Ca bệnh thứ 3 và 4 mắc đậu mùa khỉ đang cách ly, điều trị ở đâu?

Duy Tính
Duy Tính
26/09/2023 12:09 GMT+7

Hiện sức khỏe của 2 người mắc bệnh đậu mùa khỉ thứ 3 và 4 tại Việt Nam ổn định, đang được cách ly, điều trị theo quy định của Bộ Y tế.

Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ (vi rút Mpox) thứ 3 tại Việt Nam (thường trú Đồng Nai, tạm trú TP.HCM) hiện đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới (TP.HCM). Ca mắc đậu mùa khỉ thứ 4 ở Việt Nam điều trị tại Trung tâm y tế H.Tân Uyên (Bình Dương).

Ngành y tế TP.HCM đã phối hợp với ngành y tế Đồng Nai, Bình Dương để điều tra dịch tễ 2 ca bệnh này, nhằm khoanh vùng, cách ly, điều trị tránh lây lan bệnh đậu mùa khỉ ra cộng đồng.

Người mắc đậu mùa khỉ thứ 3 và 4 đang cách ly, điều trị ở đâu? - Ảnh 1.

Ca mắc bệnh đậu mùa khỉ năm 2022 được phát hiện tại TP.HCM

BỆNH VIỆN BỆNH NHIỆT ĐỚI

Qua điều tra dịch tễ cho thấy, nam bệnh nhân L.V.T (25 tuổi) là lao động tự do, thường trú tại xã Xuân Trường, H.Xuân Lộc (Đồng Nai). Trước ngày 30.8, bệnh nhân trọ một mình tại TP.Thủ Đức (TP.HCM), thường ở nhà, ít ra ngoài, không tụ tập ăn uống, chỉ đi ra ngoài ăn cơm.

Từ ngày 30.8 - 2.9, bệnh nhân đến thăm bạn gái ở Bình Dương (xã Tân Bình, H.Bắc Tân Uyên, Bình Dương), bệnh nhân không có bất kỳ triệu chứng nào, sức khỏe ổn định. Người bạn gái có triệu chứng sốt về chiều. 

Từ ngày 2.9 - 5.9, bệnh nhân về thăm gia đình ở xã Xuân Trường, thời điểm này sức khỏe của bệnh nhân và các thành viên trong gia đình ổn định.

Từ ngày 6.9 - 13.9, bệnh nhân ở trọ cùng 4 bạn nam khác tại P.Thới An, Q.12. Trong thời gian này sức khỏe của bệnh nhân và các bạn cùng phòng đều ổn định, không có triệu chứng bất thường.

Xem nhanh 12h ngày 27.9: Phát hiện ca đậu mùa khỉ nội địa đầu tiên

Từ ngày 13.9, bệnh nhân bắt đầu có triệu chứng nổi hạch ở 2 bên bẹn, không sốt.

Ngày 15.9, bệnh nhân có triệu chứng nổi hạch 2 bên bẹn, sốt, sưng đau ở cơ quan sinh dục và nổi 2 - 3 mụn nước nhỏ. Bạn gái cũng bắt đầu có triệu chứng nổi vài mụn nước ở cơ quan sinh dục. 

Ngày 16.9, bệnh nhân đã hết nổi hạch 2 bên bẹn, các nốt mủ ở cơ quan sinh dục nổi rõ và ngứa, xuất hiện thêm 1 nốt mủ tại niêm mạc miệng.

Từ ngày 15 - 18.9, bệnh nhân có đi khám tại một số phòng khám tại tỉnh Bình Dương và TP.HCM, các triệu chứng không giảm.

Từ ngày 18 - 22.9, bệnh nhân nổi thêm các nốt mủ ở tay, chân, ngực, các nốt loét xuất hiện toàn thân (tay, chân, niêm mạc miệng, ngực, cơ quan sinh dục), ngứa, khó chịu, không sốt.

Ngày 22.9, bệnh nhân đến khám tại Bệnh viện Da liễu TP.HCM, tại đây được chẩn đoán thủy đậu bội nhiễm ngày thứ 5, phân biệt đậu mùa khỉ. Bệnh nhân được bệnh viện điều trị và lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP.HCM.

Ngày 23.9, Viện Pasteur TP.HCM thông báo kết quả xét nghiệm bệnh nhân dương tính với vi rút đậu mùa khỉ. Thời điểm đó bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại nhà trọ (P.Thới An, Q.12).

Ngày 24.9, bệnh nhân được nhập viện Bệnh viện Bệnh nhiệt đới để cách ly điều trị. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định, không sốt, mụn nước rải rác, không có sang thương mới.

Như vậy, đây là trường hợp thứ 3 mắc bệnh đậu mùa khỉ đã được ngành y tế TP.HCM phát hiện, chẩn đoán, cách ly điều trị theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

Trong khi đó, ngày 25.9, bạn gái của bệnh nhân (22 tuổi, tạm trú xã Tân Bình, H.Bắc Tân Uyên, Bình Dương) cũng nhận được kết quả dương tính với vi rút đậu mùa khỉ từ Viện Pasteur TP.HCM. Nữ bệnh nhân này đang được cách ly điều trị tại Trung tâm y tế H.Tân Uyên.

Xem nhanh 12h ngày 26.9: Thời sự toàn cảnh

Có 4 người tiếp xúc ca bệnh ở TP.HCM

Sở Y tế TP.HCM đã có chỉ đạo Bệnh viện Bệnh nhiệt đới thực hiện tốt cách ly, điều trị và chăm sóc người bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Chỉ đạo Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) phối hợp với CDC Đồng Nai, Bình Dương tiếp tục điều tra dịch tễ, nhất là tiền sử đi lại và tiếp xúc của người bệnh để kịp thời ngăn chặn nguy cơ lây lan trong cộng đồng. Đặc biệt, theo dõi và hướng dẫn 8 người tiếp xúc gần với bệnh nhân (4 người tại TP.HCM, 1 người Bình Dương, 3 người Đồng Nai) tự theo dõi sức khỏe tại nhà. Hướng dẫn vệ sinh khử khuẩn toàn bộ nhà trọ và các vật dụng cá nhân của bệnh nhân.


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.