(iHay) Thường tôi luôn chuẩn bị chu đáo cho những chuyến đi xa của mình từ việc mua vé máy bay, bảo hiểm, đặt khách sạn và liệt kê hàng đống thứ cần làm trong suốt lịch trình. Nhưng với chuyến đi Nepal, tôi lại muốn để cảm xúc của mình thật tự nhiên, không bị dẫn dắt bằng cảm xúc của người khác qua những bài viết hay lời kể. Và tôi đến Nepal để mang về những bùi ngùi…
>> Đề phòng sự cố khi đi du lịch
Đường phố thủ đô Kathmandu (Nepal)
|
Kathmandu - bức tranh muôn màu
Chuyến xe khách bỏ chúng tôi tại Thamel, khu vực đông đúc và nhộn nhịp nhất Kathmandu, lúc trời đã nửa đêm. Những tưởng khu phố cổ đang chìm trong thinh lặng nhưng trái lại mọi thứ diễn ra vô cùng sôi động. Đường phố nhộn nhịp tiếng nói cười, hàng quán tấp nập du khách và các quán bar vẫn nhạc xập xình chưa có dấu hiệu kết thúc.
Tôi nhanh chóng tìm được một khách sạn nhỏ, phòng khá đẹp, với giá tính theo tiền Việt chưa tới 200.000 đồng/đêm. Nepal là quốc gia du lịch thuộc hàng rẻ nhất thế giới với chi phí sinh hoạt dành cho du khách chưa đến 50.000 đồng/ngày. Ở Nepal, bạn phải mặc cả giỏi vì hầu như mọi thứ đều được người bán nói thách gấp đôi hoặc thậm chí gấp ba. Đó là điểm duy nhất tôi không thích ở đất nước này.
Một cửa hàng bán đồ lưu niệm tại Bhaktapur
|
Thủ đô Kathmandu nằm trên tuyến đường chinh phục đỉnh Everest nên là điểm dừng chân khá lý tưởng cho các nhà leo núi. Thung lũng Kathmandu được bao quanh bởi những dãy núi cao, quanh năm phủ tuyết trắng xóa, cảnh đẹp nao lòng.
Thành phố này còn nổi tiếng với nhiều công trình kiến trúc văn hóa lâu đời cùng đời sống văn hóa đa sắc màu. Tôi yêu những buổi bình minh lang thang nơi thành cổ Bhaktapur để thấm đẫm từng nét văn hóa lâu đời. Mỗi bước chân ở Bhaktapur như đưa tôi về thời trung cổ khi xung quanh là những công trình kiến trúc vĩ đại, những con đường cũ kỹ lát đá, những kiệt tác kiến trúc với các đường nét chạm trổ tinh xảo.
Khu nhà dân trong Bhaktapu
|
Tôi đã có nhiều cơ hội tham quan các di sản văn hóa thế giới nhưng hiếm có nơi nào khiến tôi nổi da gà như nơi đây khi thấy cả một thành phố được bảo tồn toàn vẹn qua hàng trăm năm trời. Điều khiến tôi thích thú khi đến Bhaktapur là các đền đài, công trình kiến trúc công cộng được xây dựng liền kề với những dãy phố nhà dân và hoàn toàn không có sự tách biệt, như thể từ xa xưa các giá trị văn hóa, tôn giáo đã gắn liền với nếp sống thường nhật của người bản địa như một phần không thể thiếu. Bhaktapur đẹp, một vẻ đẹp vừa mộc mạc, vừa kiêu kỳ, vừa phô trương nhưng vẫn đầy nét bí ẩn.
