Bphone và những thắc mắc từ người dùng

31/05/2015 17:51 GMT+7

(TNO) Là một người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt, tôi rất quan tâm đến việc Bkav sản xuất ra Bphone. Khi nghe Bkav giới thiệu chiếc điện thoại này như niềm tự hào của công nghệ Việt Nam và được xếp ngang ngửa với smartphone của các đại gia như Apple, Samsung... tôi để tâm tìm hiểu. Qua đó, tôi muốn nêu ra một số thắc mắc chưa tìm thấy thông tin trên các kênh truyền thông.

(TNO) Là một người tiêu dùng ủng hộ hàng Việt, tôi rất quan tâm đến việc Bkav sản xuất ra Bphone. Khi nghe Bkav giới thiệu chiếc điện thoại này như niềm tự hào của công nghệ Việt Nam và được xếp ngang ngửa với smartphone của các đại gia như Apple, Samsung... tôi để tâm tìm hiểu. Qua đó, tôi muốn nêu ra một số thắc mắc chưa tìm thấy thông tin trên các kênh truyền thông.

Thiết kế đến mức nào?
Theo những gì tôi tự tìm hiểu thì để sản xuất được smartphone, nhà sản xuất thường đầu tư rất lớn vào khâu R&D (Research & Development - Nghiên cứu và Phát triển) để từ đó có được những bằng sáng chế (patent) cho các công nghệ riêng của mình. Ngoài việc dùng patent riêng, nhà sản xuất cũng có thể mua quyền sử dụng hay mua độc quyền patent của các chủ sở hữu khác để ứng dụng vào thiết kế sản phẩm.
Ngân sách R&D của các hãng lớn thường rất kinh khủng, ví dụ như Apple năm 2014 đã chi đến 6 tỉ USD. Nhờ các patent này, nhà sản xuất tạo ra các thiết kế độc đáo, đặc thù cho sản phẩm của mình. iPhone là chiếc smartphone vượt trội và chiếm thị phần rất lớn trong dòng smartphone cao cấp là nhờ thiết kế độc đáo dựa trên các patent mà Apple đang sở hữu, mà trong đó có rất nhiều patent do Apple tự nghiên cứu.
Biểu đồ ngân sách R&D của Apple trong các năm - Ảnh: Business Insider
Như vậy, nói đến hàm lượng chất xám trong thiết kế smartphone, có thể thấy vai trò không thể thiếu của việc ứng dụng rất nhiều patent để tạo ra cái “hồn” riêng cho sản phẩm. Xét theo tiêu chí này thì việc thiết kế smartphone có thể chia thành 3 nhóm:
- Nhóm 1 là nhóm tự tạo thiết kế hoàn toàn riêng như Apple, Samsung, Sony, Nokia (nay thuộc về Microsoft), Blackberry… là những nhà sản xuất sở hữu rất nhiều patent (cả riêng và mua đứt, mua quyền sử dụng) và tạo ra những thiết kế smartphone hoàn toàn riêng của mình.
- Nhóm 2 là nhóm tạo thiết kế tương đối riêng bằng cách ứng dụng một số patent của riêng mình và patent mua cộng thêm các thiết kế và patent sẵn có do các hãng bán linh kiện cung cấp. Bản thân tôi cũng không có đủ thông tin chi tiết (vì là dân ngoại đạo ngành sản xuất smartphone) nhưng dựa trên thông tin các báo nước ngoài thì các hãng Trung Quốc như Lenovo, Xiaomi, Huawei… đã đầu tư khá nhiều vào R&D và cũng có patent riêng. Tuy nhiên họ vẫn chưa có những sản phẩm nổi trội về mặt thiết kế riêng nên có lẽ họ chỉ thuộc nhóm này chớ không ngang bằng nổi với với các nhà sản xuất của nhóm 1 ở trên.
- Nhóm 3 là nhóm dùng hoàn toàn các thiết kế và patent sẵn có của hãng bán linh kiện cung cấp kèm theo khi mua để lắp ráp lại. Thiết kế này không có patent nào của riêng họ hay patent mua quyền sử dụng được đưa vào ứng dụng. Các nhà sản xuất nhóm này ở mức cao nhất là có thể vẽ kiểu dáng vỏ ngoài hơi riêng cho smartphone của mình. Các smartphone thương hiệu Việt đã có trước Bphone có lẽ đều thuộc nhóm này.
