Buôn thúng bán mẹt không được trợ giúp pháp lý?

20/06/2006 00:39 GMT+7

Ngày 19/6, Quốc hội đã thảo luận lần thứ hai trong kỳ họp này về dự án Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật (TC&QCKT) và dự án Luật Trợ giúp pháp lý (TGPL).

Trợ giúp càng nhiều càng tốt

Trong phần thảo luận về dự thảo Luật TGPL, đại biểu (ĐB) Nguyễn Đức Dũng (Kon Tum) nói: "Khoản 4 Điều 12 quy định người được TGPL không được yêu cầu tổ chức pháp lý khác trợ giúp cho mình về một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện TGPL trợ giúp. Tuy nhiên, việc yêu cầu này là quyền của người được TGPL và họ muốn nhờ ai là quyền của họ". Ông Dũng cũng nói thêm: "Những người được TGPL thường là những người nghèo hoặc những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, việc họ được nhiều tổ chức TGPL giúp đỡ thì càng tốt chứ sao lại cấm ?".

Góp ý về điều 5 của dự thảo, ĐB Dương Trung Quốc (Đồng Nai) nói: "Luật quy định vụ việc TGPL không được thuộc lĩnh vực kinh doanh thương mại nhưng những người buôn thúng, bán mẹt... là những người rất nghèo và những yêu cầu trợ giúp của họ phần nhiều có liên quan chính tới hoạt động kinh doanh nhỏ của mình. Họ cũng có quyền được trợ giúp chứ tại sao không?”. Ông Quốc còn băn khoăn: "Trụ sở của các trung tâm TGPL thường ở những tỉnh, thành phố; người nghèo cần TGPL thì ở những vùng sâu, vùng xa. Chỉ riêng việc đi tìm được trung tâm TGPL cũng đã làm cho những người nghèo tốn một khoản chi phí không nhỏ đối với họ rồi”.

Về Quỹ TGPL, ĐB Phan Trung Lý (Nghệ An) phát biểu khá gay gắt: "Quỹ này nên được thành lập để hỗ trợ việc nâng cao chất lượng nghiệp vụ TGPL thì phù hợp. Còn việc trợ giúp trang thiết bị, phương tiện làm việc và tăng cường năng lực trợ giúp... thì không nên. Những khoản chi như xe ô tô, nhà cửa, đào tạo... sẽ tốn rất nhiều tiền và quỹ sẽ không đủ để làm điều đó".

ĐB Nguyễn Đình Lộc (TP.HCM) cho rằng tiêu chuẩn đối với trợ giúp viên pháp lý là quá cao. Theo ông Lộc, "một cá nhân chỉ cần một vài điều kiện trong quy định tại điều 21 là có thể thực hiện TGPL cho người khác được rồi... Ở VN còn rất nhiều người cần TGPL và việc trợ giúp cần thực hiện trên tinh thần người biết ít trợ giúp ít, người biết nhiều trợ giúp nhiều đối với những người nghèo, những người cần trợ giúp về pháp lý".

"Luật này dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp thấy dễ hiểu hơn"

Trong phần thảo luận về dự thảo Luật TC&QCKT sáng 19/6, khá nhiều ĐB Quốc hội phàn nàn về câu chữ của dự thảo. ĐB Phạm Chuyên (Hà Nội) - người phát biểu đầu tiên - nói: "Có những cụm từ chúng ta đưa vào đây không đúng ngữ pháp tiếng Việt như từ "hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật". Trong ngữ pháp tiếng Việt thì không ai có thể hiểu được khi chúng ta đọc câu "hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật". Ai "hoạt động" ở đây? Bản thân những cái tiêu chuẩn và quy chuẩn nó không hoạt động. Thế mà chúng ta lại đưa một cụm từ hoàn toàn không đúng ngữ pháp rồi sau đó chúng ta giải thích để cho người ta hiểu".

ĐB Nguyễn Lân Dũng (Đắk Nông) tiếp lời: "Khoản 7, Điều 3 được viết "Công nhận là việc xác nhận năng lực của phòng thử nghiệm, phòng hiệu chuẩn tổ chức chứng nhận sự phù hợp, tổ chức giám định phù hợp với các tiêu chuẩn tương ứng". Tôi đọc mãi, tôi không hiểu gì cả. Tôi nghĩ mình là ĐB Quốc hội mình đọc cũng không hiểu thì người dân hiểu làm sao nổi".

ĐB Nguyễn Ngọc Trân (An Giang) làm nghị trường "thư giãn" hơn với nhận xét: "Văn phong này sao tôi thấy nó Tây quá. Tôi đọc tôi không hiểu. Tôi thử dịch sang tiếng Anh, tiếng Pháp, tôi thấy dễ hiểu hơn; ban soạn thảo có lẽ dịch Tây ra ta". ĐB Trân nói: "Đề nghị ban soạn thảo phải đảm bảo sự trong sáng của tiếng Việt".

Hôm nay, Quốc hội sẽ thảo luận về dự thảo Luật Chứng khoán và Nghị quyết về các dự án, công trình quan trọng quốc gia.

Hoàng Ly

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.