Bùng phát thực phẩm nhà làm: Vì sao cần có nhãn dinh dưỡng?

Lê Cầm
Lê Cầm
05/05/2022 04:05 GMT+7

Nhãn dinh dưỡng thể hiện sự minh bạch cho sản phẩm và giúp người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm phù hợp với chế độ ăn uống, bệnh lý, điều kiện sức khỏe của bản thân.

Bộ Y tế vừa ban hành dự thảo Thông tư hướng dẫn về ghi nhãn dinh dưỡng đối với thực phẩm. Theo đó, Bộ Y tế đề xuất chậm nhất đến 1.1.2025, các sản phẩm sản xuất theo phương pháp thủ công phải ghi nhãn dinh dưỡng theo quy định.

Nhãn dinh dưỡng thực phẩm là gì?

Các loại thực phẩm chế biến sẵn đều được đóng gói và niêm yết thành phần dinh dưỡng cụ thể nhưng không phải ai cũng nắm rõ những thông tin quan trọng này.

Bác sĩ dinh dưỡng Nguyễn Thu Hà (Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn) cho biết, trên nhãn dinh dưỡng đề cập tới thông số của từng loại như năng lượng (energy); chất đạm (protein); carbohydrate (chất bột đường); total sugar (đường tổng số/tổng đường); chất béo (fat); chất béo bão hòa (saturated fat); muối natri (sodium).

Tùy thuộc vào chế độ ăn uống và tình trạng sức khỏe, mỗi người có thể tính toán các thông số trên, có sự lựa chọn thực phẩm phù hợp, sử dụng với lượng vừa đủ để cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể và giảm thiểu các nguy cơ gây ra các vấn đề sức khỏe.

Nhãn dinh dưỡng trên một sản phẩm sữa

Lê Cầm

Vì sao thực phẩm cần có nhãn dinh dưỡng?

Bác sĩ Nguyễn Thu Hà chia sẻ, Việt Nam đang phải đối mặt với gánh nặng ngày càng gia tăng các bệnh mạn tính không lây, chủ yếu là các bệnh tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính và ung thư. Trong đó, chế độ ăn uống không lành mạnh, bao gồm lựa chọn thực phẩm không rõ thành phần và giá trị dinh dưỡng là một trong các yếu tố nguy cơ quan trọng của các bệnh mạn tính vừa nêu.

"Việc ghi nhãn dinh dưỡng công bố minh bạch về thành phần dinh dưỡng giúp người tiêu dùng hiểu được thành phần của thực phẩm, tính được năng lượng từng sản phẩm để chọn lựa được thực phẩm phù hợp, có lợi cho sức khỏe", bác sĩ Hà chia sẻ.

PGS-TS-BS Lâm Vĩnh Niên, Trưởng khoa Dinh dữơng - Tiết chế, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM, cho biết ở nhiều nước trên thế giới, việc ghi nhãn thực phẩm là công việc thiết yếu của ngành công nghiệp thực phẩm. Việc ghi nhãn thực phẩm giúp người tiêu dùng quyết định, chọn lựa thực phẩm đáp ứng các nhu cầu và kế hoạch ăn uống.

Nhãn dinh dưỡng được công bố trong sản phẩm nước sốt ướp thịt

Lê cầm

Cách đọc những thông số trên nhãn thực phẩm

Theo bác sĩ Hà, khi mua thực phẩm cần chú ý đọc thông số trên nhãn thực phẩm vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe người dùng. Cụ thể:

Khẩu phần: Khẩu phần là một phần ăn theo quy định (hay một suất ăn), có chứa lượng kcal nhất định. Cần chú trọng xem khẩu phần ăn trên bao bì vì cách tính kcal theo khẩu phần là để giúp người sử dụng biết được lượng kcal khi tiêu thụ, tránh tiêu thụ nhiều gây tăng cân. Ví dụ, một túi khoai tây chiên có chứa 150 kcal/khẩu phần 30 gram, nhưng cả túi này 90 gram là 3 phần ăn, nghĩa là có chứa tới 450 kcal.

Năng lượng: Được tính bằng kcal. Thông tin về kcal trên bao bì thực phẩm thể hiện việc người dùng đã nạp bao nhiêu năng lượng từ thức ăn. Về các mức độ kcal trong thực phẩm: 40 kcal là thấp, 100 kcal là trung bình và 400 kcal là cao. Nếu nạp quá nhiều năng lượng mỗi ngày so với tiêu hao năng lượng bằng cách tập thể dục thì sẽ làm gia tăng nguy cơ thừa cân, béo phì và mắc các bệnh mạn tính không lây.

Chú ý đến các thông số chất đạm, chất đường bột, chất béo, chất béo bão hòa và đặc biệt là muối natri. Một chế độ ăn uống ít chất béo bão hoà, đường và muối natri có thể giúp bạn giảm nguy cơ mắc các bệnh mạn tính không lây, như bệnh tim mạch, đột quỵ, đái tháo đường và bệnh ung thư. Bởi vì chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa (trans-fat) có liên quan đến việc tăng nguy cơ mắc bệnh tim và cholesterol máu cao.

Chất béo chuyển hóa: Người tiêu dùng chú ý luôn kiểm tra phần này trong thành phần nguyên liệu. Thành phần này thường có trong các sản phẩm chế biến công nghiệp, thức ăn nhanh, đồ chiên rán, thực phẩm chế biến sẵn.

Bác sĩ Hà lưu ý với cholesterol, chúng ta chỉ nên ăn dưới 300 miligram cholesterol mỗi ngày và nếu bị bệnh lý tim mạch thì ăn dưới 200 miligram. Ăn quá nhiều đường sẽ cung cấp nhiều năng lượng, nhưng lại thiếu hụt các chất dinh dưỡng khác, đặc biệt là vitamin và khoáng chất làm mất cân bằng dinh dưỡng.

Ngoài ra nồng độ muối natri cao có thể dẫn đến việc tăng huyết áp, do đó chỉ nên ăn dưới 2.400 miligram natri mỗi ngày và nếu bị bệnh lý tim mạch thì ăn dưới 2.000 miligram mỗi ngày.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.