP.HCM cho biết: Cho vay tiêu dùng là chương trình phối hợp giữa các tổ chức tín dụng và các cửa hàng (điện máy, xe gắn máy…), chương trình này hiện thu hút rất nhiều người dân tham gia.

Thủ tục vay mua hàng khá đơn giản: Khách mang chứng minh thư và sổ hộ khẩu đến gặp nhân viên cửa hàng và khai một số thông tin cá nhân. Nhân viên cửa hàng sẽ chuyển thông tin của khách đến tổ chức tín dụng để nơi đây xác minh.

Sau khi xác minh (thường là xác minh qua điện thoại), nếu tổ chức tín dụng đồng ý cho vay thì khách hàng chỉ trả một khoản tiền tương ứng 30% giá trị sản phẩm mua, số còn lại sẽ được tổ chức tín dụng cho vay, khách hàng trả góp cả lãi và nợ gốc cho tổ chức tín dụng trong vòng 15 tháng.

Lợi dụng sự đơn giản trong thủ tục vay, các nhóm tội phạm đã chiêu dụ người nghèo, cần tiền và thiếu hiểu biết đến cửa hàng ký tên mua các sản phẩm điện máy, xe máy. Có nhiều khả năng, nhóm tội phạm này liên kết với nhân viên bán hàng tại các cửa hàng để thực hiện tội phạm. Sau đó, nhóm tội phạm này đã chiếm đoạt tài sản, mang đi bán, chỉ cho nạn nhân một số tiền nhỏ bằng 20 - 25% giá trị sản phẩm mà lẽ ra nạn nhân được hưởng trọn.

Hậu quả là nạn nhân phải lãnh một khoản nợ khá lớn so với thu nhập của họ. Hầu hết các nạn nhân là những người rất nghèo, trình độ học vấn thấp, thu nhập không ổn định. Vì thế việc các tổ chức tín dụng thu hồi công nợ từ các khách hàng này là rất khó. Do đó, chính các tổ chức tín dụng cũng là nạn nhân của các chiêu lừa đảo mới này.

Thanh Đông

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.