Bức tranh eSports Việt Nam: "Thân ai nấy lo"

19/10/2014 10:30 GMT+7

eSports Việt Nam hiện tại manh mún, rời rạc, phân mảnh, mới chỉ phát triển theo chiều rộng mà thiếu đi chiều sâu, có lượng nhưng chưa có chất.

Liên minh huyền thoại - Đầu tàu eSports Việt

Thị trường game thi đấu và thể thao điện tử (eSports) tại Việt Nam từng có khoảng thời gian khá hưng thịnh với những Counter-strike 1.6, Age of empiresStarcraft, DotA, Warcraft, Crossfire... Thế nhưng sau đó, eSports tại Việt Nam bắt đầu có dấu hiệu lụi tàn khi cộng đồng không còn giữ được lửa, một số game dần bị loại bỏ khỏi các giải đấu và quan trọng nhất là chính bản thân các giải đấu cũng thưa dần đi rồi mất tích.

Nói biến mất cũng không hẳn khi một số giải đấu vẫn diễn ra nhưng chỉ dừng lại ở mức độ "nhỏ lẻ": mang tính cục bộ địa phương, không thường xuyên nên cũng không thu hút được sự quan tâm của cộng đồng. Giải đấu quốc tế danh tiếng một thời World Cyber Games dần thu hẹp quy mô (chỉ tổ chức ở Hà Nội) rồi "chết" hẳn (đầu năm 2014).

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

(Ảnh: Gosugamers)

Lý do thứ hai, không kém phần quan trọng, là các game thủ Việt dần chuyển sự quan tâm sang các dòng game MMO (online), vốn cung cấp vô số sự lựa chọn về thể loại game.

Trong bối cảnh đó, sự xuất hiện và phát triển nhanh chóng của phong trào chơi game Liên minh huyền thoại (LMHT) đã khiến eSports tại Việt Nam "thay da đổi thịt". Tựa game MOBA này có thể được ví như "vị cứu tinh" cho một nền thể thao điện tử vốn chưa kịp "đương xoan" nhưng đã "toan về già".

Cứ đều đặn mỗi năm một lần, nhà phát hành Vietnam Esports lại mang đến cho khán giả Việt Nam một ngày hội thể thao điện tử hoành tráng và ngày một lớn hơn. Cụ thể là giải Thể thao Điện tử Quốc tế 2014 diễn ra hồi tháng 4, nhà thi đấu Phú Thọ trở nên cực kỳ "nóng" khi từng dòng người nối đuôi nhau xếp hàng trước giờ mở cổng cả tiếng đồng hồ.

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Chưa kể bên cạnh đó là một hệ thống các giải đấu được tổ chức bài bản, trải dài từ phòng máy, trường học cho đến cấp quốc gia mà Vietnam Esports đã gầy dựng trong thời gian qua, góp phần đáng kể vực dậy, và phần nào, định hướng sự chuyên nghiệp cho phong trào thể thao điện tử tại Việt Nam.

Thừa thắng xông lên, Vietnam Esports tiếp tục đầu tư tựa game thể thao điện tử thứ hai là FIFA online 3. Game cũng được vận hành với quan niệm thể thao điện tử ngay từ đầu, cho đến nay cũng đã hình thành được những hệ thống giải đấu quy mô, đội ngũ game thủ/vận động viên tiếng tăm và bắt đầu "có tiếng nói" trong làng game khu vực.

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Đội game Saigon Fantastic Five của Vietnam Esports. (Ảnh: GPL)

 

eSports là "xu hướng của thời đại"?

Sự thành công và sức lan tỏa, gắn kết cộng đồng của LMHT FIFA online 3 đã khiến nhiều nhà phát hành game tại Việt Nam thèm muốn. Họ dần đưa các tựa game cùng thể loại (hoặc chí ít, có mang tính đối kháng, đồng đội) về nước và phát triển nó theo định hướng là "game eSports, không chỉ đơn thuần là game online". Có thể kể đến như 3Q Củ hành, Thời đại anh hùng, PETA City, Warface... hay mới nhất là War thunder.

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

(Ảnh: FPT)

Cách làm eSports của các tựa game này cũng khá đơn giản, gói gọn trong 4 chữ "tổ chức giải đấu", và để thu hút cộng đồng đến với những giải đấu này, cách hiệu quả nhất là nâng giải thưởng lên mức "khủng". Điển hình nhất là giải đấu với số tiền thưởng 3 tỉ mà công ty VNG đầu tư cho tựa game MOBA 3Q Củ hành.

Khi đã có những giải đấu, các nhà phát hành lớn còn chủ động đầu tư thêm những khía cạnh quen thuộc trong tổ chức và vận hành eSports, như tồ chức các kênh stream, cùng đội ngũ caster thường xuyên, hay "quyết liệt" hơn là tự tổ chức, tuyển mộ và huấn luyện đội game chuyên nghiệp riêng cho mình (điển hình như đội game nữ ATSM của Thời đại anh hùng, dù thực chất, ai cũng thấy được hình thức tổ chức những đội game như thế này chỉ mang tính quảng bá cho game là chính).

Xu hướng phát triển eSports còn lan cả đến các phòng máy, vốn là nơi trước kia từng nuôi dưỡng phong trào thể thao điện từ thời tiền LMHT. Các phòng máy mạnh về tài chính bắt đầu sửa sang, đầu tư mạnh về trang thiết bị (máy tính cấu hình cao, gaming gear đúng chuẩn dành cho eSports...), với những tên tuổi điển hình như Pink Cyber Game (hiện tại là Cyber Core), TITAN... tại TP.HCM, A.K Net tại Phan Thiết hay Cyzone tại Hà Nội.

