Bút thép giữa Sài Gòn

25/04/2005 23:18 GMT+7

Chỉ vài ngày nữa đến đại lễ 30/4. Đi ngang Nhà hát TP.HCM đã thấy rõ một sân khấu rộng hàng nghìn mét vuông dựng lên gần xong. Ở đây sẽ diễn ra chương trình văn hóa văn nghệ hoành tráng TP Hồ Chí Minh - hòn ngọc tỏa sáng vào cuối tuần. Nhớ lại cũng chính vị trí trước nhà hát này, hơn 30 năm về trước, nhất là từ 1970 - 1975, đã diễn ra nhiều cuộc đột kích đòi tự do - dân chủ của đồng bào và thanh niên sinh viên học sinh (SVHS).

Đây là vị trí trung tâm thành phố, chế ngự nhà hát sẽ dễ dàng thu hút chú ý của mọi người, của dư luận báo chí trong và ngoài nước (nơi đây từng dùng làm "nghị trường" của hạ viện Sài Gòn). Thường các cuộc biểu tình lớn nổ ra tại trung tâm Sài Gòn đều nhắm đến phút cao trào giăng biểu ngữ, đọc tuyên bố chống Nguyễn Văn Thiệu và Mỹ xâm lược trước quảng trường đó. Chống Thiệu nhiều điều cụ thể, sát sườn, qua chính các hồ sơ do phe phái đối lập, hoặc không ăn cánh với ông tiết lộ.

Bùng nổ đáng kể là phong trào nhân dân chống tham nhũng năm 1974. Bản cáo trạng số 1 của phong trào này vạch ra những con sâu lớn đã ăn mòn đồng ruộng miền Nam trong các vụ đầu cơ phân bón dính líu đến chính bản thân tổng thống Thiệu. Theo cuộc điều tra kéo dài 3 tháng, với đầy đủ hồ sơ để kết luận, thì một số đô la không nhỏ do Mỹ viện trợ thường niên cho chính quyền Sài Gòn được đem ra mua phân bón và thuốc trừ sâu ở nước ngoài đem về để yểm trợ nông dân nhân trồng các giống lúa mới, cải thiện đất đai từng mùa. Nhưng khi phân bón nhập vào tới cảng Sài Gòn, thay vì đưa ra ngay thị trường để đáp ứng nhu cầu của nông dân, hoặc đưa về nông thôn theo đường hướng của đợt "cách mạng xanh", chúng lại bị làm phù phép để theo những con đường ngoằn ngoèo riêng chạy vào các nhà kho của công ty Hải Long rồi nằm yên trong đó. Mục đích để đầu cơ trục lợi cho những người đứng đầu công ty trên, với chủ tịch là Nguyễn Xuân Nguyên, anh em cột chèo của ông Thiệu. Ông Nguyên đến cầu cứu, năn nỉ ông Thiệu tìm mọi cách cứu cho một phen. Với vị trí tổng thống, ông Thiệu đã làm gì giúp "người anh em". Cáo trạng viết:

"Khi câu chuyện vỡ lở, ông (Thiệu) đã mời Ủy ban điều tra vào dinh Độc Lập ăn sáng, rồi ông giữ luôn hồ sơ này lại, yêu cầu ủy ban "đừng làm khó dễ cho công ty của chúng tôi nữa" (...). Tổng thống không thể kiêm nhiệm một chức vụ nào thuộc lĩnh vực tư, dù có thù lao hay không. Ở đây, ông tổng thống đã hùn hạp với công ty Hải Long, hay ít ra là đã bảo trợ cho công ty này cho vụ đầu cơ phân bón nói trên, như thế, ông có thể nào chạy được tội vi hiến và tham nhũng không?".

Cáo trạng lưu ý, hậu quả các vụ đầu cơ đó đã tác động để giá phân tăng vọt, lôi theo giá lúa lên cao, gây ra cảnh khó khăn cho dân. Người dân, trong đó có nông dân, muốn đủ điều kiện sinh sống và canh tác, mua dụng cụ sản xuất và phân bón rẻ hơn một chút, phải chạy vạy giấy tờ qua nhiều cửa "quyền" rắc rối. Chính ông Thiệu thừa nhận tình trạng này trước công luận ở Vũng Tàu ngày 10/8/1974 qua cách nói lập cập rườm rà vốn có của ông, rằng:

- ...Trị tham nhũng cũng phải trị cái căn bản. Không tham nhũng sao được, đi xin có cái giấy, phải đi ngang tới 5 ông công chức, ông này "nháy" rồi ông kia "nháy". Tôi nói nếu tôi như cái bà đi xin giấy, tôi nói thôi làm ơn 5 ông đừng "nháy", "nháy" một ông để cho tôi dồn một ông để tôi hối lộ cho nó lẹ đi. Thà hối lộ thì hối lộ một ông, còn mau hơn là phải hối lộ tới 5 ông mà nó chậm công việc của tôi thì tôi phiền lắm.

