Cá dữ Tam Giang

12/07/2011 14:29 GMT+7

Chuyện kỳ bí về loài cá dữ ví như ngư tinh truyền đi qua bao thế hệ chìm nổi giữa mênh mông phá Tam Giang (TT- Huế) vốn khắc nghiệt mà hào phóng.

Bí hiểm

Giữa trưa, nhỡ độ đường qua ven phá Tam Giang, chúng tôi vội tìm quán cóc ăn tạm. Sau bão, quán tre liêu xiêu bên mép nước chỉ còn độc mỗi món cá và mấy gói mì tôm. Có điều lạ, bác ngư dân giúp chúng tôi đưa đò dọc phá không chịu dùng món cháo cá mà chỉ nuốt vội tô mì tôm thay cơm. Nằn nì thế nào cũng chẳng được. Chị chủ quán tên Trang phân bua: “Các anh cứ tự nhiên, mấy bác đây kiêng, không dùng món cá vược ni mô. Thứ ni tui lấy từ nơi khác, vì mưa gió không có chi bán, chứ mấy bác ở đây ngại đánh bắt lắm. Nhiều ngư dân trên Tam Giang rộng lớn cũng kiêng cữ rứa cả, còn ngại gọi tên cá ra nữa”. Cá vược từ lâu là món đặc sản của nhiều nhà hàng không chỉ ở Huế, cớ sao trên vùng Tam Giang lại có những người kiêng khem đến kỳ lạ!

 
Anh em ông Nguyễn Dồn, Nguyễn Dàng nổi tiếng là sát thủ cá vược khắp vùng đầm phá

Đầu hè 2010, một anh bạn giáo viên gốc sông nước mời chúng tôi về vùng Đồng Miệu thuộc phá Tam Giang. Trước để mừng cho vụ mùa bội thu hiếm thấy của bà con ngư dân quê anh, thứ nữa là chứng kiến Tam Giang đang hồi sinh mãnh liệt sau những tháng năm suy giảm nguồn lợi thuỷ sản tưởng chừng cùng kiệt.

 

Ma quỷ chi không biết, nhưng thịt cá vược thì ngon phải biết, chắc như thịt gà. Người khỏe, ăn vô càng khỏe. Như anh em tui đây, có lẽ nhờ ăn cá vược thường xuyên, đặc biệt là món bong bóng nhồi chả rất ngon và bổ, mà tới chừ ai cũng khỏe khoắn, ít đau ốm".

“Đăng cai” cuộc vui hôm đó là một ngư dân luống tuổi tên Cận, từng đeo nghề cá rồi lang bạt kỳ hồ vào Nam ra Bắc, nay trở về quê quyết chí làm lại từ đầu.Ông Cận vừa trúng mẻ cá nâu hơn 20 triệu đồng từ trộ chuôm do hai vợ chồng mẫn miệt chăm bẵm qua hơn nửa năm.

Rượu làng Chuồn ven phá Tam Giang nức tiếng được bày ra trên sàn nhà chồ ngút gió, bên cạnh là ngồn ngộn những sản vật đưa cay vừa kéo lên từ sông nước như cá đối cồi, hồng, nâu, bống, dìa, ong, kình, tôm, ghẹ… Nhìn mặt đầm loáng nước hợp cùng sắc trời xa mãi về phía biển, thi thoảng có tiếng quăng mình của một loài cá lớn, bất chợt nhớ chuyện cá vược một thuở.

Từng lang bạt tứ chiếng, nghe nhắc tên cá vược, ông Cận lừng khừng: “Cá ni dân sông nước ví như ngựa xe của thuỷ thần. Tui từng bắt gặp chúng thân to dài như con heo nằm chầu bất động, đầu hướng vô những am miếu đắp nổi giữa phá. Nhìn bí hiểm lắm. Lúc nhỏ tên nó là cá xương, choai choai gọi là cá trặc, thành đại ngư thì có tên là vược. À nì, mà cuộc vui đây có nhiều ngư bác kiêng, không muốn nhắc đến nó mô, chú thông cảm cho. Muốn rõ thì chịu khó ngược lên mạn bắc Tam Giang. Nghe nói ở đó có hai cao thủ vốn anh em ruột chuyên trị cá vược sống hàng chục năm giữa phá”, lão Cận thận trọng tiết lộ.

Săn cọp nước

Khi tìm hiểu tour du lịch sinh thái đầm phá, tôi tình cờ lạc vào đúng cái làng chài Ngư Mỹ Thạnh (Quảng Điền) nơi có hai “cao thủ” vốn là khắc tinh của loài cá vược khủng được ví như thứ cọp nước hung dữ bậc nhất phá Tam Giang. Họ là Nguyễn Dồn và Nguyễn Dàng, cả hai anh em đã trên 80 tuổi. Gặp khách, ông Dồn kéo sang nhà người em gần cạnh để chuyện trò cho “luôn mồ hôi”. Ông Dàng vừa vá tấm lưới khổ lớn màu xanh, sợi thô, mắc lưới cỡ 25mm, ngay cả thanh niên trai tráng bị quấn vào cũng khó thoát. Loại này hiếm thấy trên đầm phá, chỉ có anh em ông Dồn chuyên dùng săn cá vược.

