Cá sấu ký sự - Kỳ cuối: Rùng rợn sấu hoang

28/06/2009 09:51 GMT+7

(TNTT>) Giở quyển Bến Nghé xưa, trang 19, nhà văn Sơn Nam có ghi: “Trong bước đầu nhân dân ta khai thác vùng Bến Nghé đành rằng được thiên nhiên ưu đãi, gặp vị trí giao thông thuận lợi nhưng dưới sông là sấu, trên bờ là cọp...”.

Giai thoại sấu “thành tinh”

Sách Đại Nam nhất thống chí giải thích: “Nghé là tiếng sấu kêu, ta nói “sấu nghé” vì sấu kêu nghe như tiếng nghé ngọ của con trâu con. Sự xuất hiện của bầy sấu hung dữ từ rừng Sác - Cần Giờ mon men vào là có thật, lúc ghe thuyền chưa tấp nập, chưa có tàu máy chạy khuấy động sông rạch...”.

Vùng Cần Giờ, hơn 50 năm trước, sấu còn nằm lềnh bãi, nhe răng tắm nắng, có con nặng vài tạ là chuyện thường. Anh Trần Văn Phương, cựu thanh niên xung phong nông trường Q.11, đóng ở Vàm Sát, xã Lý Nhơn, Cần Giờ-nay là phó giám đốc khu du lịch Vàm Sát xác nhận điều này. Đồng đội anh, có người bị sấu quặp, tha đi mất xác. Phục thù, các anh buộc một con vịt xiêm lớn chỗ gần mé nước, ôm súng AK nấp chờ, cuối cùng bắn hạ một con sấu hoa cà nặng gần hai tạ. Kinh hơn, trong bụng con sấu này còn một khúc xương ống quyển và chiếc quần đùi.

Cũng có chuyện ở xã Lý Nhơn, ông Tư Săn câu được một con sấu hơn tạ rưỡi. Ông này là một thợ săn giỏi của vùng, võ nghệ cao cường, thừa lòng gan dạ. Trước thảm trạng sấu rình bắt chó, quật người “hà rầm” quanh vùng, ông quyết chí câu cho được con sấu đầu đàn. Đồ nghề của ông là một cặp vịt xiêm, mấy lưỡi câu kiều, dây cáp và một chiếc xuồng câu. Mặc vợ con khóc lóc ngăn cản, ông vẫn không mềm lòng. Đêm trước, ông trăn trối với vợ: “Hễ ba ngày sau tui không về thì bà hô lên cho bà con phụ đi tìm xác tôi!”... Rồi ông Tư lầm lũi chèo xuồng ra khúc sông con sấu “thành tinh” thường lui tới, buộc chặt lưỡi câu vào chân vịt mới thả ra, gác chèo thả trôi. Con sấu quá khôn, gần cả ngày mà nó vẫn chưa ăn mồi. Bực tức, ông trầm mình xuống nước, tay vịn mạn xuồng, chân quẫy đạp - cố ý lấy mùi người nhử sấu. Xong, ông trèo nhanh lên xuồng thả lại vịt. Tối đó, sấu đớp mồi, lôi ghe ông chạy tuốt sang gần cảng đảo Thạnh An, xa khoảng 20 km đường sông. May gặp mấy chiếc ghe cào chạy ngang, ông hô lên nhờ phụ trợ. Thế là họ cùng nhau dìu chầm chậm xuồng ông vào cảng, rồi trục con sấu lên. Lúc này nó đã đuối sức, đành nộp mạng.

Những nhân chứng, giai thoại về sấu Nam cũng là thứ gia vị độc đáo cho bữa tiệc “rồng nuôi". Có thể nó gây sốc với những người nhút nhát, nhưng cũng tạo được ấn tượng, như người sợ ma khoái nghe chuyện quỷ vậy. Và dưới góc độ ẩm thực du lịch, Trung Quốc đã bán được tiếng chuông Hàn Sơn tự, ở Tô Châu. Còn làng nghề cá sấu Q.12 quên bán hoặc khuyến mãi tiếng sấu kêu như trâu nghé thuở nào!

Bí mật về nước mắt cá sấu

Theo các tài liệu khoa học và qua đối chứng tại trại sấu Hoa Cà, loài sấu có nhiều chuyện ngộ nghĩnh: Sấu nước mặn “mít ướt” hơn sấu nước lợ. Riêng sấu nước ngọt có thể không biết “khóc”. Bởi khi lượng muối trong cơ thể sấu vượt quá mức cần thiết, nó sẽ bài tiết qua tuyến lệ. Thế mới có thành ngữ “nước mắt cá sấu”.

Sấu không mắc chứng răng khểnh và không có lưỡi.

Sấu là loài bò sát duy nhất có thể dựng thẳng bốn chân dưới bụng và di chuyển giống như các loài hữu nhũ với tốc độ từ 0,3 - 4,5 km/h. Và chúng có thể phi nước đại với cú nhảy đạt tốc độ từ 3-17 km/h, giống như thỏ rừng.

Ban đêm, mắt sấu sáng không kém cú vọ

Ở châu Phi, tiệc cá sấu là biểu tượng trưởng thành của một thanh niên trong dòng tộc. Vùng Nam Mỹ, người ta tin thịt sấu có tính bổ dương.

Theo y thực Trung Hoa, thịt sấu bổ phổi, có tác dụng tốt với những người bị hen suyễn. Và kết quả nghiên cứu của trường ĐH Nông lâm TP.HCM cùng công ty cá sấu Hoa Cà cũng tương tự, ngoài ra còn cho thấy thịt sấu chứa 17 loại a-xít amin. Trong đó, có 7 loại mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được như: Threonine, Methionine, Isoleucine, Leucine, Phenilalanine, Lysine HCL, Histidine. Do vậy thịt cá sấu thích hợp để bồi dưỡng người bệnh, trẻ em suy dinh dưỡng.

Tấn Tới

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.