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Gần đây, một số phòng máy còn mạnh dạn tiến thêm một bước phát triển mới: trở thành mô hình "trung tâm tập luyện và thi đấu thể thao điện tử". Những địa điểm này khác những phòng máy thông thường ở chỗ được trang bị hệ thống sân khấu, phòng thi đấu game riêng biệt, khu vực cho khán giả, có đội ngũ BLV, cũng như phát triển những đội game eSports của riêng mình. Tiêu biểu nhất cho mô hình này hiện tại chính là trung tâm Aces Gaming TP.HCM, tiếp đến là A.K Net ở Phan Thiết, Bình Thuận) và F1 Cyber Game (Phan Rang, Ninh Thuận).

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Từng chút từng chút một, những miếng ghép, những mảng màu đang dần làm đa dạng nền eSports Việt Nam vốn luôn được cho là "non trẻ thì không, nhưng mãi chẳng lớn được". eSports Việt Nam hiện tại phát triển mạnh mẽ hơn, thu hút cộng đồng game thủ đông đảo, và đặc biệt, góp phần xóa mờ định kiến không mấy tốt về game trong xã hội.

Những mảng màu đã được phết lên, nhưng bức tranh tổng thể vẫn chưa hoàn thiện

Thế nhưng, những mảng màu ít ỏi được phết lên, vẫn chưa thể giúp bức tranh tổng thể có một nền màu tươi sáng.

Điều này có thể dễ dàng nhận ra, thể thao điện tử tại Việt Nam vẫn chủ yếu phát triển về lượng mà bỏ qua chất, đầu tư chiều rộng nhưng thiếu chiều sâu. Nguyên nhân cũng dễ lý giải, đó là chuyện "thân ai nấy lo". Cánh chim đầu đàn trong làng eSports Việt hiện nay, Vietnam Esports, cho dù có định hướng là phát triển thể thao điện tử tại Việt Nam, vẫn chỉ tập trung hầu hết vào 2 tựa game do chính họ vận hành. Với họ, "thể thao điện tử" chỉ là LMHT FIFA online 3, chấm hết!

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Các nhà phát hành khác, cũng không hơn gì vì chủ yếu "học hỏi cách làm eSports" của Vietnam Esports là chính. Tất cả chỉ co cụm cho sản phẩm của chính mình, phát triển nó một cách đơn lẻ và cục bộ. Đó là chưa nói đến chuyện có những công ty game, dù mạnh miệng "phát triển theo hướng eSports", nhưng thật ra chỉ là một cách quảng bá mà thôi. Từ đó, cộng đồng game thủ eSports Việt Nam trở nên rời rạc, phân mảnh, thiếu sự kết nối đồng bộ. Như vậy ý nghĩa kết nối cộng đồng đại chúng của từ "thể thao" cũng bị giảm trọng lượng.

Thực sự, với tư cách là những nhà phát hành game, cạnh tranh nhau quyết liệt với từng sản phẩm (kể cả Vietnam Esports cũng vậy, cho dù là mang tên "thể thao điện tử", nhưng họ vẫn là một công ty kinh doanh game như VNG, như FPT, như VTC... mà thôi), việc ai cũng chỉ lo cho sản phẩm của mình, tập trung phát triển cộng đồng riêng cho game của mình, cũng chẳng có gì là ngạc nhiên.

Bức tranh eSports Việt Nam: 'Thân ai nấy lo'

Giải Thể thao Điện tử Quốc tế nhưng chỉ có hai môn được thi đấu.

Về phía các phòng máy, khi mà các nhà phát hành game, với hệ thống bao phủ toàn quốc của mình, còn chưa làm được (hay không muốn làm), thì đỏi hỏi họ đứng ra cổ vũ, gầy dựng và phát triển một phong trào thể thao điện tử thống nhất, sâu rộng, quy tụ nhiều game (hay "bộ môn" theo cách gọi của các công ty làm eSports), là điều bất khả thi. Đây đó, vẫn nghe thông tin về những ý định thành lập liên minh nhiều phòng máy, nhưng đến lúc này, chưa dự án nào thực sự thành công.

Từ sự manh mún, rời rạc, phân mảnh như vậy, có thể thấy eSports Việt Nam mới chỉ phát triển theo chiều rộng mà thiếu đi chiều sâu, có lượng nhưng chưa có chất!

Cơ bản nhất, chuyện phân biệt eSports "chỉ được thừa nhận là eSports khi có chứng chỉ từ một hiệp hội, một tổ chức thể thao điện tử, cả nội lẫn ngoại" hay eSports "chỉ cần đủ các yếu tố cộng đồng và giải đấu" cũng khiến những tranh cãi vô tận chỉ loanh quanh game A, game B, mà chẳng mang đến một chuẩn mực chung được thừa nhận. Hệ quả tất yếu, ai cũng có thể gắn chữ eSports vào sản phẩm của mình trong một ngày đẹp trời, nhưng chẳng ai màng đến việc cùng ngồi lại và CÙNG CHẤP NHẬN NHAU!

Vì vậy, nếu cần miêu tả toàn cảnh bức tranh eSports Việt Nam hiện tại, không gì rõ ràng hơn bằng 4 chữ: "Thân ai nấy lo!"

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.