“Bức tử” lòng đất: Vàng mắt vì vàng

31/05/2010 00:08 GMT+7

Lòng đất đang bị bức tử với những hoạt động đào xới điên cuồng để tận thu nguồn tài nguyên hữu hạn, quý giá. Nghe đọc bài

Tài nguyên trong lòng đất ở Bắc Kạn nhiều nhất là vàng. Ông Nguyễn Đình Lai, Phó phòng TN-MT huyện Na Rì, khẳng định: “Bốc bất kỳ nắm cát nào của mọi dòng suối, con sông ở Bắc Kạn, đem đãi cũng sẽ có vài vụn vàng”.

Từ những năm 80 - 90 của thập kỷ trước, dân tứ xứ đã đổ về Bắc Kạn xới tung sông suối tìm vàng. Khi cơn lốc khai thác thủ công vừa tạm lắng thì Bắc Kạn lại xuất hiện những ông chủ lớn cùng với máy móc, công nghệ đào xới quy mô, biến núi rừng thành “chiến địa” và sông suối sền sệt bùn.

Ngày 14.9.2009, UBND tỉnh Bắc Kạn ra Quyết định số 2769/GP - UBND, cho phép Công ty TNHH Hùng Dũng (gọi tắt là Công ty Hùng Dũng) được khai thác mỏ vàng sa khoáng tại thôn Nà Làng, xã Lương Thượng, H.Na Rì. Thời điểm Công ty Hùng Dũng nhận quyết định nói trên cũng là lúc mà người dân Nà Làng đối mặt với nỗi khổ đến từ quá trình chuẩn bị khai thác. Cuối năm ngoái, một bồn dầu khoảng 2.000 lít bị vỡ, chảy lênh láng ra sông suối. “Thảm họa dầu tràn” vừa khắc phục thì DN lại tra tấn người dân bằng tiếng ồn đinh tai nhức óc của máy phát điện công suất lớn.

Không hiểu từ bao giờ, ai đó ở Nà Làng đã đặt tên làng mình “làng vàng mắt”. Điện lưới chập chờn nên máy phát phục vụ khai khoáng phải chạy suốt ngày đêm. Gần 1 năm trời chập chờn không ngủ được vì ồn nên cả làng ai cũng vàng mắt, bơ phờ.

Nỗi khổ trước mắt xem ra chưa thấm vào đâu so với thảm họa lâu dài về môi trường. Tại khu khai thác, chúng tôi được ông Nguyễn Tiến Hùng, quản lý mỏ dẫn đi xem hồ nước mà ông gọi là nơi lắng lọc. Hồ chỉ lớn hơn cái ao, thông trực tiếp với dòng chảy của sông Bắc Giang. Nước hồ cuồn cuộn đổ ra sông vàng quánh bùn đất. Ông Hùng nói rằng doanh nghiệp không sử dụng hóa chất độc hại như cyanua hay thủy ngân để phân kim, tuy nhiên, đấy chỉ là lời nói một phía. Cả ông Nguyễn Đình Lai, Phó phòng TN-MT Nà Rì và ông Lương Văn Hiến, Chủ tịch xã Lương Thượng cũng chưa thực sự tin tưởng vào việc DN tuân thủ điều mà họ cam kết. “Không ai có thể trực tiếp vào tận nơi phân kim vàng để xem họ có dùng hóa chất độc hại hay không”, ông Lai nói.

Đào xới rồi biến mất

Mất mát lớn nhất của dân vùng có mỏ vàng có lẽ là chuyện DN khai thác đào xới tơi tả cả lên rồi... biến mất. Cách khu khai thác của Công ty Hùng Dũng chỉ vài trăm mét về phía hạ lưu sông Bắc Giang là mỏ vàng Ao Tây. Tỉnh Bắc Kạn cho phép DN tư nhân Kim Mỹ Hưng khai thác mỏ này từ năm 2005. Sau thời gian đào bới rầm rộ, Kim Mỹ Hưng ngừng sản xuất, để lại bên bờ sông Bắc Giang mấy căn nhà lá xiêu vẹo cùng bãi đất đá hoang tàn.

