Cá vẹt có đặc điểm gì? Vì sao nên hạn chế đánh bắt và tiêu thụ cá vẹt ngoài biển? Trên nhiều trang thông tin đăng hình ảnh những con cá sặc sỡ và cho biết đây là cá vẹt, nó ăn tảo, rong biển, tốt cho các rặng san hô dưới đáy biển.
![]() Cá mó vẹt là thức ăn của nhiều người. Rất nhiều người không biết cá này quan trọng với tự nhiên như thế nào
Ảnh Save Côn Đảo |
Không phải chỉ cá vẹt mới bảo vệ rạn san hô
Chúng tôi có trao đổi với anh Lê Chiến, 34 tuổi, nhà sáng lập Trung tâm Cứu hộ Sinh vật biển SASA, về những vấn đề liên quan cá vẹt. Anh Chiến cho biết: “Cá vẹt (còn được gọi là cá mó vẹt), cũng như cả họ nhà cá mó đều có vai trò quan trọng như nhau. Mọi người dùng hình ảnh cá mó vẹt để chia sẻ thông tin trên các diễn đàn vì nhìn nó bắt mắt và dễ viral (lan tỏa tới đông người) hơn. Trong khi cá mó nói chung cùng với cá giò, cá dìa... đều cần được bảo vệ”, anh Lê Chiến nói.
"Chúng ta phải hiểu rõ vai trò của cá mó vẹt trong hệ sinh thái, với tập tính ăn san hô, cả san hô sống lẫn chết. Cá mó vẹt giống như một tổ mối, hạ đổ một cây cổ thụ trong rừng để hàng triệu sự sống khác vươn lên tới anh sáng. Cá mó ăn san hô sống để những cành san hô khác ở phía dưới có cơ hội vươn lên hoặc tạo khoảng trống cho các sự sống khác. Đôi khi chúng đóng vai trò quản lý độ cao của rạn san hô bằng cách bẻ gãy và ăn các cành san hô mọc quá cao, điều này vô tình khiến rạn có xu hướng phát triển theo diện rộng thay bằng độ cao, và đương nhiên là điều này rất tuyệt vời”, anh Lê Chiến nói.
![]() Một người trẻ vừa đi câu về, trong xâu cá này có cá mó xanh
Ảnh Phạm Văn Châu |
Anh Lê Chiến cũng cho hay, một con cá mó vẹt khoảng 1 kg, trong 1 năm có thể thải ra tới khoảng 145 kg cát san hô. Với nhiều cá thể khác, cá mó vẹt lớn hơn 2 - 3 kg thì có thể một năm cho ra tới khoảng 300 kg cát san hô.
Người trẻ kêu gọi hạn chế đánh bắt cá mó
Trước vai trò quan trọng của cá mó với tự nhiên, nhưng thực tế, các loại cá mó (trong đó có mó vẹt) bày bán ở các chợ, nhà hàng và là thức ăn quen thuộc của nhiều người.
Anh Phạm Văn Châu, 25 tuổi, bạn trẻ đang là quản trị của trang Thông tin Lý Sơn (Quảng Ngãi) nói cá vẹt không xa lạ với nhiều địa phương ven biển, có thể thấy nhiều trong bữa ăn của người dân.
![]() Anh Lê Chiến, nhà sáng lập Trung tâm cứu hộ sinh vật biển SASA
Ảnh NVCC |
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Thanh Niên, anh Lê Chiến nói: “Ở Việt Nam đang có khoảng trên dưới 100 loài cá mó. Cá mó (trong đó có mó vẹt), cá giò, cá dìa đều là những loài ăn rong rêu tảo. Cá dìa ăn tạp hơn nhưng chúng giúp dọn dẹp rìa ngoài của rạn san hô. Cá giò cũng dọn dẹp rạn giúp san hô khỏe mạnh hơn. Chúng đi theo đàn nên bị ngư dân quây lưới là bị bắt cả đàn. Cá mó nói chung cùng với cá giò, cá dìa... đều cần được bảo vệ. Mỗi chúng ta cần phải hiểu rõ hơn về chuỗi thức ăn, mạng lưới thức ăn dưới biển. Tôi nghĩ rằng Tổng cục hải sản cần tuyên truyền để mọi người hạn chế đánh bắt cá mó nói chung”.