Bước chân miền Trung có gì mới?

09/07/2011 15:04 GMT+7

Phải gần 20 năm rồi, sân khấu Nhà hát Hòa Bình (TP.HCM) mới có dịp sáng đèn trở lại vào... ban ngày với chương trình Bước chân miền Trung diễn ra vào 16.7.

Bởi, ngoài suất diễn buổi tối như thường lệ, còn có suất diễn buổi chiều, lúc 14 giờ. Chúng tôi có cuộc trao đổi với đạo diễn Trần Vi Mỹ về show diễn mà đội ngũ ca sĩ toàn người miền Trung này.

Là người gốc miền Tây, vì sao anh có ý tưởng làm chương trình về miền Trung?

Quê tôi là miền sông nước Nam Bộ, và tôi sinh ra, lớn lên tại Sài Gòn. Tuy nhiên, trong quá trình làm nghề, tôi có nhiều cơ hội đi đến nhiều vùng miền trên đất nước. Có lẽ dải đất miền Trung để lại trong tôi nhiều ký ức nhất. Với thói quen thường quan sát nên tôi có thể chắt lọc những nét văn hóa đặc sắc của vùng đất này. Bên cạnh đó, đồng đạo diễn Hồng Phước cũng có những trải nghiệm và tìm tòi từ thực tế cũng như chi tiết lịch sử cần thiết để có một khung sườn kịch bản thật chắc, chọn lọc. Tôi mong muốn có một chương trình nghệ thuật đúng nghĩa phục vụ khán giả trong bối cảnh hiện nay ít đơn vị chịu đầu tư chương trình như thế này.

 
Mỹ Tâm -  Ảnh: N.V  

Có những khó khăn nào trong quá trình làm show với đội ngũ ca sĩ hùng hậu, diễn ra gần 4 tiếng như Bước chân miền Trung không?

Việc tìm kiếm các ca khúc là vấn đề rất khó khăn, dù các bài hát về vùng miền cũng đa dạng và các nhạc sĩ nổi tiếng cũng rất nhiều, nhưng không dễ chọn ca khúc vừa hay, vừa mang tính đại diện và phù hợp chất  giọng của từng ca sĩ.

 
Cẩm Ly -  Ảnh: N.V

Anh có thể tiết lộ một vài tiết mục hứa hẹn tạo những cảm xúc thú vị cho người xem?

Các chi tiết của mảng miếng dàn dựng trong chương trình này cũng cần có sự nghiên cứu về tính chính xác, hợp lý và tâm lý. Có tiết mục trong lúc bàn bạc cả ê-kíp đã cảm thấy xúc động. Ví như Đêm hoa đăng, chúng tôi tái dựng một đêm rằm trong cung đình thời phong kiến, và khuất sau những đèn hoa rực rỡ, múa hát náo nhiệt là nỗi cô đơn, u uẩn của một thân phận cung phi… Hay, sẽ tái dựng cảnh khốn khó của đồng bào miền Trung trước thiên tai khắc nghiệt; tái dựng hoạt cảnh tâm sự của Huyền Trân Công Chúa xuất giá bên những vũ điệu Chăm; khán giả cũng có thể bắt gặp đêm rằm phố Hội bên Chùa Cầu, những làng nghề truyền thống được tái dựng trên sân khấu qua ca khúc Tình em xứ Quảng; những đại cảnh thực hiện 3D của Đại nội Huế… Riêng tiết mục Anh còn nợ em, chương trình đã đầu tư 60 triệu đồng với kỹ thuật hollygram (tạo cảm giác ảo) khá lạ mắt cho người xem. 

Ban tổ chức (Công ty Tiếng Hát Việt, Proevants và ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng) có dự định mang chương trình này đến với miền Trung không, hay có kế hoạch tổ chức những show mang tính chất vùng miền khác?

Để mang chương trình này ra miền Trung là không đơn giản, cần có thời gian để chuẩn bị. Tuy nhiên, cả ê-kíp đang lên ý tưởng cho một chương trình khác đầy hứa hẹn với chủ đề Việt Nam tôi.

Nguyên Vân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.