“Bức tử” lòng đất: Lén bơm nước biển lọc titan

03/06/2010 00:21 GMT+7

Bình Thuận được đánh giá là vùng có tiềm năng khoáng sản titan (cát đen) thuộc diện nhiều nhất nước ta.

Tuy nhiên, việc cấp phép cho các doanh nghiệp (DN) khai thác tràn lan, thiếu kiểm tra đang để lại những hậu quả khó lường.

Ngày 29.5, chúng tôi trở lại xã Hòa Thắng (H.Bắc Bình, Bình Thuận) -  nơi có hàng nghìn ha đất đồi cát đang được đào bới để tìm kiếm cát đen. Tại công trường khai thác của Công ty Đường Lâm, công nhân vẫn đang hì hục dưới lòng chảo. Những chiếc máy sàng, máy đào, máy ủi vẫn chạy hết công suất.

Anh T., một công nhân của Công ty Sao Mai (khai thác ngay sát mỏ của Đường Lâm) cho biết, mỗi một máy lọc cát phải sử dụng hàng nghìn m3 nước biển mỗi ngày. “Không có nước thì không thể khai thác, nên dùng nước biển là hay nhất”, anh T. nói. Đây cũng chính là nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm mặn ở các khu gần dân cư, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường mà chính quyền tỉnh Bình Thuận đang tìm cách đối phó.

Không những thế, người dân xã Hòa Thắng rất bức xúc vì những đồi cát từ bao đời nay đang biến dạng do các DN khai thác đào bới. Người dân càng bức xúc hơn vì các dự án này chẳng đem lại lợi ích gì cho dân địa phương, vì nguồn lao động sử dụng chủ yếu các DN đem từ nơi khác đến.

 Tài liệu của Liên đoàn Địa chất trung Trung Bộ cho biết, chỉ tính trên diện tích 1.262 km2 đất cát đã được khảo sát vùng ven biển, Bình Thuận đã có khoảng 200 triệu tấn cát đen. Trong khi đó, báo cáo của Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận thừa nhận quản lý nhà nước trên lĩnh vực khai thác còn lỏng lẻo, nhất là ở chính quyền cơ sở. Lỗi vi phạm phổ biến của các DN khai thác từng bị xử phạt là: khai thác không đúng thiết kế; sử dụng nước biển làm nhiễm mặn; khai thác vượt ranh giới cấp phép và làm biến dạng địa hình.

Theo thông tin chúng tôi nắm được, hiện nay riêng khu vực hai xã Hòa Thắng và Hồng Phong có đến 5 DN được UBND tỉnh cấp phép khai thác cát đen. Một yếu tố cực kỳ hấp dẫn các DN chính là các điểm khai thác ở Hòa Thắng (H.Bắc Bình) ở sát biển. Đơn vị khai thác lấy ngay nước biển để lọc cát thay cho nước ngọt vốn rất hiếm hoi.

Giám đốc Sở TN-MT Bình Thuận Huỳnh Giác cũng thừa nhận: “Về nguyên tắc các DN không được lấy nước biển để khai thác cát đen, nhưng do không có đủ nguồn nước ngọt, họ vẫn lén lút bơm nước biển lên lọc cát”. Số liệu cập nhật từ sở này cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện chỉ có 10 DN được cấp giấy phép khai thác cát đen với 11 địa điểm khai thác cụ thể. Trong đó UBND tỉnh cấp giấy phép cho 8 DN, Bộ TN-MT cấp giấy phép cho 2 DN. Ngoài các DN đang khai thác ở Hòa Thắng và Hồng Phong (H.Bắc Bình) còn có các điểm khai thác lớn hơn ở Tân Thành, Tân Thuận, Suối Nhum (H.Hàm Thuận Nam); Tân Bình, Tân Hải (thị xã La Gi), Sơn Mỹ (Hàm Tân)... Đây cũng là những nơi người dân đang bức xúc vì nguồn nước nhiễm mặn và ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Một cán bộ Thanh tra Sở TN-MT Bình Thuận nói với chúng tôi: "Với các DN khai thác cát đen, không thanh kiểm tra thì thôi, chứ cứ kiểm tra là có lỗi, có DN trong một năm chúng tôi phạt đến 4 lần với các lỗi vi phạm ranh giới, hay chưa có báo cáo tác động môi trường đã khai thác nhưng việc khai thác của họ vẫn cứ tiến hành".

Quế Hà

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.