Báo New York Times dẫn nguồn từ cảnh sát Moldova cho biết nhóm này bị bắt khi đang thương lượng bán uranium, được cho là có xuất xứ từ Nga, cho một người Bắc Phi. Tang vật chào hàng cho người mua là một ống bằng chì đựng mẫu uranium.
Kênh truyền hình ProTV Chisinau đã cho chiếu một đoạn phim ngắn do Bộ Nội vụ Moldova cung cấp, trong đó có cảnh một nhóm đàn ông đang thương lượng bán uranium trong sân một ngôi nhà cũ. “Giá bình thường là 100 triệu USD, nhưng chúng tôi quyết định bán cho ông giá 20 triệu USD thôi, ông hiểu không?” - một người trong nhóm buôn lậu ra giá với người đàn ông Bắc Phi. Cuộc ngã giá chưa đến hồi kết thì đã sớm hạ màn khi cảnh sát ập vào và bắt gọn cả bọn, còn người đàn ông Bắc Phi chính là một cảnh sát chìm.
Mạng Foreign Policy của Mỹ cho biết tháng 5-2011, Bộ Ngoại giao Mỹ đã báo động về những hiểm họa tiềm ẩn do sự hỗn loạn về an ninh hạt nhân ở Nga trong những năm 1990. Giới chuyên gia Mỹ nhận định việc Liên Xô sụp đổ đã để lại hàng trăm tấn phóng xạ uranium và plutonium trải dài ở 11 múi giờ trên thế giới. Số phóng xạ này chỉ được niêm phong và quản lý lỏng lẻo. Washington từng lên tiếng cảnh báo nguy cơ này từ năm 1994 khi cho rằng tình trạng lỏng lẻo này kích hoạt các phi vụ buôn lậu hạt nhân trên thế giới. Tháng 10-1994, cảnh sát hình sự tại sân bay Munich (Đức) đã bắt giữ một vali chứa đầy chất plutonium được vận chuyển từ Matxcơva. |
Trong số nghi can bị bắt có bốn người Moldova, một người Nga và một đến từ vùng ly khai Transnistria ở phía đông Moldova. Ông Vitalie Briceag, một quan chức thuộc Bộ Nội vụ Moldova, cho biết các nghi can khai nhận họ có thể cung cấp khoảng 1kg uranium nhưng không giao hàng cùng một lúc.
Dùng máy đo bức xạ ion hóa để kiểm tra ống đựng chất phóng xạ, cảnh sát Moldova bước đầu kết luận đây là chất uranium-235.
Uranium-235 hiện đang được sử dụng trong các nhà máy điện hạt nhân và có thể được dùng để chế tạo bom hạt nhân. Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) cho hay 25kg uranium-235 là đủ để chế tạo một quả bom hạt nhân.
Hãng thông tấn Nga cho biết cảnh sát Moldova đã phối hợp với lực lượng an ninh ở Đức, Ukraine và Mỹ tiếp tục theo dõi và điều tra phi vụ buôn lậu này.
Trước đó năm 2006, cảnh sát Gruzia cũng đã giả dạng thành những tay mua bán chuyên nghiệp để tiếp cận với bọn buôn lậu uranium và đã bắt được một người đàn ông đang trên đường đưa mẫu uranium đến gặp đối tác mua hàng người Trung Đông, vốn cũng là một cảnh sát chìm.
Giới chuyên gia hạt nhân cho rằng mối lo ngại lớn nhất hiện nay là đang có sự cấu kết giữa các băng buôn lậu uranium và các nhóm khủng bố. Toàn cầu hóa đang tạo điều kiện dễ dàng hơn cho sự luân chuyển hàng hóa xuyên biên giới, song đây cũng chính là cơ hội cho các băng nhóm buôn lậu hạt nhân.
Nạn buôn lậu chất phóng xạ ở khu vực các nước thuộc Liên Xô cũ đang tăng đáng quan ngại. Năm 2010, chính quyền Moldova đã bắt giữ một nhóm buôn lậu 2kg chất uranium nhẹ trị giá 11 triệu USD. Song các vụ buôn lậu vẫn tiếp tục diễn ra.
Và vùng biển Đen, bao gồm khu vực đông nam châu u, vùng Kavkaz và Trung Á, đang là “điểm hẹn” lý tưởng cho các phần tử khủng bố tìm kiếm loại vũ khí hủy diệt hàng loạt này, như báo Washington Post tiết lộ.
Từ lâu, trước hiểm họa tiềm tàng này, Mỹ đã hỗ trợ các nước trong khu vực cải thiện khả năng an ninh hạt nhân, bắt đầu từ việc siết chặt an ninh ngay từ các cơ sở chứa vũ khí hạt nhân của các quốc gia này.
Theo Tuổi Trẻ
Bình luận (0)