Thường những câu nói như vậy được báo chí nhắc lại để chế giễu, châm biếm, nhất là tờ Đối Diện đóng khung các câu nói đó để bạn đọc "lưu ý". Báo chí cũng nêu hàng loạt các trường hợp tham nhũng tày đình trong hàng ngũ tướng tá của ông Thiệu, kể cả hệ thống buôn bán bạch phiến với đường dây móc nối từ các cảng quốc tế đến... dinh Độc Lập. Vì thế giữa dinh Độc Lập và báo chí Sài Gòn có một khoảng cách không bao giờ lấp đầy được. Về phía dinh Độc Lập, thường thông qua Bộ Nội vụ và Bộ Dân vận - chiêu hồi để khống chế làng báo. Với việc áp dụng Luật 19/69 (có tu chính sơ qua lấy lệ) và Sắc luật 007, chính quyền Sài Gòn đã trắng trợn "vây ráp" báo chí. Nhất là sau ngày ký hiệp định Paris, mức độ đàn áp tăng cường hơn và mở rộng hơn. Vì, như một nhà báo nhận định:

"Bấy giờ dinh Độc Lập như ngồi trên đống lửa bởi nội dung Hiệp định Paris đã mở rộng cánh cửa vào Sài Gòn cho Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Sự có mặt công khai của người đại diện chính phủ cách mạng giữa lòng đô thị lại là một chỗ dựa tinh thần rất lớn đối với phong trào đấu tranh của đồng bào và SVHS". Dinh Độc Lập không muốn báo chí cứ cày lui, cày tới quanh những dòng chữ sống động của hiệp định, với họ việc ký kết hiệp định nằm ngoài tầm tay và ý muốn. Họ không chỉ bắt bớ những người chủ trương làm báo trong phong trào SVHS, hoặc dằn mặt tịch thu theo dõi những nhà văn, nhà báo viết trên các tờ có lập trường rõ ràng như Đối Diện, mà còn mở rộng đàn áp, chèn ép sang nhiều bài báo khác. Tờ nhật báo Hòa Bình là một ví dụ. Tờ này lên tiếng chống tham nhũng, đề cập đến một số chi tiết quanh những vụ việc mua bán chức quyền, nha phiến, buôn lậu bất lợi cho chế độ, đã bị tịch thu liên tiếp 2 ngày với 2 cái cớ bâng quơ vô lý. Một là, tờ này "dám" đăng mẩu tin với tựa Phụ nữ quốc tế nghĩ gì về thanh niên Pháp dẫn theo Hãng thông tấn AP. Hai là mẩu cười Công chúa Anh ngã ngựa dẫn theo hãng UPI, cả hai mẩu đều là chuyện bên Anh, bên Pháp, chẳng dính chi đến chính trị  nội địa. Thế nhưng Bộ Nội vụ và Bộ Dân vận chiêu hồi vẫn nại ra đủ cớ để tịch thu trọn gói. Tức tối, chủ bút là linh mục Trần Du họp báo tại Trung tâm văn bút (Sài Gòn) chiều 11.9.1974 tố cáo "Chính phủ Việt Nam Cộng hòa sợ hãi hai chữ hòa bình và: "Chế độ này toàn làm những hành động vi hiến". Đối với những báo "cứng cựa" như của SVHS, hoặc tạp chí Đối Diện, thì không chỉ tịch thu liên tục, rốt ráo, gây tổn hại về tài chánh nặng nề, mà người nào đọc nó, bán nó hoặc tham gia chuyển báo đi phát hành các tỉnh đều bị theo dõi, hù dọa, bắt về bót. Nhưng điều ấy cũng không ngăn cản được xu thế đấu tranh dấy lên trong hàng ngũ trí thức và báo giới, như một quan sát viên quốc tế thời bấy giờ bình luận: "Sài Gòn đang sụp đổ từ bên trong".

Mai Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.