Ngày 30.5, sau nhiều cố gắng, chúng tôi liên hệ được với ông Lê Hồng Thái, Phó giám đốc DN Kim Mỹ Hưng để hỏi về việc hoàn thổ đất đai. Qua điện thoại, ông Thái cho biết, chưa thể nói gì về việc hoàn thổ trong lúc này vì Kim Mỹ Hưng đang đợi tỉnh Bắc Kạn cho phép khai thác trở lại.

Khu bảo tồn thiên nhiên thành bãi vàng

Đầu thôn Kim Vân, xã Kim Hỷ, H.Na Rì, chúng tôi gặp tấm biển có nội dung: “Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Cấm đưa máy móc, phương tiện, dụng cụ, chất nổ, chất cháy vào khu bảo tồn... ”. Nhưng sau tấm biển ấy không xa, đang có mấy chiếc máy nổ chạy hết công suất. Một thiếu niên tên Phong cho biết, được ông chủ tên là Tuấn ở Phủ Thông thuê khai thác vàng “sái” của Công ty cổ phần Tấn Thành. Quanh chỗ Phong đặt máy, chúng tôi chứng kiến vô số hố hục, đất đá ngổn ngang. Xa hơn nữa là 2 lán trại tập kết vật tư, dầu mỡ phục vụ khai thác vàng. Sau khi đào bới tan hoang mấy ha đất trước mặt thôn Kim Vân, Công ty Tấn Thành chuyển máy móc vào điểm khai thác chính ở hang Tốc Lù, bên kia suối Bản Lềm.

Thấy tôi loay hoay chụp ảnh bãi khai thác tơi tả hoang tàn ngay trong lòng Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ, một bà lão ngồi trong lán nói vọng ra: “Đất hết rồi, ruộng trong Tốc Lù cũng ngập rồi. Bản Kim Vân này đói là tội của ông Yên đấy”.

Người tên Yên mà bà lão nhắc đến được ông Đinh Duy Văn (Trưởng thôn Kim Vân) cho biết, là Giám đốc Công ty Tấn Thành. Mấy ha ruộng của thôn Kim Vân trong Tốc Lù ngập là do công ty này đánh mìn làm tụt đá, bít dòng chảy từ năm 2006 đến nay.

Ngày 28.5, trước khi vào mỏ vàng Tốc Lù, chúng tôi đã có cuộc tiếp xúc với ông Nông Xuân Lanh, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Khu bảo tồn thiên nhiên Kim Hỷ. Ông Lanh cho biết, Kim Hỷ được công nhận là khu bảo tồn thiên nhiên từ năm 2005. Công ty Tấn Thành hoạt động khai thác vàng ở Kim Hỷ trước khi ông nhận chức hạt trưởng vào năm 2006. Lời giải thích của ông Lanh có thể hiểu: việc để 1 DN đưa máy móc thiết bị vào đào bới, biến một diện tích rất lớn của Khu bảo tồn thiên thiên Kim Hỷ thành hoang tàn không phải là trách nhiệm của ông! Trách nhiệm chính của ông hiện nay là đôn đốc kiểm tra, yêu cầu Công ty Tấn Thành cam kết không phá rừng.

Lời nguyền tài nguyên

Theo báo cáo của Viện Tư vấn phát triển (CODE), tổng số vốn đầu tư cho ngành khai khoáng ở ta năm 2000 đứng vị trí thứ 6/18 so với vốn đầu tư các ngành kinh tế, lĩnh vực khác trong tổng đầu tư của cả nước; từ năm 2005 - 2008, vị trí đó là 5/18. Tổng số vốn đầu tư cho công nghiệp khai thác mỏ năm 2008 (50.962 tỉ đồng), tăng gấp 5,3 lần năm 2000 (9.588 tỉ đồng).

Theo ông Phạm Quang Tú, Phó viện trưởng CODE, dù được đầu tư cao (đứng thứ 5) nhưng hiệu quả đầu tư của ngành khai khoáng đóng góp vào tăng trưởng GDP (tỷ số giữa GDP do ngành khai khoáng đóng góp/tổng đầu tư ngành khai khoáng) thấp hơn nhiều ngành kinh tế khác.

