Bữa cơm gia đình

19/06/2007 15:52 GMT+7

Trong cuộc đời ai cũng có lần phải xa gia đình – cái tổ ấm mà ít người muốn rời xa để rồi phải nhớ da diết... Nhớ từ giọng nói, tiếng cười, cái đèn, cái điếu đến cây cau, giàn trầu... của người thân. Nhưng với tôi nhớ nhất là bữa cơm của gia đình.

Bữa cơm quê thường giản dị, đạm bạc nhưng khi xa người ta xao xác nhớ, nỗi nhớ làm cay mắt, mặn lòng khó gì bù đặp được. Có lẽ, vì vậy người Việt Nam rất coi trọng bữa cơm gia đình. Nó không chỉ là thời điểm hội tụ đủ các thành viên mà còn là dịp để những người thân được trò chuyện, trao đổi, tâm tình bên nhau. Bữa cơm gia đình là dịp để cha mẹ thể hiện sự quan tâm, lo lắng cho con cái; là khi con cái thể hiện lòng thành kính, sự hiếu thảo của mình đối với cha mẹ. Vì thế, người Việt Nam có lẽ là dân tộc duy nhất trên thế giới khi ăn cơm thì gắp thức ăn cho nhau và trước khi ăn các thành viên trong gia đình đều lễ phép, chân thành mời nhau.

Từ xưa, các cụ đã dặn dò con cháu: “Dù nghèo mỗi ngày cũng cố đỏ lửa lấy một lần”.

Tôi vẫn nhớ hình ảnh chiếc đèn dầu hạt đỗ và những buổi sớm khi cha mẹ vác cuốc ra đồng, tôi ở nhà lo lỏm thổi cơm... Tôi vẫn nhớ hình ảnh mình cầm chiếc đèn dầu nhở xíu như bắp ngô chạy sang hàng xóm xin lửa, rồi về khêu nhỏ bằng hạt đỗ đặt ở kệ bếp giữ lửa. Có hôm khêu đèn nhỏ quá, ngọn đèn tắt phụt mất, đến lúc thổi cơm trời lại mưa to, không có lửa để nhóm bếp, nghĩ đến lúc cha mẹ đi làm về tôi lo quá bật khóc... Những kỷ niệm của thời thơ ấu ấy tôi không sao quên được. Thương nhất là những buổi trưa ông nội đi cày, ghé qua nhà, hút điếu thuốc lào "cho tỉnh người" để đi làm tiếp. Có hôm ông về, đèn tắt, tôi đi xin lửa về gọi mãi không thấy ông thưa. Chạy ra đầu ngõ đã thấy ông bước thấp bước cao cõng cày dồn trâu ra đồng. Mải nhìn theo ông cho đến khi bóng ông khuất dần sau rặng xoan mà tôi vẫn không hết bần thần.

Bữa cơm gia đình còn luôn gợi lại trong tôi những ngày đói khổ. Cha tôi một thời công tác xa nhà, mỗi bữa cơm, mấy mẹ con ở nhà chỉ ăn qua quýt và không hiểu sao cứ mỗi khi đến bữa ăn thì tôi lại nhớ cha tôi. Tôi tự hỏi: “Cha giờ này đã được ăn cơm chưa? Cha ăn gì? Cha có biết mẹ con tôi ở nhà ăn cơm với toàn đậu phụ không? Cái thứ thức ăn mà tôi cảm thấy phát ngán mỗi khi nghĩ đến”.

Sau này, khi lớn lên cả hai chị em tôi đi học xa nhà, bữa cơm sinh viên nào chị tôi cũng mua đậu phụ. Nhưng không hiểu sao tôi đã hết cảm giác ngán món ăn này, và những bữa cơm như thế hình như chúng tôi đều cảm thấy vơi bớt nỗi nhớ nhà.

Cuộc sống đổi thay, khấm khá dần, giờ đây, cha mẹ tôi không còn nấu cơm bằng rơm giạ nữa, những chiếc đèn dầu hạt đỗ từ lâu đã không còn được sử dụng, xoong chảo cũng bóng loáng dần lên, xu hướng gia đình một ngày ăn cơm một bữa đang trở thành phổ biến. Tôi trêu mẹ: “Bây giờ thì ăn bánh, ăn phở ngon hơn ăn cơm mẹ nhỉ?”. Mẹ nhẹ nhàng: “Con người ta sống trong môi trường, hoàn cảnh nào thì phải theo thế ấy, nhưng vẫn luôn phải biết cách trân trọng không khí gia đình. Với mẹ, hạnh phúc gia đình thể hiện ở những bữa cơm chung”.

N.T.L (Thạch Thất, Hà Tây)


XEM THỂ LỆ CUỘC THI

XEM TẤT CẢ BÀI VIẾT THAM DỰ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.