Khi đã có thiết kế riêng thì việc lắp ráp ở đâu không quan trọng nên tôi không thắc mắc nhà máy Bphone ở đâu. iPhone dù ráp ở Trung Quốc thì vẫn là smartphone của Mỹ, Samsung ráp ở Việt Nam thì vẫn là smartphone Hàn Quốc.
Tôi chỉ muốn tìm lời giải đáp cho câu hỏi: Nhà sản xuất Bphone thuộc nhóm nào trong 3 nhóm trên?
Hình ảnh thực tế mẫu smartphone Bphone - Ảnh: T.Luân
Bkav tuyên bố Bphone “trang bị những công nghệ cao cấp lần đầu tiên có mặt trên thế giới” nhưng dù tìm hiểu thật kỹ trên website thông tin chi tiết của Bphone, tôi vẫn chưa tìm ra công nghệ đó là công nghệ nào mà lần đầu tiên có mặt trên thế giới vì những gì Bphone có đã được các hãng khác thử nghiệm, ứng dụng trước đó rồi.
Ngoài ra, tôi cũng rất tò mò khi nghe Bkav tuyên bố Bphone được tạo ra với 800 chi tiết (bao gồm 600 chi tiết điện tử và 200 chi tiết cơ khí). Tôi tự hỏi sao Bpone có nhiều chi tiết đến thế trong khi các smartphone khác cho dù tháo ra đếm tới tận từng chiếc ốc vít bé xíu thì chắc cũng chỉ chừng 150-200 chi tiết. Không rõ số chi tiết vượt trội này đóng vai trò gì trong việc tạo ra thiết kế Bphone?
Lòng tin phải bắt đầu từ hai phía
Dù rất muốn tin những tuyên bố của Bkav nhưng thú thật tôi không thể tìm thấy thông tin ngay từ website giới thiệu Bphone của họ đủ sức thuyết phục đây là chiếc smartphone hàng đầu thế giới.
Bkav với tuyên bố tự tin Bphone là smartphone "an toàn nhất thế giới" - Ảnh: T.Luân
- Về kiểu dáng thì theo cảm nhận cá nhân của tôi vỏ ngoài Bphone chưa chế tác được tinh xảo được như Xiaomi (một đối thủ mà tôi nghĩ là vừa tầm với Bphone hơn). Vỏ ngoài của Bphone nhìn 2 bên hông giống như chiếc iPhone 4S với hai vạch trên ở hai đầu nhưng đảo ngược nút từ cạnh trái sang phải và ngược lại. Hai cạnh trên dưới nhìn cũng khá giống iPhone 5 trừ chi tiết cạnh bo tròn thay vì thẳng. Đây là cảm nhận của cá nhân tôi, hoàn toàn không đánh giá xấu đẹp, nhưng ở góc nhìn một người tiêu dùng, tôi chưa thấy có gì vượt trội đến mức gọi là “đẹp nhất nhì thế giới”.
Về hệ điều hành, Bkav cũng chỉ phát triển một số app riêng và thiết kế lại icon của Android, tức là chưa can thiệp đủ sâu để có thể gọi là hệ điều hành riêng BOS mà chỉ là những thay đổi về giao diện bên ngoài. Theo hiểu biết của tôi, để có thể gọi là một hệ điều hành tùy biến từ Android thì phải can thiệp sâu như Amazon đã làm từ Android thành hệ điều hành riêng với tên gọi là FireOS của họ trên điện thoại Fire Phone và tablet Kindle Fire.
Tóm lại: Lòng tin phải đến từ hai phía. Bkav muốn người khác tin mình thì phải chứng minh bằng sản phẩm và sự thật đừng để những hạt sạn như trong lễ ra mắt xói mòn lòng tin. Chỉ khi nào Bkav chứng tỏ điều mình nói là sự thật thì lòng tin của người tiêu dùng tự đến, sản phẩm tự sống được. Không có thực chất thì những tuyên bố to tát đều vô nghĩa.
Tôi cũng cho rằng Bkav nên biết mình biết người. Chúng ta không tự ti nhưng cũng chớ nên ngông cuồng. Apple chi cho R&D năm nay đến 9 tỉ USD, liệu đó có phải là một đối thủ có thể dễ dàng vượt qua chỉ bằng những tuyên bố “nhất thế giới”?
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.