Trong vòng 12 năm (1996-2008), Bộ Công nghiệp, Bộ Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) cấp 928 giấy phép hoạt động khoáng sản. Trong khi đó chỉ trong vòng 3 năm, từ tháng 10.2005 đến tháng 8.2008, UBND các tỉnh, thành phố đã cấp đến 3.495 giấy phép khai thác (cao cấp 8 lần số lượng của T.Ư cấp trong vòng 12 năm).

Cụ thể, năm 2000: tỷ số này là 4,44 lần, năm 2008 là 2,59 lần; xếp hạng so với hiệu quả đầu tư của các ngành kinh tế và lĩnh vực khác thì khai khoáng chỉ đứng thứ 6 (năm 2000) và đứng thứ 8 (năm 2008). Bên cạnh đó, dù ngành công nghiệp khai khoáng cũng là một trong những ngành tạo nhiều việc làm cho xã hội, tuy nhiên, số lượng lao động làm việc trong ngành khai khoáng chỉ đứng thứ 11/18 so với các ngành kinh tế và lĩnh vực khác. Theo CODE, ngành khai khoáng thực chất chỉ có dưới 50% lao động có việc làm ổn định trong các doanh nghiệp, số còn lại chỉ làm việc ngắn hạn và thu nhập bấp bênh.

Vì lợi nhuận trước mắt nên nhiều DN chú trọng khai thác và xuất khẩu sản phẩm thô hoặc tinh quặng mà ít chú trọng đầu tư chế biến sâu vì cần vốn đầu tư lớn và đầu tư dài hạn. CODE đánh giá: Ngoài nguồn lợi thu được qua khai thác theo kế hoạch được phê duyệt, một nguồn lợi nhuận không nhỏ cho doanh nghiệp khai khoáng là liên kết, thuê thầu khai thác với các tổ chức khác cùng chia sẻ lợi nhuận qua xuất khẩu tiểu ngạch hoặc xuất lậu.

Tài nguyên khoáng sản là một phần quan trọng của tài sản tự nhiên của một quốc gia. Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích chỉ ra rằng, những nước giàu tài nguyên thiên nhiên thì nền kinh tế thường có xu hướng tăng chậm hơn các nước khác. Nhà nghiên cứu Richard Auty - tác giả cuốn sách Duy trì phát triển trong các nền kinh tế khoáng sản: giả thuyết lời nguyền tài nguyên gọi đó là hiện tuợng “Lời nguyền tài nguyên”. Còn ông Nguyễn Trung, nguyên thành viên Ban Nghiên cứu của Thủ tướng Chính phủ thì gọi tài nguyên khoáng sản ở Việt Nam là một “cái bẫy”. Ông phân tích: “Tài nguyên khoáng sản khai thác như hiện nay đang gia cố thêm cơ cấu kinh tế lạc hậu của đất nước, môi trường bị hủy hoại và xuống cấp nhanh chóng, kìm hãm những ngành kinh tế năng động khác, bước phát triển trước cản đường bước phát triển sau, xuất hiện bần cùng hóa và nghèo đói mới”. Ông Trung khuyến cáo: “Nước ta không cần chờ đến khi khai thác cạn kiệt các nguồn tài nguyên khoáng sản rồi mới hứng chịu lời nguyền tài nguyên như châu Phi, châu Mỹ La-tinh... Ngay từ bây giờ, do đất chật người đông, tài nguyên khoáng sản lại nằm ngay trên các vùng rừng đầu nguồn và đông dân cư, có nhiều ngành kinh tế khác nhau chồng lên, lại thêm tha hóa và tệ tham nhũng, nên việc khai thác khoáng sản của nước ta như đang diễn ra, cho thấy từ lợi thế về nguồn tài nguyên khoáng sản dồi dào đến sa vào bẫy của nó đúng là chỉ một bước chân”.

Quang Duẩn

Dương Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.