Cá chuồn thính ấm ngày mưa lạnh

09/11/2019 20:09 GMT+7

Những ngày này miền Trung mù mịt giữa màn mưa. Thằng em thành phố nhắn tin: “Nhớ mùa mưa cũ, mẹ chưng cá chuồn thính ăn với cơm nóng ngon ơi là ngon”.

Là nó nhắc khéo đấy. Tinh tướng thật! Gửi cho em ít cá chuồn thính thì nói cho rồi. Bày đặt… thương nhớ. Mình dặn vợ mai mua gửi cho chú nó gấp. Mà cứ gì nó. Mình ở “chính quê” đây, nghe mưa thấy lạnh là nhớ cá chuồn thính liền. Nó ở Sài Gòn… thả thính để nghe ngóng cá chuồn thính quê nhà là phải lắm.
Cái giống thật lạ! Cá đầu mùa, tươi thì cho món gỏi ngon lọt chân răng, món nướng ngon xôn xao đầu lưỡi, món chiên ngon cháy xoong luôn. Còn cuối mùa (khoảng tháng 3, tháng 4 âm lịch) giá rẻ bèo, bán chậm, cá hết tươi thì “chuyển qua” làm cá thính, cũng ngon… nức nở. Quê mình (Sa Huỳnh, Quảng Ngãi), các “chuyên gia” hải sản mua người vài nghìn con về thính để bán vào mùa đông.
Để thành cá thính, cá phải được muối trước. Khoảng tuần lễ là vớt ra, vuốt cá để xả bớt chất mặn. Sau đó xếp cá trở lại vô chượp. Cứ một lớp cá là đệm một lớp bắp giã giập trộn với đường đen. Khi đầy, chèn cây và đá trên mặt rồi đậy kỹ.
Đầu tháng 10 âm lịch gió tới, mưa về. Cá thính ra chợ. Mỗi con 7.000 đồng, không trả treo gì hết! So với thời điểm vô chượp, trừ tiền cá, bắp và đường, bán lãi mỗi con 4.000 đồng. Bán cá thính sướng lắm. Đầu buổi kĩu kịt gánh cá ra chợ, cuối buổi thong dong quảy gánh ra về.
Nhà bốn người chỉ cần hai “em” chuồn thính thôi. Khoanh tròn cá trong chén, cho một lớp hành tím xắt mỏng, vài lát thịt ba chỉ xắt nhỏ, chút tiêu và bột ngọt lên trên rồi đem chưng cách thủy là xong. Chưng cách thủy là làm siêng đó. Còn… làm biếng thì đặt vào nồi cơm khi nước vừa cạn. Cũng gọi là chưng nhưng nhờ hơi nóng của nồi cơm đang trên bếp. Cơm chín, cá thính cũng chín luôn.
Ngày đông mưa bay gió tạt, trong cái lạnh se se, cả nhà quây quần quanh mâm cơm có “cô kha khá” (nói lái từ ba tiếng “cá khô khô”) um mặn, đĩa mắm dằm ớt kim và tô canh rau tập tàng là đã thấy ngon rồi. Giờ xuất hiện thêm một “em” mặn mà mang tên “cá chuồn thính” nữa khiến bữa cơm “thịnh soạn” hẳn ra. Ăn cá chuồn thính nghe cái mặn lặn trong cái ngọt dìu dịu.
Một chút cá chuồn thính “đính” với miếng cơm nóng ai cũng ăn một cách… lóng ngóng vì quá ngon. Thịt cá chuồn thính đương nhiên là “hạt nhân” rồi. Nhưng lát hành tím, chút thịt ba chỉ cũng ngon không kém. Là bởi hành và thịt được ướp thấm cái đậm đà của cá thính trong khi chưng. Cho nên với những nhà đông con, cá chuồn thính chỉ vài con nhưng gánh cả “một trời” hành tím.
Một người bạn của mình có lần hài hước nhưng rất thật, rằng bình thường tao ăn rất… bình thường. Nhưng có “chuồn thính” thì từ 2 chén cơm vọt lên 3, 4 chén. Ngay như mình đây, kẻ đã từng nói như con vẹt cái triết lý “ăn để sống chứ không phải sống để ăn”, hễ gặp cá chuồn thính là… dính cho đến hạt cơm cuối cùng. Tất nhiên “bối cảnh” của món này phải là những ngày đông mưa lạnh, gió se, ai cũng mặc “áo kép” và đi dép… trùm cả bàn chân. Còn các mùa khác, nhất là mùa hè, dù cá chuồn thính có thể xuất chượp được rồi nhưng không ai nghĩ đến. Hình như không riêng gì chuyện mặc mới theo mùa. Ăn cũng có thời có vụ. Ngẫm câu nói xưa, “ăn theo thuở, ở theo thời” thật là chí lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.