Xem lễ hỏa táng ở Pashupatinath
Đến giờ tôi vẫn còn cảm giác rợn người khi nhớ lại lúc xem nghi thức hỏa táng của người dân Nepal tại đền Pashupatinath. Người chết được quấn trong tấm vải trắng, xung quanh rải đầy hoa vạn thọ vàng.
|
Theo giáo lý nhà Phật, hình ảnh đó tượng trưng cho sự tái sinh ở kiếp sau. Người ta đặt người chết lên một đống củi chất sẵn và bắt đầu nghi thức hỏa thiêu. Con trai trưởng của người quá cố sẽ cầm ngọn lửa thiêng đi ba vòng xung quanh xác chết rồi sau đó tự tay châm lửa. Việc kiêng kị trong đám tang của người Hindu là không được khóc lóc hay đau buồn bởi họ muốn người chết được thanh thản và mau chóng siêu thoát.
Tôi định đưa máy ảnh lên chụp thì anh chàng hướng dẫn viên bảo người ta cấm chụp và đó là quy định thể hiện sự tôn trọng người chết của người Nepal. Sau nghi thức hỏa thiêu, toàn bộ tro, xương người chết và cả một số thứ chưa kịp cháy hết được thả xuống dòng sông thiêng Bagmati. Trong khi cách đó vài chục mét, những người phụ nữ vẫn chậm rãi giặt đồ và lũ trẻ con vẫn bơi lội với tiếng nói cười vô lo...
Diện kiến Thánh nữ Kumari
Ngày đến Nepal, tôi hoàn toàn không biết tí thông tin gì về Thánh nữ sống Kumari. Anh bạn lễ tân khách sạn bảo tôi phải đi xem tận mắt nếu không sẽ là một thiếu sót lớn trong đời. Thánh nữ Kumari là một bé gái đồng trinh được tuyển chọn với những tiêu chuẩn cực kỳ gắt gao nhằm bảo hộ và mang đến may mắn, thịnh vượng cho người dân.
Khu vực đền Pashupatinath nổi tiếng với nghi thức hỏa táng
|
Trong suốt thời gian đương nhiệm, Thánh nữ cùng với gia đình của mình phải dọn đến ở trong các đền thờ hoặc khu vực dành riêng với tên gọi Kumari Bahal và được phục vụ chu đáo cẩn thận từ việc ăn uống, nghỉ ngơi, học hành. Đặc biệt, trong suốt thời gian đương nhiệm, Thánh nữ không được phép đặt chân xuống đất, muốn di chuyển phải có người bế hoặc ngồi trên ngai vàng trong mỗi dịp đại lễ.
Mỗi ngày Thánh nữ chỉ xuất hiện hai lần vào lúc 12 giờ trưa và 4 giờ chiều qua khung cửa sổ trên cao. Tôi có mặt tại Kumari Bahal từ lúc 3 giờ chiều để được diện kiến Kumari. Gần 4 giờ chiều, khu vực xung quanh đã đông đúc người dân cũng như du khách chờ Thánh nữ xuất hiện và ban phước lành. Tất cả du khách đều không được phép quay phim, chụp ảnh Nữ thánh. Tôi đứng khá gần khu vực Kumari xuất hiện. Đó là cô bé khoảng 8 tuổi với gương mặt trong sáng được trang điểm khéo léo với con mắt thứ 3 vẽ ngay giữa trán nhằm xua đuổi tà ma và điểm gở cho toàn dân.
Tôi gần như không chuyển hướng nhìn của mình cho đến khi Kumari đi vào trong. Được biết, khi đến kỳ kinh nguyệt đầu tiên, các Kumari sẽ mãn nhiệm kỳ. Tôi chạnh lòng nghĩ, liệu các em nhỏ ấy có dễ dàng hòa nhập được với cuộc sống thường nhật hay không?!
Giờ đây, khi ngồi hình dung lại những hình ảnh này, tôi không chỉ nhớ quay quắt những ngày ở thủ đô Kathmandu, những con đường nhỏ lát đá đi giữa hai dãy nhà cổ xưa mà như còn ngửi được cả mùi cháy khét ở Pashupatinath và vẫn còn nguyên vẹn những băn khoăn về tương lai của nữ thánh sống…
Quốc Huy
>> Những ruộng hoa đẹp tựa tranh vẽ ở Hà Lan
>> Hành trình dọc eo biển Melaka - Kỳ 3: Langkawi dưới cánh đại bàng
Bình luận (0)