Búc xúc việc cấp bến thủy nội địa 'xâu xé' lòng hồ Dầu Tiếng

Đỗ Trường
Đỗ Trường
17/07/2018 08:34 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh Bình Dương khóa IX (diễn ra từ ngày 11-13.7) đã có nhiều đại biểu (ĐB) bức xúc, đặt câu hỏi chất vấn lãnh đạo Sở GT-VT trong việc cấp giấy phép hoạt động bến thủy nội địa, tạo điều kiện cho “cát tặc” xâu xé lòng hồ Dầu Tiếng.

Tiếp tay cho khai thác cát lậu
ĐB Nguyễn Thanh Trung (Tổ đại biểu TX.Thuận An) cho rằng hiện nay có trên 20 bến thủy nội địa (BTNĐ) đang hoạt động trong lòng hồ Dầu Tiếng, riêng tại xã Minh Hoà (H.Dầu Tiếng) có đến 16 bến. “Các BTNĐ được cấp phép liền kề nhau dẫn đến hệ lụy như sử dụng đất sai mục đích, phương tiện vận chuyển cát quá nhiều, tải trọng lớn gây hư hỏng đường giao thông, gây bụi, ô nhiễm môi trường, thậm chí vượt đèn đỏ và kể cả việc có điểm tập kết cát từ hoạt động khai thác cát lậu”, ĐB Trung bức xúc. ĐB Nguyễn Phương Linh (Tổ đại biểu HĐND H.Dầu Tiếng) chất vấn Sở GT-VT về cơ sở pháp lý để cấp giấy phép hoạt động bến thuỷ nội địa trên lòng hồ Dầu Tiếng. “Khi cấp Sở GT-VT có xem xét khả năng chịu tải của các tuyến đường hay không?”. Còn ĐB Hà Thanh (Tổ đại biểu TX.Thuận An) phát biểu: “Các giấy phép khai thác cát chủ yếu được cấp trên địa bàn Tây Ninh, Bình Dương chỉ cấp 1 giấy phép. Tuy nhiên, sau khi khai thác cát thì chuyển qua địa bàn Bình Dương tiêu thụ vì có nhiều BTNĐ”.
Ông Trần Bá Luận, Giám đốc Sở GT-VT Bình Dương đã giải trình trước HĐND. Ông Luận cho biết Sở GT-VT đã cấp phép cho tổng cộng 19 BTNĐ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng. Quá trình cấp phép, ngoài việc tuân thủ Thông tư 50/TT-BGTVT ngày 17.10.2014 của Bộ GTVT về quản lý cảng, bến thủy nội địa và Quyết định số 3027/QĐ-UBND ngày 03.11.2016 về các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Sở GTVT; Sở GT-VT đều lấy ý kiến của UBND H. Dầu Tiếng, Ban quản lý lòng hồ Dầu Tiếng, Công ty TNHH MTV khai thác thủy lợi Dầu Tiếng - Phước Hòa. Tại thời điểm xin cấp phép, cả 19 BTNĐ này đều có hợp đồng khai thác, gia công, ký với các doanh nghiệp được cấp phép khai thác cát trong lòng hồ Dầu Tiếng. Đến nay, còn 17 giấy phép BTNĐ còn thời hạn (dài nhất là đến tháng 01.2019). Ngoài ra, còn 3 BTNĐ được cấp phép nhưng chưa đi vào hoạt động. “Đến thời điểm tháng 1.2019 sẽ xóa bỏ toàn bộ các BTNĐ trên lòng hồ Dầu Tiếng”, ông Luận khẳng định.
Cũng theo ông Luận, thời gian tới, việc quản lý các BTNĐ khu vực lòng hồ Dầu Tiếng được thực hiện theo Quyết định số 1733/QĐ-UBND UBND tỉnh vừa ban hành ngày 28.6.2018 phê duyệt quy hoạch cảng, BTNĐ trên địa bàn Bình Dương.
Khó kiểm sát vệ sinh an toàn thực phẩm
Cũng tại kỳ họp, nhiều cử tri và ĐB HĐND tỉnh Bình Dương đặt ra những vấn đề liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đặc biệt trong các bếp ăn tập thể, suất ăn công nghiệp ở trường học và các công ty, xí nghiệp. Giải trình về những vấn đề này, đại diện Sở Y tế Bình Dương thừa nhận vẫn còn những hạn chế, bất cập như cử tri và ĐB đặt ra. Theo đại diện Sở Y tế, ATVSTP là vấn đề thời sự, nhạy cảm được toàn xã hội quan tâm; đây là vừa thách thức vừa áp lực đối với cơ quan quản lý về ATVSTP. Đối với các bếp ăn tập thể tại công ty, doanh nghiệp, lãnh đạo Sở Y tế Bình Dương cho rằng do chưa có quy định về giá thành tối thiểu cho mỗi suất ăn của người lao động nên một số doanh nghiệp còn cho công nhân ăn với giá thành thấp, không đủ chi phí để lựa chọn các nguồn nguyên liệu an toàn. “Ngành Y tế chỉ tuyên truyền, vận động, khuyến khích người sử dụng lao động tăng giá thành mỗi suất ăn phù hợp chứ không có chức năng can thiệp, ngăn chặn các biểu hiện bao che, lợi ích nhóm giữa các công ty” – đại diện Sở Y tế Bình Dương nói.
Trong khi đó, đại diện Sở Công thương Bình Dương cho rằng đối với các doanh nghiệp cung cấp suất ăn công nghiệp hoặc có tổ chức bếp ăn tập thể đều được Sở Y tế cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện ATVSTP. Vấn đề đặt ra là các đơn vị cung cấp suất ăn công nghiệp tự ý đi mua đồ ăn ở ngoài (không nằm trong siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối…) thì rất khó kiểm soát.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.