Cá rô non nấu canh rau đắng đất

06/02/2021 20:32 GMT+7

Cá rô non, miền Trung gọi là cá rô thóc, miền Bắc gọi là cá rô don, đó là loại cá rô nhỏ dẹp chỉ bằng ngón tay trỏ.

Tôi đọc bài thơ dài “Rau đắng đất” của thi sĩ Nguyệt Lãng, trong đó có câu thơ tôi lấy làm đầu đề bài viết: “Cá rô non nấu canh rau đắng đất”, nghe lại bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, bỗng thấy thèm một tô canh cá rô non nấu rau đắng đất, dù tôi chưa một lần được ăn. Chưa ăn mà vẫn nhớ, đó mới là nhạc, mới là thơ.
Bởi tôi yêu người nông dân Nam Bộ thật thà chân chất, yêu những cánh đồng Nam Bộ thẳng cánh cò bay, hồi xưa ấy. Yêu đồng Tháp Mười mênh mang mùa nước nổi. Tôi yêu bông súng, bông điên điển, nên yêu thêm rau đắng ruộng hay rau đắng đất dù chưa gặp cũng là chuyện bình thường.
Ở miền Trung, thỉnh thoảng tôi cũng được ăn rau đắng, loại rau ăn kèm với mỳ Quảng xứ Quảng Nam, nhưng đó là rau đắng ruộng. Nghe nói, rau đắng ruộng đắng hơn rau đắng đất là “ rau đắng mọc sau hè”. Thú thật, tôi thích rau đắng phải đắng thật lòng, còn ít đắng thì không thích lắm. Nhưng rau đắng mọc sau hè, là kỷ niệm, thì dù nó đắng hay ngọt, vẫn thích. Ngày còn rất trẻ, tôi có câu thơ “Thế hệ chúng tôi không sống bằng kỷ niệm”, bây giờ già, nghĩ lại, hóa ra mình đang sống bằng kỷ niệm. Có điều, tôi không bao giờ phủ nhận câu thơ ngày trẻ của mình, vì hồi trẻ đúng là tôi nghĩ như vậy. Người trẻ luôn phóng chiếu bản thân mình về phía trước. Như thế, là ít nghĩ về phía sau, về quá khứ. Và như vậy là đúng với người trẻ. Thế mới biết, người trẻ với người già vẫn khác nhau nhiều lắm, cái mà người già quan tâm thì người trẻ ít nghĩ tới, và ngược lại.
Nhưng trẻ hay già, trong lĩnh vực văn học nghệ thuật, thì nên thống nhất với nhau quan điểm này: cái gì hay, thì vẫn hay. Dù bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn “Còn thương rau đắng mọc sau hè” mang âm hưởng của bolero hay dân ca Nam Bộ, thì nó vẫn là ca khúc rất hay, rất cảm động, đầy cảm xúc. Văn nghệ mà không làm cảm động được người đọc hay người nghe, không có cảm xúc, thì coi như bỏ. Dù có vẻ tân kỳ bí hiểm cách mấy. Tôi nói cái này được, vì tôi đã đi qua thơ tân kỳ, đi qua thơ không dễ hiểu. Dù gì thì gì, thơ vẫn phải chinh phục người đọc bằng xúc cảm, trước khi bằng lý trí hay sự khâm phục.
Tôi lần đầu mới đọc thơ Nguyệt Lãng, nhưng tôi thấy nhà thơ này, mặc dù thơ rất mộc mạc, vẫn có nhiều câu thơ cảm động, nhiều câu thơ đầy xúc cảm. Vậy là hay:
“Trời mưa nướᴄ ngập ruộng sâu
ᴄá đồng về hội rủ nhau nhảy hầm
Mưa là mưa lũ mưa dầm
Hẹn mùa, rau đắng mọᴄ quanh thềm nhà…”
Chỉ thế thôi, nhưng đúng là dân “gốc rạ” Nam Bộ, ngay cụm từ “cá về hội” hay “cá nhảy hầm”, chỉ vùng đất Nam Bộ mới có những cảnh này.
Với bài hát “Còn thương rau đắng mọc sau hè” của nhạc sĩ Bắc Sơn, nó dễ vào lòng người bởi nhạc điệu, và ở lâu trong lòng người bởi ca từ. Hình ảnh 2 chị em ngồi nhổ tóc sâu cho nhau, và tóc đều bạc như nhau, mỗi lần nghe đều khiến tôi rơi nước mắt. Chợt nhớ, ngày tôi mới vừa bạc tóc, cứ nghĩ đó chỉ là tóc sâu, ngờ đâu…
Ai biết mẹ buồn vui khi mẹ kêu cậu tới gần
Biểu cậu ngồi mẹ nhổ tóc sâu, hai chị em tóc bạc như nhau…
Người em ấy, sau bao nhiêu năm phiêu bạt giang hồ, may còn được về lại quê nhà ngồi với chị mình, để chị nhổ “tóc sâu”:
Đôi mắt cậu buồn hiu phiêu lưu
Rong chơi những ngày đầu chừa ba vá miểng dùa…
“Chừa ba vá miểng dùa” hay “miểng vùa”, là ba chỏm tóc trẻ con hồi xưa cha mẹ để cho, ngày ấy xưa thật là xưa, và xa lăng lắc. Vậy mà lòng đứa em chỉ muốn, sau này hai năm mươi, được… làm mây:
Xin được làm mây mà bay khắp nơi giang hồ
Ghé chốn quê hương xa rời từ cất bước ly hương…
Nghe tới đây thì tôi khóc thật. Trong đời ai chẳng có một quê hương. Một mai khi về đất, mình chỉ mong được làm mây bay khắp chốn giang hồ, ghé quê nhà bao thương thiết, vậy thôi.
Cũng phải gần ba mươi năm, tôi mới thích bài hát này. Ngày trước, khi nghe nó, tôi không để ý lắm. Có lẽ, khi ấy mình còn hơi trẻ, và chưa thấu được tình cảm của hai chị em “tóc bạc như nhau” khi họ ngồi gần nhau. Tình cảm ấy, không phải ai cũng có, ai cũng cảm được ngay. Nhưng thời gian cho chúng ta những cảm xúc mà ngày trẻ tuổi chúng ta chưa có được. Nghệ thuật kiên trì với chúng ta là như thế, cứ dần dần rồi ta mới cảm được, phải trải đời tới độ nào rồi mới nhận được. Cũng như món cá rô non nấu canh rau đắng đất, phải tới mức gắn bó với quê nhà thế nào, mới thực sự thấy nó ngon. Nó ngon từ ký ức, ngon từ cảm xúc, và ngon từ những tháng năm mình xa cách nó.
Xin hãy nghe lại bài hát của nhạc sĩ Bắc Sơn, “Còn thương rau đắng mọc sau hè”, nghe và chìm trong hồi tưởng, chìm trong nỗi nhớ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.