Bùng nổ mạng ảo VPN sau các lệnh cấm TikTok, WeChat

13/08/2020 18:36 GMT+7

Khi các quốc gia trên thế giới cấm hoặc đe dọa hạn chế TikTok, sự quan tâm đến các mạng riêng ảo (VPN) tăng đột biến.

Việc sử dụng VPN cho phép người dùng truy cập internet thông qua kết nối được mã hóa, mọi yêu cầu, thông tin, dữ liệu trao đổi giữa người dùng và website sẽ được truyền đi trong một kết nối an toàn. Người dùng cũng có thể sử dụng internet dưới danh nghĩa vị trí của máy chủ VPN, điều này mang lại một số lợi ích khi truy cập các trang web, ứng dụng bị chặn hoặc có giới hạn địa lý.
Harold Li - phó chủ tịch ExpressVPN, nền tảng có hơn 3.000 máy chủ tại 94 quốc gia cho biết: “Chúng tôi đang chứng kiến ngày càng nhiều chính phủ trên thế giới cố gắng kiểm soát thông tin mà công dân của họ có thể truy cập. Vì lý do này, VPN được ngày càng nhiều người trên toàn thế giới sử dụng hơn để truy cập vào các trang web và dịch vụ bị chặn".
Thật vậy, trang web của ExpressVPN đã chứng kiến lưu lượng truy cập tăng 10% sau khi chính phủ Mỹ thông báo về lệnh cấm TikTok. Tại Ấn Độ, khi chính phủ chính thức cấm cửa TikTok, ExpressVPN chứng kiến lưu lượng truy cập web tăng 22%. Dịch vụ VPN này cũng đã ghi nhận xu hướng tương tự ở Nhật Bản và Úc, lưu lượng truy cập tăng lần lượt 19% và 41% sau khi chính phủ cho biết họ có thể chặn TikTok.

Người dùng tại các quốc gia có lệnh cấm chứng kiến lưu lượng truy cập vào các dịch vụ VPN tăng vọt

Ảnh: AFP

VPN từ lâu đã trở thành một giải pháp phổ biến để mọi người tránh các hạn chế trên internet, có thể là các nội dung bị kiểm duyệt hoặc từ các lệnh cấm ứng dụng. Tuy nhiên, một học giả truyền thông Hồng Kông đã cảnh báo rằng việc sử dụng VPN thực chất không phải là "viên đạn thần kỳ", nó không hoàn toàn giải quyết được vấn đề như nhiều người nghĩ.
Các chính phủ hoàn toàn có thể gây khó khăn cho người dùng muốn truy cập VPN bằng cách xóa chúng khỏi các cửa hàng ứng dụng tại khu vực sở tại. Người dùng lúc này sẽ phải đăng ký dịch vụ trong một cửa hàng ứng dụng tại khu vực khác, điều này sẽ gặp phải những khó khăn liên quan đến thanh toán dịch vụ tại nước ngoài, bởi thông thường, để sử dụng VPN an toàn và không giới hạn, người dùng sẽ luôn phải trả thêm phí. Thêm vào đó, các quốc gia cũng có thể bất hợp pháp hóa việc sử dụng VPN, phạt người dùng và thậm chí bỏ tù các nhà cung cấp VPN như Trung Quốc đã làm.

Mỹ có thể cấm TikTok trên App Store, Google Play Store?

Tùy thuộc vào từng lệnh cấm ứng dụng diễn ra trong thực tế, người dùng VPN có thể sẽ có thêm những thách thức khác. Harold Li cho biết: “Chúng tôi chưa biết liệu các lệnh cấm trong tương lai sẽ còn thay đổi như thế nào, chúng có thể khiến người dùng buộc phải bổ sung các thao tác khi sử dụng VPN, chẳng hạn như việc tháo thẻ SIM cục bộ của họ".
Mặc dù người dùng có thể tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho các ứng dụng bị cấm, tuy nhiên việc chuyển đổi dịch vụ có thể tiêu tốn chi phí cao. Ngoài ra, những ứng dụng như TikTok với 'hiệu ứng mạng nội dung' mạnh mẽ và to lớn, khiến các đối thủ khó có thể mang đến trải nghiệm người dùng tương đương.
 

Đối với các siêu ứng dụng có nền tảng dịch vụ khổng lồ, sẽ rất khó để người dùng tìm được một phương án thay thế tương đương

Ảnh: Reuters
Đây cũng là lý do cho việc nhiều người lo lắng về lệnh cấm WeChat ở Mỹ, đơn giản là họ thiếu đi một giải pháp thay thế khả thi so với một siêu ứng dụng nhắn tin của Trung Quốc với hơn 1 tỉ người dùng. Đối với các thành viên của cộng đồng người Hoa ở Mỹ, WeChat là cách duy nhất để họ kết nối với gia đình và bạn bè của họ ở Trung Quốc, nơi mà ứng dụng trò chuyện này thống trị trong khi các mạng xã hội lớn của phương Tây không khả dụng.
Các cá nhân và doanh nghiệp trên toàn thế giới ngày càng cần phải thích ứng với việc ngừng cung cấp dịch vụ hoặc có nguy cơ mất quyền truy cập vào một thế giới internet mở và miễn phí - như cách mà ban đầu nó đã xuất hiện. Người sáng lập Telegram Pavel Durov từng than thở : “Việc Mỹ chống lại TikTok đang đặt ra một tiền lệ nguy hiểm mà cuối cùng có thể giết chết internet như một mạng toàn cầu thực sự”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.