Cá vược Tam Giang được ví như cọp nước bởi sức mạnh và hình dáng to khỏe, sự xuất quỷ nhập thần, hung tợn. Nhưng, điều ngư dân e ngại nhất lại là những điềm gở từ cá vược. “Có nhiều trùng hợp khó hiểu, bà con không lý giải được nên coi là ma quỷ, xui xẻo. Anh em tui thì không tin. Như chuyện cá vược hay chầu các am miếu. Có thể đó là nơi tôn nghiêm, yên tĩnh không bị ai quấy rầy, nên cá đến trú chứ có chi lạ mô. Cá sống lâu thì tinh ranh lên thôi”. Có một chuyện được dân sông nước và anh em ông Dàng hay kể, nghe cũng xa xưa lắm. Hồi đó, đầm phá bỗng xuất hiện con cá vược rất lớn, dài hơn 1 mét, thường xuyên ăn sạch tôm cá và phá nát nò, lưới trong vùng chắn sáo của dân. Một nhóm ngư dân quyết bắt, dù nó lúc ẩn lúc hiện rất tinh quái. Hết phục kích lại dụ nhử, cuối cùng cọp nước bị tiêu diệt. Các ngư dân mổ thịt cá ăn cho bõ tức. Mùa mưa năm đó, cả nhóm đều gặp nạn... Nhiều câu chuyện khác về cá vược cũng lan man mê mị như thế.

Không tin, nhưng cứ theo lệ “xưa bày nay làm”, anh em ông Dồn trước mỗi lần săn cọp nước đều lội ra hương khói cầu đảo, thả hàng chục con cá giấy hàng mã xuống nước để thế mạng cá vược thật, cứ ra hiệu là lên thuyền, cấm bàn tán. Những “thủ tục” tâm linh đó có từ thời ông nội. “Không chỉ ngồi đợi có người đến nhờ trừ hại cho các khu quảng canh chắn sáo, hồi trước tụi tui cũng hay xuất quân săn cọp lắm, vì thứ cá ni bán cho nhà giàu ở phố rất được tiền. Cứ nhắm vùng lạch sâu, nước xoáy bọt mà tìm tới, bên dưới chắc chắn là có hang cá vược. Chỗ cọp ở rộng lắm, cỡ hai người lớn cùng chui vô lọt. Trong hang, cá vược dài hơn mét nằm khoanh đuôi ngạo nghễ như ông vua đang ngự”, ông Dồn cho biết.

Có nhiều cách săn cá vược như câu, đâm lao, bắn tên, đánh lưới, nhưng ngón đòn anh em ông Dồn thường dùng là quây lưới tròn. Nhóm săn cọp nước thường được tổ chức từ 5- 7 người. Dùng một cọc lớn cố định lưới sau đó khoanh tròn vị trí con mồi trong vòng đường kính 50m. Các thợ săn chia nhau chốt chặn từng góc. Ông Dàng kể, tay diễn tả điệu bộ giáp chiến: “Cọp nước tinh khôn, thấy động là tìm đường thoát, có khi quăng mình nặng hàng chục ký lên cao 3-4 mét để bay ra khỏi vòng vây. Thợ săn phải quây hẹp vòng tròn lưới, có khi chừng nửa giờ mới bắt được. Thấy cá nổi vây, phải nhanh chóng lao đến chụp đầu, quật ngược bụng lên trời. Động tác phải nhanh, mạnh, nếu không cá quẫy căng hai chiếc mang sắc lẹm như gươm, cứa toác ngực mình như chơi. Đòn thiết đầu công như đạn bắn của cá cũng từng khiến thợ săn to khỏe nhập viện”. 

 
Đầm phá Tam Giang - Cầu Hai mênh mông, nơi lưu giữ những chuyện kỳ bí về cá vược

Cá vược vừa hung tợn, lại “tàng hình” như ma quỷ, không ít ngư dân bỏ nghề sau khi đụng phải chúng. Mấy năm trước, dân chài Trần Anh ở xã Quảng Ngạn bị cá đâm toạc nửa mặt, mang thương tật suốt đời. Nhiều lần cá nằm gọn vòng vây, lưới không suy suyển một mắc, nhưng khi đám thợ săn tung ngón đòn cuối cùng thì cá dữ biến đi mất. “Tui nghĩ, chắc nó có cách vạch bùn độn thổ hoặc theo ngóc ngách bí mật thoát ra ngoài thôi. Lắm bữa tui cũng về tay không kiểu đó rồi...”. Ông Dàng dứt chuyện thì ông Dồn tiếp lời: “Ma quỷ chi không biết, nhưng thịt cá vược thì ngon phải biết, chắc như thịt gà. Người khoẻ, ăn vô càng khoẻ. Như anh em tui đây, có lẽ nhờ ăn cá vược thường xuyên, đặc biệt là món bong bóng nhồi chả rất ngon và bổ, mà tới chừ ai cũng khoẻ khoắn, ít đau ốm. Nhưng lạ, người cảm sốt mà lỡ ăn, bệnh càng nặng thêm... Mà chỉ có cá tự nhiên, thịt mới đặc biệt như rứa thôi. Hiện chừ tại vùng Hải Dương, Thuận An, người ta nuôi cá chẽm (giống cá vược) nhiều lắm. Nuôi thì nuôi, nhưng họ vẫn rất sợ cọp nước ngoài đầm phá”. Chợt nhớ lần về doi đất Hải Tiến (Thuận An) tôi từng nghe ông An (ngư dân địa phương) kể trong vùng còn đến 80% dân chài tin vào sự linh thiêng của cá vược Tam Giang, ngay cả người chuyên nuôi cá vược bằng giống nhập nơi khác về như ông…

Chiều muộn, những ngọn đèn dầu, đèn điện chạy pin sạc đã lần lượt sáng lên trên những mui đò cá. Gió Tam Giang mát rượi. Đầm phá nhợt đỏ bóng tịch dương dần khuất sau lưng, chỉ có những câu chuyện kể thực thực hư hư bên sông nước theo chúng tôi về phố.

Theo Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.